Học sinh cuối cấp THPT và cả các thầy, cô giáo vẫn đang lo lắng sẽ học và thi thế nào khi chưa có công bố chính thức về kỳ thi THPT quốc gia từ Bộ GD&ĐT.
Học sinh THPT đang nóng lòng chờ đợi công bố kỳ thi quốc gia |
Năm học mới chỉ còn vài ngày nữa là chính thức bắt đầu, học sinh cuối cấp THPT và cả các thầy, cô giáo vẫn đang trong tâm trạng phấp phỏng, lo lắng sẽ học và thi thế nào khi chưa có công bố chính thức về kỳ thi THPT quốc gia từ Bộ GD&ĐT. Trong khi đó, các nhà giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia về giáo dục vẫn tiếp tục nêu quan điểm mong muốn thêm những luận chứng khoa học và thực tiễn để Bộ GD&ĐT cân nhắc để có thể đưa ra được giải pháp tối ưu, khoa học và hợp lý nhất.
Qua trao đổi lấy ý kiến về kỳ thi THPT quốc gia mà phóng viên đã thực hiện trong hơn 1 tháng qua, điều dễ nhận thấy nhất là ý kiến tại các trường THPT, từ các hiệu trưởng, thầy cô giáo đến các em học sinh đều nghiêng về phương án 1-thi theo môn - mà Bộ GD&ĐT đưa ra. Ngay cả theo thăm dò của Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho thấy các con số thống kê để lựa chọn đa số đều là phương án 1. Tuy nhiên cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng đây vẫn là cách làm cũ, còn cồng kềnh, tốn kém không cần thiết.
Trong khi đó, ý kiến của các trường ĐH, CĐ phát biểu với báo chí cũng như nhiều trường ĐH phát biểu ngay tại hội nghị các trường ĐH được Bộ GD&ĐT tổ chức trong tháng 8 cũng đều lựa chọn phương án 2-thi theo bài thi (bài thi Toán, bài thi Ngữ văn, bài thi Ngoại ngữ, bài thi Khoa học tự nhiên, bài thi Khoa học Xã hội). Đây được xem là phương án thật sự đổi mới nhưng các trường phổ thông còn ngại vì chưa quen.
Theo phân tích của TS Nguyễn Tùng Lâm, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội thì lựa chọn môn thi, không nên căn cứ vào số đông để lựa chọn mà phải căn cứ yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện của Nghị quyết 29 của Trung ương làm chuẩn. Đảm bảo kỳ thi quốc gia lần này sẽ hỗ trợ cho việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và cả ĐH, lại phải giảm áp lực, đỡ tốn kém cho người dân. Tuy nhiên cũng có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học không đồng tình với cả 3 phương án của Bộ GD&ĐT. Với sự phân tích cặn kẽ, tỉ mỉ, có sự tham khảo thấu đáo về kỳ thi của các nước, các chuyên gia, nhà khoa học có đưa ra thêm nhiều phương án cũng như cách tổ chức kỳ thi, mong muốn Bộ GD&ĐT lắng nghe để có một kỳ thi đạt được nhiều mục tiêu mà không gây xáo trộn cho học sinh.
Vậy phương án lựa chọn nào cho kỳ thi THPT quốc gia để đảm bảo độ tin cậy và trung thực. Hội Tâm lý học giáo dục Hà Nội đề xuất: về môn thi, không nên thi nhiều môn. Để đánh giá năng lực học sinh vẫn tập trung 2 môn cơ bản: Văn, Toán và thêm môn Ngoại ngữ để đánh giá năng lực hội nhập của học sinh là đủ. Với môn Ngoại ngữ hiện nay có một số địa phương chưa có điều kiện, Bộ phải có phương án thay thế, còn không nên bỏ môn Ngoại ngữ. Thi ít môn thầy trò tập trung ôn tập, có năng lực tự tin, giảm tiêu cực trong thi cử.
Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội kiến nghị Bộ GD&ĐT nên tổ chức bắt buộc các lớp 12 kiểm tra cuối kỳ 1 và cuối năm bằng đề thi của Bộ cho cả 8 môn chính. Học sinh buộc phải học toàn diện để có điểm tổng kết cuối năm mới được thi quốc gia. Thầy và trò căn cứ các đề thi của Bộ mà điều chỉnh cách dạy, cách học cho phù hợp yêu cầu đổi mới, phù hợp yêu cầu chuẩn quốc gia mà Bộ mong muốn. Cách ra đề cần đảm bảo để đảm bảo tỷ lệ học sinh đạt trung bình và tỷ lệ phân hóa chọn được học sinh khá, giỏi cho các trường ĐH, CĐ. Những học sinh không tốt nghiệp vẫn có giấy chứng nhận học hết THPT để đi học nghề…
PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tại một cuộc hội thảo mới đây về kỳ thi THPT quốc gia, đã phân tích rất kỹ thi tốt nghiệp THPT ở một số nước trên thế giới như Mỹ, Thụy Điển, LB Nga, Pháp và Trung Quốc cùng với thực tế triển khai thi và công nhận tốt nghiệp phổ thông tại Việt Nam.
