Giáp Tết, tại các làng nghề chuyên sản xuất và cung cấp các mặt hàng vãng mã phục vụ cúng lễ như Phúc Am, Duyên Trường (Thường Tín, Hà Nội), hay Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) đang nóng dần lên từng ngày.
|
Nhộn nhịp hàng "vàng mã"
Hai làng Phúc Am, Duyên Trường của huyện Thường Tín, Hà Nội mấy năm nay mới nổi lên là làng nghề làm hàng mã phục vụ cõi âm. Nhưng các cơ sở sản xuất ở đây có một quy mô rất lớn. Chỉ cần khách có nhu cầu thì các xưởng sẽ đáp ứng tất cả các loại hàng. Đúng với câu nói "trần sao thì âm vậy".
"Đi đến đầu làng hỏi gia đình ông Quý, một "nhà nghề" lâu lắm trong nghề vàng mã thì ai cũng biết" - chúng tôi theo gợi ý của một người buôn vàng mã có tiếng tại phố Hàng Mã, Hà Nội. Quả không sai, tại cơ sở sản xuất của ông Quý, do con trai và con dâu ông đảm nhiệm thì "thứ gì cũng có". Chị Nguyễn Thị Thúy, con dâu ông Quý chia sẻ: "Nhà tôi gần chục năm nay làm các mặt hàng này rồi, chuyên sản xuất các loại voi, ngựa "khủng", hình nhân thế mạng, mũ mã quần áo và đồ lễ tiễn ông Công, ông Táo…".
Xưởng sản xuất ngổn ngang các loại giấy, các loại hình nhân sẵn bằng tre đã đan lát khô ráo, các nhân công chăm chút dán và ghép. Nói về sự chuyên môn hóa ở xưởng mình, chị Thúy vui vẻ chia sẻ: "Ở đây thì gia đình tôi chuyên cắt sẵn các hình cần thiết, còn nhân công thì chỉ cần lắp ghép, dán vào thôi. Nhà cũng chật nên có khi khách đặt hàng nhiều, không xuể, chúng tôi lại mướn thêm các nhà ở làng khác, họ mang về nhà làm mới kịp tiến độ".
Mỗi "công nhân" ở đây đều được phân công cho một việc, người thì chuyên dán các loại mũ, người chuyên dán mặt hình nhân, người thì lắp ghép thân hình. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng mất khá nhiều thời gian. Cô Nguyễn Thị Xanh, công nhân chuyên dán các loại mũ cho "bà mẫu thượng ngàn" tâm sự: "Chúng tôi cố gắng làm thêm được đồng nào hay đồng ấy, làm theo công nhật, mỗi ngày được 50 nghìn, ai có sức khỏe thì làm cả tối sẽ được trả theo sản phẩm. Công việc đồng áng đã hết, cả làng chuyển ra làm cái này cũng có đồng ra đồng vào".
Làng vàng mã nhộn nhịp vào Tết.
Không chỉ phục vụ vào thời điểm Tết, các xưởng sản xuất ở đây hoạt động quanh năm, chị Thúy cho biết: "Cả năm chỉ trông chờ vào ba vụ. Đó là tháng 2, tháng 3 và tháng 7. Vào thời điểm này, các cô, các cậu hầu đồng cần rất nhiều vàng mã, các đồ lễ. Hàng phục vụ ông Công, ông Táo thì nhà tôi xuất hết từ lâu rồi. Giờ thì tập trung làm hình nhân thế mạng và các loại ngựa, voi đủ cỡ thôi".
Còn vào thời điểm này tại làng nghề Đông Hồ ở Bắc Ninh, các loại ôtô tải nối đuôi nhau tập kết tại đầu làng. Khác với ở Phúc Am, Duyên Trường (Thường Tín) làng tranh Đông Hồ có quy mô còn lớn gấp đôi, các loại mặt hàng phong phú hơn nhiều. Không chỉ chuyên môn hóa các khâu sản xuất, tại làng nghề này, còn được chuyên môn hóa các mặt hàng. Mỗi một nhà chỉ chuyên sản xuất một loại hàng, "không nhà nào đụng nhà nào".
Giàu lên nhờ vàng mã
Quả thật vào thời điểm này, chỉ cách ngày tiễn "ông Công, ông Táo" lên chầu trời có vài ngày thôi nên các làng vàng mã đang nháo nhào "chạy Tết". Các nhà chuyên sản xuất đồ lễ cho ông Công, ông Táo lên chầu trời tại Đông Hồ thì vẫn chưa ngừng làm hàng.
Chị Giang, chủ sản xuất Trung Giang ở làng Đông Hồ cho biết: "Nhiều năm sản xuất loại hàng này, không chỉ phục vụ riêng cho ngày 23 tháng Chạp mà nhà tôi sản xuất quanh năm. Những ngày nhàn làm bù cho những ngày bận mới đủ hàng xuất. Làm cái nghề này thì không thể tính được một ngày công được bao nhiêu, một tháng được bao nhiêu cả".
Ở làng Đông Hồ, mặt hàng nào cũng có, chúng tôi vào một cơ sở sản xuất các loại xe máy phục vụ cõi âm, chị Anh, chủ xưởng chia sẻ: "Các loại xe máy, tivi, tủ lạnh, laptop mấy năm nay bán chạy lắm. Đợt hàng này chuyển lên Hà Nội nhà tôi xuất hơn 200 chiếc xe SH 150i, 100 chiếc Wave".
Nhiều hộ dân tại làng Đông Hồ này không còn mặn mà với nghề làm tranh treo Tết nữa. Cũng vì một lý do đơn giản, không có thị trường tiêu thụ do nhu cầu khách hàng ngày càng giảm. Ông Nguyễn Đăng Thiệu, Trưởng thôn Đông Hồ trăn trở: "90% dân làng chuyển sang làm vàng mã rồi, hiện nay tại làng chỉ có hai, ba nhà vẫn tồn tại với nghề tranh. Làm ra không bán được nên chuyển nghề hết.
Với nghề mới này dân làng có việc làm ổn định hơn, thu nhập đều hơn. Với giá bán buôn 20.000đ/chiếc xe, khi chuyển đến nơi tiêu thụ đã lên tới 50 - 100.000đ/chiếc. Người sản xuất cũng lãi, người đi buôn cũng lời". Ngay tại nhà ông Trưởng thôn, vào thời điểm này cũng ngổn ngang các loại giấy và keo dán, mỗi người một công đoạn.
Nhìn bà mẹ 83 tuổi của mình ngồi thoăn thoắt dán các loại giầy thô, ông Thiệu cười chia sẻ: "Hàng mã này làm rất dễ, chẳng có gì là khó cả chỉ có thiếu mỗi là thời gian. Không phải là hàng khó nên cụ nhà tôi vẫn làm được, các cháu nhỏ nhà tôi đi học về cũng tham gia giúp bố mẹ. Khách đến đây vào buổi tối khó lòng mà nhìn thấy một bóng người ra ngoài đường chơi. Mọi người đều tranh thủ thời gian ngồi làm hàng mà. Cũng nhờ đó mà dân chăm chỉ làm ăn, có thêm thu nhập, cuộc sống sung túc hơn".
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?
- Hà Nội sắp có tuyến đường sắt trên cao đến sân bay Nội Bài
- Ông Trump phát biểu mừng chiến thắng
- Khúc gỗ siêu quý hiếm ở Việt Nam có giá 10 tỷ, niên đại 5.000 năm tuổi, tỷ phú đô la cũng chưa chắc mua được