Làng cá đỏ nổi tiếng không cúng... Táo quân
Thứ hai, 16/01/2012 08:49

Nuôi cá đỏ bán khắp cả nước làm phương tiện cho ông Công ông Táo về chầu Trời nhưng làng Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) lại không có truyền thống cúng ông Công ông Táo.

“Cá ma” thành phương tiện ông Táo

Cách đây gần 30 năm, ông Trần Văn Sáu (71 tuổi) lọc cọc một mình với chiếc xe 2 sọt tới thị trấn Trạm Trôi (Hoài Đức, Hà Nội) mua cá giống.

Cá ma hóa cá vàng đem lại sự giàu có sung túc cho người dân thôn Thủy Trầm.

 “Tôi chẳng nhớ rõ ngày tháng, chỉ biết một hôm thấy anh bán cá có mấy con cá đỏ đẹp quá nên xin 4 con về cho dân làng chiêm ngưỡng” - ông Sáu kể.

Ban đầu ông Sáu chỉ tính nuôi cá làm cảnh, rồi tự mày mò tìm cách nhân giống. Ông nhớ lại những ngày đầu: “Mang 4 con về thì chết mất 2. Cá lớn lên tôi mới biết chúng toàn là con đực. Phải đợi 1 năm sau tới kỳ xuống Trạm Trôi mua cá giống tôi mới xin được mấy con cá cái về nhân giống. Những con cá lạ mang về có màu sắc đỏ rực, vô cùng bắt mắt, chẳng biết cá thuộc loại gì nên dân làng lấy luôn màu đỏ đó gọi tên cho cá.

Cá đỏ được ông Sáu nuôi trong ao nhà theo dòng nước kênh bơi lên thôn trên. Cả thôn trên chưa ai biết loài cá mới này nên khi nhìn thấy thì sợ lắm. Tin đồn “cá ma” mang điềm rủi xuất hiện rồi lan truyền ngày một rộng, người dân không dám ăn thịt cá, cứ bắt được là lại thả. Đến tận bây giờ, người dân thôn Thủy Trầm vẫn có thói quen không ăn thịt cá đỏ sợ phải tội.

Đến ngày tát ao, cả gia đình ông Sáu lẫn dân làng lại được bữa hoảng hồn. Ngoài cá đỏ ra còn xuất hiện những con cá mình đỏ đốm trắng, đốm đen, hoặc màu sắc ngả vàng. “Hóa ra, cá đỏ lai với cá trắng tạo thành những con cá lạ đó. Tôi phải kỳ công phân loại, nhân giống thêm mấy lần nữa mới được loài cá đỏ thuần chủng, màu sắc đẹp như ban đầu”, ông Sáu chia sẻ.

Khi cá đỏ được nhân giống sinh sôi ngày một nhiều, dân làng Thủy Trầm bèn mang nó đi bán cùng cá trắng nhân dịp Tết ông Công ông Táo. Cá đỏ được ưa chuộng đến nỗi giá cao gấp 5, gấp 6 lần cá trắng.

“Có con bán được tiền nghìn. Năm 1985, số tiền ấy to lắm chứ. Từ khi có cá đỏ, cá trắng ế ẩm kéo dài”, anh Trần Văn Lợi (38 tuổi) con trai ông Sáu nói thêm. Cá ma hóa cá vàng đem lại sự giàu có sung túc cho người dân thôn Thủy Trầm từ ngày đó.

Nuôi 5 tháng, bán 1 ngày, tiêu cả năm

Từ rằm tháng 7 trở đi, người làng Thủy Trầm bắt đầu thả giống cá đỏ và chỉ tập trung nuôi loại cá này phục vụ Tết ông Công ông Táo.

 Công việc bận rộn nên ít người dân Thủy Trầm nhớ đến lễ ông Táo.

“Một tạ cá ít cũng bán được 5 triệu đồng, tạ cá đẹp thì 7 triệu đồng. Tính ra lãi đến 7 - 8 lần so với vốn bỏ ra nên mọi người thi nhau đào ao nuôi cá”, anh Lợi hồ hởi.

Thời gian nuôi cá đỏ ngắn hơn hẳn so với các loại cá khác, sắn trồng bát ngát trên đồi không lo thiếu thức ăn cho cá. Số tiền thu lợi từ cá chiếm gần nửa tổng thu nhập của cả gia đình, nên có thể nói người dân Thủy Trầm nuôi cá 5 tháng, bán 1 ngày mà tiêu cả năm. Ngay đến vợ chồng ông Sáu nay đã hơn 70 tuổi vẫn nuôi 8 ao cá, số tiền thu lại đủ cho ông bà sống dư dả, không cần dựa vào con cháu.

Cá đỏ được nuôi chung cùng ao với cá mè, cá trắm, cá trôi để… chậm lớn vì cá đỏ nhỏ được thị trường ưa chuộng hơn cá lớn. Gần cuối năm, người dân phải hãm cá bằng cách cho ăn cầm chừng, thả mật độ dày trên cùng một diện tích nước.

Một tuần trước ngày 23 tháng Chạp thực sự là ngày hội của thôn Thủy Trầm. Mọi người hò nhau đi tát ao thu hoạch cá. Đến 22 giờ tối, đèn điện vẫn sáng trưng khắp làng. Cá tát xong sẽ được đưa vào bể nước “ép lồ”: vừa sục oxi cho cá khỏe, thải hết thức ăn thừa, vừa làm cho cá quen với độ sóng của nước để mang đi được đường xa.

Rồi cá đỏ làng Thủy Trầm hàng tạ, hàng tấn được đưa lên xe ô tô chở đi khắp miền… Lái buôn muốn mua cá phải đặt mối trước 2 tháng, thậm chí nửa năm.

Làng cá đỏ nổi tiếng như vậy nhưng điều đặc biệt là người dân nơi đây lại không có truyền thống tết ông Công ông Táo. Anh Nguyễn Công Thiện (38 tuổi) phân trần: “Bận lắm, có gia đình đi đến 24 mới về thì làm sao cúng được.

Mà dân làng này từ xưa đã không có truyền thống này rồi, chỉ một vài hộ làm thôi. Ngay đến nhà tôi, bát hương mấy năm chưa thay được bây giờ cứng lại hương còn khó cắm. Trước Tết, vợ chồng cứ tự nhủ thôi năm nay ở nhà hóa vàng nhưng rồi bận quá lại thôi”.

Ngày ông Công ông Táo về trời sắp đến, người dân Thủy Trầm vẫn tất bật chuyển cá để có một cái Tết đầy đủ, cả năm ấm no.

KH&ĐS
Tag: Làng quê , Cá đỏ , Phú Thọ , Táo quân , Làng nghề , Tín ngưỡng