PGS. TS Nguyễn Đức Minh đề xuất 3 phương án khác với 3 phương án của Bộ GD&ĐT.
Phương án 1, Bộ GD&ĐT xây dựng và ngân hàng đề thi và quy trình tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Các Sở GD&ĐT tổ chức thi dưới sự giám sát của Bộ. Các môn thi sẽ gồm Ngữ văn, Toán và hai môn tự chọn như đã thực hiện trong năm 2013-2014. Việc xét cấp bằng được thực hiện dựa trên cả kết quả học tập của các năm THPT và điểm thi tốt nghiệp. Thi tuyển sinh vào CĐ, ĐH thực hiện riêng theo ba chung.
Phương án 2, Bộ xây dựng ngân hàng đề thi và quy trình tổ chức thi quốc gia. Các môn thi gồm Ngữ văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Trung, Tiếng Nga. Học sinh bắt buộc phải thi Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn. Bộ xác định các mức điểm chuẩn xét đỗ tốt nghiệp và các mức điểm sàn để xét tuyển CĐ, ĐH.
Phương án 3 là Sở GD&ĐT tổ chức thi hết lớp 12 (sử dụng ngân hàng đề thi của Bộ GD&ĐT) với 3 môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ. Bộ GD&ĐT tổ chức thi quốc gia mỗi năm 2 lần cách nhau 6 tháng. Lần 1 khi học sinh học hết lớp 12 một tháng; lần 2 khoảng tháng 1. Đây là kỳ thi không bắt buộc đối với học sinh không có nhu cầu học cao hơn. Mọi học sinh đều được tham gia kỳ thi này. Kỳ thi quốc gia có các điểm xác định ngưỡng điểm đỗ tốt nghiệp đối với 3 môn thi hết lớp 12, các ngưỡng điểm sàn đối với các môn còn lại phục vụ cho tuyển sinh CĐ, ĐH. Các trường ĐH sử dụng ngưỡng điểm sàn để quy định mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển theo nhu cầu đào tạo của cơ sở và học sinh có thể sử dụng những kết quả thi của các môn có lợi nhất cho việc lựa chọn cơ sở đào tạo. Phương án này, theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh sẽ tạo nhiều cơ hội cho học sinh.
GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên là Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT khẳng định, kỳ thi quốc gia duy nhất ở cuối bậc phổ thông là một chủ trương đúng. Vì đây không phải là ý tưởng mới, nó được đề xuất ở Đề án giáo dục Việt Nam VIE-89/022 do UNESCO tài trợ từ thập niên 1990, cũng nằm trong lộ trình phát triển kỳ thi ĐH/CĐ “3 chung” từ năm 2002, nhưng bị trì hoãn cho đến nay. Tuy nhiên GS.TSKH Lâm Quang Thiệp cũng nhấn mạnh Bộ GD&ĐT nên sớm quyết định lựa chọn phương án cho kỳ thi hợp nhất và sớm tích cực chuẩn bị cho kỳ thi. Để có đủ nhân lực và công nghệ để tổ chức tốt kỳ thi, ngoài một vài cơ quan trực tiếp phụ trách công việc này của Bộ GD&ĐT, nên huy động mọi lực lượng có năng lực ngoài, như Viện Nghiên cứu giáo dục, các trường đại học lớn, và cả một vài công ty giáo dục ngoài nhà nước…
Công bố kỳ thi THPT quốc gia là một công việc quan trọng đối với giáo dục, vì nó được cả xã hội quan tâm và theo dõi. Đây còn là một quyết định có tính khoa học, phải dựa vào sự phân tích khoa học của các chuyên gia am hiểu và thực tế chương trình, sách giáo khoa hiện hành để lựa chọn phương án. Rất cần thêm nhiều luận chứng khoa học nữa để công bố kỳ thi quốc gia. Bởi khi đã công bố thì chỉ còn cách thực hiện, không thể bàn cãi nữa.
Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?