Đức vẫn dè chừng Hy Lạp
Thứ năm, 21/06/2012 01:25

Đức là đội bóng duy nhất toàn thắng cả 3 trận vòng bảng, mà đấy lại là bảng tử thần

Tiền vệ Bastian Schweinsteiger chỉ ra mấu chốt: đội ngũ trẻ trung của Đức giờ đã bản lĩnh hơn, kinh nghiệm hơn. Ngoài ra còn phải kể đến tài nghệ ngày càng được khẳng định của Joachim Loew.Huyền thoại Franz Beckenbauer chê lối chơi của Đức trước Đan Mạch là “không hiệu quả”, nhưng Beckenbauer… cái gì mà chẳng chê. Bởi nếu nhìn 3 trận đã qua, Đức rõ ràng đã thể hiện được hình ảnh của một ứng viên sừng sỏ. Họ không chơi bốc như hồi World Cup 2010, nhưng bản lĩnh và kinh nghiệm đã giúp Mannschaft luôn biết cách kết liễu đối thủ. Manuel Neuer có lẽ là thủ môn nhàn nhã nhất sau khi vòng bảng khép lại. Phía trên anh, HLV J.Loew đã rất thành công khi dùng hậu vệ trẻ của Dortmund là Mats Hummels đá cạnh Badstuber. Khả năng kiểm soát bóng của Đức cũng tốt hơn, những miếng đánh thuần thục hơn.

Trước Bồ Đào Nha, Đức kiểm soát hoàn toàn trận tuyến trong 75 phút và chỉ lui về bảo toàn tỷ số khi đã dẫn bàn. Trước Hà Lan, Đức kiểm soát bóng ít hơn nhưng mỗi lần tăng tốc là đối phương khốn khổ. Đan Mạch thì không thể đe dọa khung thành Đức một chút nào nếu không có vài tình huống cố định.

Một điểm cộng nữa: sự tỏa sáng của Mario Gomez. Những con số thống kê cho thấy “Super Mario” là một sát thủ đích thực: 6 cú sút, 4 trúng đích, 3 bàn thắng. Nhìn Đức đá, giới hâm mộ có cảm giác là họ vẫn có thể chơi hay hơn nữa. Thật vậy, Lukas Podolski và Thomas Mueller chưa hoàn toàn là chính mình trong khi Mesut Oezil chưa thật sung sức. Đấy là chưa kể trên ghế dự bị Loew còn có những quân bài bí mật như Marco Reus hay Mario Goetze. Vì thế, giới hâm mộ chờ đợi Đức sẽ tiếp tục cho thấy sự trưởng thành của mình dưới bàn tay của Loew. Hummels thay Per Metersacker rất thành công, Jerome Boateng vững vàng ở cánh phải. Khi anh bị treo giò Loew đã bất ngờ dùng tiền vệ Lars Bender để trám vào đấy. Kết quả? Bender hoàn thành nhiệm vụ phòng ngự và còn ghi bàn ấn định tỷ số 2-1 trước Đan Mạch

Một vài vấn đề về chính trị, kinh tế được “lồng ghép” vào trận tứ kết giữa Đức và Hy Lạp chỉ làm “nóng” thêm một chút thôi chứ kỳ thực trận đấu này đã… như cái lò lửa. Ở góc độ chuyên môn thì đây là trận đấu giữa đội mạnh nhất và đội yếu nhất của vòng tứ kết. Nhưng khi viết nên câu chuyện khó tin ở vòng bảng thì Hy Lạp lại khiến người ta nhớ đến năm 2004, lúc họ vô địch theo một cách tương tự.

Hưng phấn như Bender, người vừa ghi bàn cho Đức, mà cũng thận trọng: “Đây là nhiệm vụ khó khăn cho chúng tôi. Hy Lạp sẽ chẳng để chúng tôi dễ thở. Tôi biết tình hình chính trị tại nước họ và tôi tin họ sẽ đá để người dân họ có niềm vui trong thời buổi khó nhọc này”.

Đến một cựu binh dày dạn kinh nghiệm như Klose mà cũng phải lo lắng: “Đừng đánh giá thấp đối thủ như Hy Lạp. Vì thế, đang chơi như thế nào thì phải giữ đúng phong độ thì mới có thể nghĩ đến chiến thắng. Đội tuyển Đức cần tập trung vào công việc của mình chứ đừng nghĩ đối thủ là ai”.

SGGP
Tag: Euro 2012 , ĐT Bồ Đào Nha , ĐT Đức , ĐT Hà Lan , ĐT Đan Mạch , Tứ kết Euro 2012 , ĐT Hy Lạp