Nhiều quán cơm bình dân cũng như hàng bán thịt xiên nướng vỉa hè mua thịt lợn ở chợ Vồ giá rẻ chỉ 40 nghìn đến 60 nghìn đồng/kg về tẩy rửa tẩm ướp khiến thịt ôi biến thành thịt thơm.
|
Trong những lần đi chợ, một người bán thịt ở chợ cóc tên Q. trên phố Văn Cao rỉ tai tôi chia sẻ: “Thịt ngày nào chị cũng hết nhẵn. Em yên tâm đi, nếu hôm nay ế hàng, chị sẽ mang ra chợ Vồ bán cho hết”.
Tìm đến chợ Vồ (số 8 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội) khoảng 11h trưa đến 1h chiều, ở đây rất tấp nập.
Chợ Vồ lúc hơn 12h trưa, giá thịt siêu rẻ. (Ảnh: Nguyễn Tâm)
Không ai hẹn ai nhưng khoảng giờ đó, chợ Vồ là nơi giao dịch thịt lợn ế đổ về từ các chợ. Giá cả thì vô cùng. Giá thịt lợn mông, nạc vai từ mức 50 – 60 ngàn đồng/kg, giảm gần 50% so với giá thịt bán buổi sáng ở các chợ Hà Nội.
Ở chợ Vồ, thịt lợn do con buôn ở các chợ do ế hàng nên về đó bán tống bán tháo cũng có, mà thịt ươn, thịt lợn chết cũng có.
Anh T. một người bán thịt lợn quê ở Chương Mỹ nói: Em mua thịt nhà anh này, cứ ngửi thoải mái, không có mùi gì đâu nhé. Nhưng em sang chỗ con kia (Tay chỉ một người bán hàng khác - PV) thì chỉ toàn thịt lợn ốm thôi”.
Theo khảo sát của PV tại chợ Vồ, có những hàng bán thịt lợn trông trắng nhợt, mùi nồng nồng đã bốc lên. Giá loại thịt này thì rất rẻ chỉ 45 ngàn đồng/kg.
Đến mua thịt ở chợ Vồ đa số là dân lao động nghèo và dân làm hàng như quán cơm bình dân, bún chả, người bán thịt xiên nướng.
Chị H. một người bán nước tại chợ Vồ cho biết: “Có chị bán thịt xiên nướng ở Phùng Khoang thường ra đây mua thịt lợn về rồi tẩm ướp nướng lên. Dân tình ăn đầy ra đấy có làm sao đâu!”.
Đứng tại chợ, chúng tôi theo chân một người mua thịt về làm hàng. Trên chiếc xe Wave Anpha chở đầy rau, củ, chị này ghé vào hàng thịt mua hàng bịch mà không cần mặc cả. Có vẻ chị này là khách quen ở hàng bán thịt tại chợ Vồ.
Lượn lờ quanh chợ, có lẽ biết chúng tôi theo chân nên chị ta vờ mua bán, rồ xe vào phía trong chợ và chuồn mất.
Thịt ôi thành thơm được hô biến thế nào?
Bên cạnh những người làm ăn nghiêm túc, vẫn có người vì lợi nhuận mua thịt rẻ, ôi rồi về tẩy mùi.
Cũng từ thông tin mà chị Q. buôn chuyện thì những “đồng nghiệp” của chị cũng như một số người bán ở quán cơm bình dân, bán thịt xiên nướng có phương pháp giải quyết đống thịt ôi rất đơn giản là dùng “tẩy đường”.
Qua giới thiệu của người quen biết, chúng tôi liên lạc với một người bán thịt xiên nướng tên P. Với lý do học cách làm thịt xiên nướng để bán, PV cùng 1 người nữa đã được dạy cách làm thịt xiên.
Theo chị P, người bán thịt xiên nướng trên đường Thái Thịnh thì: Một lần đi là mua hàng chục kg ở chợ Vồ hoặc mua trên đường Nguyễn Trãi. Thịt về rửa sạch, cho chút tẩy đường vào rửa cho hết mùi, sau đó thái miếng mỏng, tẩm ướp hành, tỏi, giềng cho vào tủ lạnh, ngày nào bán thì lấy ra quạt dần.
Món thịt xiên nướng là món khoái khẩu của nhiều người. Chị Nhàn (Thái Thịnh, Hà Nội) có 2 con nhỏ rất thích ăn món này. Giá xiên thịt nướng mỗi nơi một khác tùy thuộc thịt “xịn” hay thịt ôi.
Ở chân cầu Vĩnh Tuy, giá 1 xiên thịt nhỏ chỉ có 4 ngàn đồng, ở khu vực Thái Thịnh dao động từ 7 – 10 ngàn đồng/que, trên phố cổ giá 15 ngàn đồng/que thịt. Người bán thường quạt lần đầu cho tái thịt, sau đó có khách đến mua mới quạt lần nữa.
