Chiều qua (23/5), Bộ GD-ĐT đã trả lời những băn khoăn về kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới (ngày 2, 3, 4/6) trong cuộc trao đổi với báo chí.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Không được đi lại quay phim, gây mất trật tự trong phòng thi
Hầu hết câu hỏi của phóng viên các báo đều tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Điểm mới nhất của kỳ thi năm nay là quy định thí sinh (TS) được phép mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác. Chính quy định này đang khiến các địa phương tỏ ra lúng túng trong việc kiểm soát thế nào là loại máy chỉ có chức năng ghi mà không truyền được thông tin.
Ông Phạm Ngọc Trúc, Phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho rằng: “Việc mang thiết bị vào phòng thi đã được thực hiện tại kỳ thi tuyển sinh 2012 và đã diễn ra an toàn nghiêm túc, không có khó khăn gì trong công tác tổ chức”. Các báo băn khoăn không biết Bộ có hướng dẫn cụ thể hay tập huấn cho các địa phương về việc kiểm soát thiết bị hay không. Ông Trúc cho biết: “Bộ sẽ không có hướng dẫn cụ thể riêng, trong hướng dẫn thanh tra thi tốt nghiệp THPT 2013 có quy định các hội đồng thi phải có biện pháp kiểm tra thiết bị ghi âm, ghi hình được phép mang vào phòng thi. Các địa phương chủ động đưa ra quy định kiểm tra căn cứ vào tình hình thực tế và điều kiện về kỹ thuật của địa phương mình”. Ông Trúc khẳng định thêm: “Thực tế, các địa phương đã có phương án, chưa địa phương nào yêu cầu Bộ hướng dẫn chi tiết về việc này”.
Một số địa phương yêu cầu TS muốn mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi phải đăng ký trước với hội đồng coi thi để hội đồng kiểm tra máy móc và cho phép. Ông Trúc khẳng định: “Việc làm này không trái với quy định của quy chế thi và cũng không hạn chế quyền được mang thiết bị giúp chống tiêu cực vào phòng thi của TS mà chỉ để công tác kiểm soát được thuận lợi, kỹ càng hơn”.
Ông Trúc cũng lưu ý, dù được phép mang ghi âm, ghi hình vào phòng thi nhưng không có nghĩa TS được đi lại tự do để quay phim, gây mất trật tự trong phòng thi. Đồng thời, TS mang điện thoại di động vào phòng thi, dù đã tắt nguồn vẫn bị coi là hành vi vi phạm quy chế thi. Không có chuyện vì được mang thiết bị điện tử vào phòng thi mà “nới lỏng” quy định về điện thoại di động.
Đề thi không đánh đố
Cũng tại buổi gặp, ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết những thông tin liên quan đến đề thi.
Về cách thức ra đề, ông Khôi khẳng định: “Không có thay đổi gì so với cách thức ra đề thi của năm trước, tuân thủ yêu cầu đối với mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nghĩa là đề thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, chủ yếu trong chương trình lớp 12. Đề thi sẽ không quá dài, không quá khó, không có câu hỏi lắt léo, đánh đố TS...”.
Ngoài ra, ông Khôi cũng thông tin về điểm mới trong công tác chấm thi năm nay. Đó là các hội đồng chấm thi đều phải thành lập tổ chấm kiểm tra để chấm lại ít nhất 5% các bài thi tự luận ngay trong quá trình chấm thi. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục tiến hành chấm thẩm định để giám sát ngược trở lại khâu coi thi, chấm thi của các địa phương. Ông Trúc cho biết thêm: “Nếu trong quá trình chấm thi phát hiện dấu hiệu làm bài tập thể thì sẽ quay trở lại xử lý kỷ luật cán bộ coi thi”.
Liên quan đến việc thanh tra, giám sát tính nghiêm túc của kỳ thi, ông Phạm Ngọc Trúc cho biết, ngoài việc quy định mỗi sở phải có lực lượng thanh tra cắm chốt tại các hội đồng coi thi (7 - 10 phòng thi có 1 thanh tra của Sở là cắm chốt) còn có các đoàn thanh tra lưu động không báo trước. Bộ sẽ tổ chức 10 đoàn thanh tra lưu động để đến bất cứ địa phương nào. Thậm chí có những hội đồng thi không phải chỉ đến thanh tra một lần. “Không có quy định đã đến rồi thì không quay lại”, ông Trúc nói.
Trước thông tin một số địa phương yêu cầu TS phải nộp lệ phí “chống trượt” trước kỳ thi, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học bức xúc: “Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói đến “lệ phí” này và tất nhiên nó hoàn toàn trái với quy định của Bộ”. Ông Chuẩn cũng đề nghị báo chí cung cấp địa chỉ cụ thể để Bộ xử lý dứt điểm nếu có.
Chưa quyết định về đề án tuyển sinh riêng của các trường
Ông Ngô Kim Khôi cho biết đã nhận được 11 phương án tuyển sinh riêng của các trường ĐH ngoài công lập. Đến nay có 3 trường đề nghị không triển khai ngay trong năm 2013, còn lại 8 trường đề nghị phương án tuyển sinh riêng. Sau khi tổ chức diễn đàn lấy ý kiến đóng góp của dư luận trong và ngoài ngành về đề án tuyển sinh riêng của 4 trường gửi trong đợt đầu tiên, Bộ GD-ĐT đang tóm tắt và tổng hợp số liệu để báo cáo Ban Chỉ đạo thi và sẽ thông báo vào thời điểm thích hợp.
Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?