Sẽ có người bảo mình: Lão này rồ rồi hay sao mà đặt câu hỏi vớ vẩn này? Nhưng mình luôn nghĩ, cái gì cũng có hai mặt của nó mà sướng – khổ là hai phạm trù không thể tách rời.
|
Nói về cái sướng của vợ sếp thì có mà kể cả ngày cũng không hết. Từ xa xưa, các cụ đã có câu “Lấy ông thì thành bà, lấy thằng thì thành con”. Rồi “Một đêm tựa mạn thuyền rồng – Còn hơn muôn kiếp nằm trong thuyền chài”. Ngày xưa đã vậy, bây giờ còn sướng gấp nhiều lần. Thôi, chả kể sướng nữa, nhiều chị em lại… thèm.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Vậy vợ sếp khổ thì khổ cái nỗi gì? Theo mình các quan bà thì thời nào cũng vậy, đương nhiên là không bao giờ khổ vì lam lũ chân lấm, tay bùn hay nhọc nhằn bởi miếng cơm, manh áo. Tức là họ không phải khốn khổ vì những nỗi khổ như vợ thường dân cỡ vợ… Bùi Rửa Bát. Nhưng họ luôn luôn phải chịu những áp lực rất lớn. Đó là áp lực vượt qua chính mình. Mà đây lại là điều khó nhất trong theo lời dạy của Đức Phật: “Chiến thắng chính mình”. Đó là vượt qua được những cám dỗ vật chất cũng như sự ham hố và đặc biệt là ảo tưởng về bản thân. Thói thường ở đời, những người ra ngoài oai phong lẫm liệt bao nhiêu thì về nhà lại nhu mì, nem nép với vợ con bấy nhiêu. Chính cái sự “Kính vợ đắc thọ” này khiến không ít sếp bà rơi vào trạng thái ảo tưởng và đã có không ít mệnh phụ phu nhân gục ngã bởi vòng hào quang giả tạo này. Khi chồng họ là vụ phó, họ tưởng họ là vụ trưởng. Khi chồng họ là vụ trưởng, họ tưởng họ là thứ trưởng và khi chồng họ là thứ trưởng, họ tưởng họ là bộ trưởng… Hậu quả là họ thường can dự vào công việc của chồng mình một cách thô bạo và thích ban ơn, định đoạt số phận lũ đàn em. Sự ảo tưởng không chỉ khiến họ trở nên kệch cỡm trong mắt mọi người mà thậm chí là mối nguy cơ của sự đổ vỡ hạnh phúc. Đã không ít sếp ông chết oan vì nghe vợ và câu “Vua nghe vợ thì mất nước” không phải đã lỗi thời. Áp lực thứ hai là áp lực lời khen và sự cô đơn. Sự nhầm lẫn giữa tấp nập khách khứa với tình cảm chân thành khiến họ trở thành kẻ cô đơn ngay chính trong sự ồn ào ấy. Họ không định lượng trong đống mỹ từ được rót vào tai họ có bao nhiêu phần trăm là sự chân tình và bao nhiêu phần trăm là sự giả dối, xu phụ và nịnh bợ. Họ luôn phải chịu áp lực trọng việc phân định thật - giả trong thời buổi mà sự xảo trá ngày càng tinh vi. Đã không ít sếp bà chết chìm trong đống ngôn từ hoa mĩ và hậu quả là những quyết định bốc đồng khiến không ít sếp ông khốn khổ khốn nạn.
Áp lực thứ ba là áp lực vượt qua thất bại. Là vợ quan, có lẽ hiếm ai không một lần chứng kiến sự thất bại của chồng mình trên chính trường. Hình như làm vợ quan là nhiều rủi ro nhất bởi khoảng cách giữa thành công và thất bại nhiều khi chỉ cách nhau một sợi tóc mà một bên là núi cao, một bên là vực thẳm. Viết đến đây, mình chợt nhớ đến những chị vợ các sếp bị kỉ luật vừa qua ở Tiên Lãng. Chắc chắn các chị ấy đang buồn, rất buồn. Trong BLOG Khoai Lang, Nhà văn Nguyễn Quang Vinh kế: “Mình nhận được Email của một giáo viên dạy cùng trường với vợ nguyên Chủ tịch huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền. Trong thư này nói rằng, suốt thời gian qua, chị ấy (vợ ông Hiền) tinh thần suy sụp, rất buồn, người gầy đi trông thấy, đến trường trong sự cô đơn, nhiều hôm tới trường mà không đủ sức lên lớp phải nhờ đồng nghiệp dạy thay… ”. Đây là nỗi buồn có thật, rất đáng chia sẻ bởi nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào và với bất cứ ai có chút chức quyền. Gắn bó với chồng những ngày đầu tạo dựng sự nghiệp đã khó, gìn giữ cho chồng trong lúc đương quyền, đương chức còn khó hơn nhưng sát cánh sẻ chia buồn vui cùng chồng trong cơn bĩ cực còn khó gấp nhiều lần nữa. Nếu đúng như Email này thì cho mình gửi đến chị vợ bác Hiền mấy lời rằng hãy dũng cảm lên, hơn lúc nào hết, bác trai và các cháu đang rất cần một bờ vai che chở của chị.
Vợ sếp sướng hay khổ? Mình vẫn khẳng định lại một lần nữa rằng sướng, rất sướng nhưng cũng hết sức nghiệt ngã. Nghiệt ngã bởi sự cám dỗ, nghiệt ngã bởi những nỗ lực vượt qua chính mình và nghiệt ngã bởi luôn phải sống trong tâm trạng tất cả đều có thể... Song có lẽ phụ nữ là những người dũng cảm, không sợ gian nan, vất vả nên mục tiêu làm vợ sếp hình như luôn là khát vọng của… tất cả chị em.
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%