Đứng ở quán bán thịt xiên Thái Thịnh, chốc chốc có học sinh đi học về mua, bà mẹ dắt con đi chơi ghé qua mua cho con ăn…
Thực tế, bên cạnh những xiên thịt được người làm có tâm chuẩn bị cẩn thận thì cũng có người vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe người ăn.
Qua tìm hiểu, PV được biết chất tẩy đường được bán tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Khi chúng tôi đến, những tiểu thương ở đây rất dò xét khi được hỏi mua “tẩy đường”.
Tại sạp T. P, khi chúng tôi ngỏ lời mua chất để làm tươi thịt lâu, chị chủ sạp nói: “Đó là hóa chất em nên đến phố hàng Buồm mà mua, chứ chị không có đâu. Ra đó, em nói chất gì thì họ sẽ bán cho em chất đó”.
Gói tẩy đường được mua tại chợ Đồng Xuân được bán để cho vào thịt. (Ảnh: Nguyễn Tâm)
Lần khác, chúng tôi quay lại và nói rõ cần mua đích danh chất “tẩy đường” thì chị chủ quầy đon đả mời mua.
Tương tự nhiều quầy khác như H.M; V.Đ đều bán. Người thì biết cho vào thịt, nhưng cũng có người bán chỉ biết bán. Bà chủ sạp H.M khi được hỏi chất bột trắng này để làm gì, chị hồn nhiên nói: “Tôi chỉ biết bán thôi, chứ cụ thể cho vào thịt như thế nào thì chịu”.
Đi vòng quanh khu hàng khô chợ Đồng Xuân, nhiều sạp khác cũng rào đón mua hàng. Nhưng nhiều hàng phát giá lên tới 50 ngàn đồng – 75 ngàn đồng/kg.
Có chủ sạp khi bị chúng tôi chê đắt còn bĩu môi: “Hàng rẻ là hàng nhập từ Trung Quốc, còn hàng nhà này là hàng Đức. Người mua nhầm thôi, chứ người bán không nhầm đâu nhé”.
Theo tìm hiểu của PV chất tẩy đường được rất nhiều công ty hóa chất rao bán trên mạng như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu hóa chất T. H đang rao bán tẩy đường, xuất xứ từ Trung Quốc. Chất này được đóng trong thùng sắt 50 kg.
Nhiều công ty hóa chất khác cũng bán như công ty hóa chất T.Phong, công ty hóa chất T. An, Công ty CP hóa chất công nghệ mới VN.
Anh D, nhân viên công ty hóa chất C. cho biết: “Trên hàng của Trung Quốc, kể cả hàng của Đức hàng Ý cũng không đề dùng cho thực phẩm.
Nhưng theo tôi hiểu thì dùng cho công nghiệp. Nhưng "quân nhà mình" thì dùng tất, vì chưa thấy ai bị cấp tính cả nên vẫn dùng.
"Quân ta" cho chất tẩy đường vào thực phẩm như măng, bánh... cho nên bây giờ trước khi ăn thì nhìn xem có tẩy đường hay không. Chúng tôi bán tẩy đường cho nhà máy, cơ sở xuất, làng nghề đều mua về dùng, mỗi nơi có một mục đích sử dụng riêng”.
Thùng tẩy đường công nghiệp được các công ty hóa chất rao bán.
Theo TS. Nguyễn Xuân Lãng, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam: “Tẩy đường hay còn gọi là Natri Hydrosulphite hay Sodium Hydrosulfite được dùng để tẩy đường cho trắng, nếu đường có màu, cho chút chất này vào đường sẽ trắng ra. Nếu dùng tẩy thực phẩm ôi, thiu thì việc tẩy rửa này chỉ mang tính chất làm cho trắng sạch mà không làm mất mùi hôi thối như vậy chỉ đánh lừa người tiêu dùng về màu sắc bên ngoài”.
TS Lãng phân tích, cùng chất Sodium Hydrosulfite nhưng dùng trong lĩnh vực công nghiệp khác với dùng trong thực phẩm. Nếu dùng trong công nghiệp thì sẽ được phép có thêm tạp chất như kim loại nặng…
Nhưng nếu cũng là chất đó nhưng dùng trong thực phẩm thì cần phải tinh khiết. Hơn nữa, giá thành của hóa chất tẩy trắng dùng trong công nghiệp sẽ rẻ hơn rất nhiều so với cùng một hóa chất đó nhưng được phép dùng trong thực phẩm.
Nếu bán thực phẩm mà dùng hóa chất công nghiệp để tẩy đương nhiên không được. Đúng loại nào dùng loại ấy, nếu bán tràn lan mà không đề trên nhãn mác là dùng cho thực phẩm tức là không dùng để tẩy đồ ăn được. Trong quá trình tẩy, thì các chất tồn dư như kim loại nặng vẫn tồn dư trong thực phẩm sẽ ảnh hưởng cho sức khỏe.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?