Sứ mệnh của kỳ thi quốc gia rất lớn
Thứ sáu, 29/08/2014 05:01

Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh khẳng định sẽ tiếp thu mọi ý kiến đề xuất cho các phương án về kỳ thi quốc gia.

Sức ép thi cử khiến nhiều học sinh mệt mỏi

Sức ép thi cử khiến nhiều học sinh mệt mỏi

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 vừa được công nhận là có những đổi mới phù hợp vậy tại sao Bộ GD-ĐT lại phải đưa ra nhiều phương án thay đổi khác?

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục: Thực tế, không phải bây giờ Bộ mới đặt vấn đề đổi mới các kỳ thi. Năm 2007 Bộ đã có phiên bản mới về kỳ thi này nhưng chưa chín muồi. Thời điểm hiện tại đã có cơ hội khi Nghị quyết 29 của Trung ương yêu cầu đổi mới, giảm nhẹ áp lực các kỳ thi... Bên cạnh đó, thực tiễn dạy và học gần 10 năm trở lại đây đã từng bước thay đổi phương pháp dạy học phổ thông như dạy học theo chủ đề, theo nhóm... Việc kiểm tra đánh giá cũng chuyển từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực học sinh. Các kỳ thi đều đưa câu hỏi vận dụng như đề thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH... Điều này đặc biệt rõ nét trong các kỳ thi năm 2013.

Ông có ý kiến gì về đề xuất bỏ thi tốt nghiệp THPT?

Hiện tại, hàng năm kỳ thi tốt nghiệp THPT có khoảng 98% thí sinh dự thi đỗ tốt nghiệp. 2% còn lại quy ra số lượng là hơn 17.000 thí sinh trượt tốt nghiệp. Kỳ thi này cũng được ghi rõ trong Luật Giáo dục. Ngoài ra, các nước đều có kỳ thi đánh giá quốc gia. Còn với tuyển sinh ĐH thì các nước tiên tiến đều giảm nhẹ áp lực đầu vào, thắt chặt đầu ra. Ở nước ta, do điều kiện dạy học bậc ĐH chưa đáp ứng nhu cầu với 1 triệu thí sinh dự thi ĐH hàng năm chỉ lấy khoảng 500.000 thí sinh nên kỳ tuyển sinh đầu vào ĐH còn căng thẳng. Với thực tế như vậy, việc bỏ kỳ thi nào hay đổi mới ra sao cần suy tính kỹ.

Bộ GD-ĐT có căn cứ nào để tin rằng kỳ thi quốc gia 2 mục đích này có thể thành công?

  su-menh-cua-ky-thi-quoc-gia-rat-lon1

Việc đưa ra một kỳ thi quốc gia đặt ra sứ mệnh lớn cho kỳ thi này. Nếu chỉ xét tốt ngiệp THPT mà các trường ĐH không tin cậy để sử dụng kết quả này vào tuyển sinh, thay vào đó vẫn tổ chức thi riêng thì kỳ thi quốc gia chưa hoàn thành sứ mệnh của mình và vô tình tăng áp lực, tốn kém cho thí sinh. Nhiều người đặt câu hỏi ai là chủ công của kỳ thi, đề thi phải được ra thế nào để kỳ thi đảm bảo nghiêm túc, sử dụng được nhiều mục đích. Muốn tìm hiểu tính nghiêm túc của kỳ thi này phải xét bản chất kỳ thi. Ở đây có yếu tố cạnh tranh vì bản thân thí sinh khi tham dự kỳ thi này có ý thức rằng kết quả không chỉ để xét tốt nghiệp THPT mà còn để lựa chọn vào đại học. Điều này đã bảo đảm yếu tố từ bên trong của kỳ thi. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn thừa kế những cái tốt từ kỳ thi “3 chung”. Trên cơ sở thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi và cách làm đề thi ĐH chúng ta thấy hoàn toàn có khả năng đáp ứng được yêu cầu đa mục đích, phân hóa cao. Chúng ta cần suy nghĩ ở góc độ một kỳ thi “3 chung” khi thầy cô, thí sinh làm tốt như vậy thì vì sao không thể tổ chức một kỳ thi tương tự tốt như thế? Những cá nhân, hiện tượng ngoại lai có tính tiêu cực thì sẽ có biện pháp giải quyết bằng kỹ thuật. Phải chắt lọc cái hay của các kỳ thi để đưa vào kỳ thi chung.

Vì sao chúng ta không yêu cầu các trường ĐH sử dụng kết quả của kỳ thi này trong việc tuyển sinh?

Mục tiêu của kỳ thi này là kết quả thi được sử dụng để xét tốt nghiệp và là căn cứ để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển sinh. Việc các trường đại học, cao đẳng được tự chủ tuyển sinh đã quy định trong Luật Giáo dục đại học và tiếp tục khẳng định trong Nghị quyết 29. Nên bên cạnh việc các trường sử dụng kết quả kỳ thi chung ấy, thì căn cứ vào đặc thù của từng trường có thể có các hình thức kiểm tra năng lực khác…

Có ý kiến cho rằng Bộ chưa tính hết đến đối tượng và những tác động của kỳ thi này?

Tôi khẳng định nếu Bộ GD-ĐT không tính đến yếu tố hơn 1 triệu thí sinh dự thi hàng năm trong các kỳ thi quốc gia thì chắc chắn sẽ thất bại. Phương án nào cũng phải có tính khả thi, thực tiễn rất cao, phù hợp với điều kiện dạy và học ở nhà trường hiện nay. Nói về mục đích đánh giá năng lực học sinh, cuộc thi quốc gia sẽ ổn định đến khi học sinh học theo chương trình và sách giáo khoa mới bắt đầu dự thi. Từ nay đến lúc đó, chúng ta phải có lộ trình. Với những em đang học theo chương trình và sách giáo khoa cũ, các em sẽ được thụ hưởng những tinh túy mà chúng ta đang cố gắng đạt tới theo tinh thần Nghị quyết 29. Những gì đang làm là việc đưa dần cho học sinh những thụ hưởng tốt đẹp trong quá trình hoàn thiện, ổn định.

Có nhiều đề xuất ngoài 3 phương án của Bộ, Bộ sẽ xử lý như thế nào?

Các ý kiến đóng góp từ các chuyên gia đều rất bổ ích và thực sự cần thiết cho Bộ. Với tinh thần rất cầu thị, với tư cách là thầy giáo am hiểu phổ thông, chúng tôi sẽ phân tích, tham mưu cho lãnh đạo Bộ để đưa ra phương án cuối cùng. Tất cả những điều hay, điều mới đều sẽ được tận dụng để hoàn thiện phương án thi. Hiện Bộ có bộ phận cập nhật thường xuyên và báo cáo 2 lần/ngày những ý kiến góp ý cho các phương án tổ chức 1 kỳ thi quốc gia.

Anninhthudo.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: ky thi quoc gia , suc ep thi cu , thi sinh , thi cu , tin , bao