Trên đường về, Loan ghé một trung tâm thương mại, vào toilet lôi quần ra thay. Chồng Loan mà biết cô mặc váy đi làm thì chết với anh.
|
Thậm thụt như ăn trộm
Loan, nhân viên kế toán 31 tuổi, luôn được chồng nhắc nhở rằng cô làm dâu trong một gia đình gia giáo, tuy hai vợ chồng thoát ly lên thủ đô, không sống cùng bố mẹ ở quê nhưng vẫn phải “giữ lấy lề”. Mà một trong những nề nếp cần giữ là chuyện trang phục: cứ giản dị chân phương mà mặc, đừng có đua đòi váy viếc, quần cộc quần ngố cho hư người, mình là công chức chứ có phải diễn viên đâu.
Đôi lần đi mua sắm cùng chồng, Loan thử váy rồi ra cho anh ngắm, hy vọng thuyết phục được chồng khi anh thấy vợ trở nên trẻ đẹp và hấp dẫn như thế nào, nhưng anh đuổi quầy quậy: “Xấu lắm xấu lắm, em vào thay ra ngay”. Có lần, viện cớ em gái mua cho, Loan diện váy đi làm, nhưng vẫn phải chờ chồng đi trước rồi mới dám mặc. Buổi chiều nhìn thấy, anh hầm hầm mắng Loan một trận, rồi nằm quay lưng với vợ suốt một tuần lễ, rồi “đay” cô cả tháng sau đó. Từ đó, Loan khiếp, chẳng dám ho he.
Thế nhưng gần đây, khi chuyển sang nơi làm việc mới toàn những chị em ăn mặc rất thời trang, cô lại thấy không nhịn nổi. Được đồng nghiệp “xúi bẩy”, Loan sắm vài cái váy, tuần mặc vài hôm cho đỡ thèm. Những hôm đó, cô đi thật sớm, nhưng vẫn ra khỏi nhà với quần tây, áo sơ mi như thường. Đến cơ quan, cô thay váy ngồi làm việc. Chiều trên đường về, Loan ghé một trung tâm thương mại, vào toilet thay đồ rồi mới về nhà. Cứ như thế, chồng Loan không hề biết vợ mình vi phạm “gia quy”, còn người trong cơ quan cũng không biết cô phải lừa chồng mới được mặc đẹp như thế.
“Dạ, váy ạ. Em xin lỗi anh!”
“Chân cậu vừa dài vừa nuột thế này, lúc nào cũng mặc quần tây nó phí đi. Sao không mặc váy để khoe một tí?”, cô bạn đồng nghiệp hỏi Hằng (29 tuổi, Sơn Tây, Hà Nội) khi cả hai cùng thử đồ trong shop. Như động đến “mạch”, Hằng dốc bầu tâm sự rằng đừng hòng mà váy vóc với chồng cô: “Anh ấy bảo chỉ loại đàn bà lẳng lơ mới mặc như thế, em cứ quần cho anh, có điều đừng có mặc cái loại quần gì mà chẳng ra quần cũng chẳng ra tất, đã mỏng lại còn bó sát, chả khác gì cởi truồng. Tớ hỏi sao hồi yêu nhau em mặc váy thì anh không cấm, anh ấy bảo đàn bà có chồng rồi phải khác, cấm là cấm”.
Hai cô cùng nói xấu ông chồng cổ hủ một hồi thì Hằng có đủ hứng khởi và dũng khí để thử một loạt váy. Rồi hăng lên, cô mua một chiếc, định bụng sẽ mặc trộm trong những dịp đặc biệt.
Dịp đó chính là tiệc cưới một cậu trong cơ quan. Hằng chỉ diện váy vào buổi trưa trước khi cùng mọi người đến đám cưới, khi về cơ quan lại thay quần như cũ. Cô rất sung sướng vì hôm đó nhận được bao nhiêu cái nhìn sửng sốt, ngưỡng mộ và vô số lời khen lung linh, tự nhủ thỉnh thoảng “đánh quả” như thế cũng hay.
Nhưng thật là đen. Hằng đã không tính đến là đi ăn cưới thể nào cũng chụp ảnh. Cậu “phó nháy” ngay hôm sau đã đăng ảnh lên Facebook, gắn luôn vào tài khoản của Hằng. Chồng cô vào xem, sây sẩm cả mặt mày. Giữa bức ảnh tập thể chi chít người, anh chỉ thấy đập vào mắt mỗi đôi chân trắng muốt của bà xã. Đã thế, trong album còn có một bức ảnh chụp riêng Hằng, kèm lời chú giải “Đôi khi, các chị già lại gây sửng sốt”.
Hằng vừa đi làm về, anh đã dí ngay cái laptop vào mặt, sừng sộ hỏi: “Cái gì đây? Cái gì đây, hả?”. Cô vợ tái mặt hiểu ngay sự tình, ấp úng: “Dạ…, váy ạ. Em xin lỗi anh. Tại chúng nó tặng sinh nhật em, bắt mặc một lần không thì là khinh chúng nó”. Anh chồng vẫn quát: “Thêm một tội nữa là cô dám giấu tôi. Đấy cô thấy hậu quả chưa? Vừa ăn mặc sexy một cái là có ngay thằng nhãi chụp ảnh rồi lại còn kêu là sửng sốt đấy”.
Hôm sau, cái váy lập tức được Hằng “sang tên” cho một cô bạn có vóc dáng gần giống cô.
“Cả đời chỉ ước mặc váy một lần”
Đó là tâm sự của chị Thu Lan, 53 tuổi, công nhân nghỉ mất sức, sống ở thành phố Nam Định. Ông xã chị không khắt khe với vợ về ăn mặc, nhưng bố mẹ chồng thì luôn nhắc nhở chuyện này. Suốt mấy chục năm, chị Lan ăn mặc rất “chân phương”.
“Hồi mình còn trẻ, đàn bà con gái phải ăn diện lắm mới mặc váy hay các loại quần kiểu cách. Mình nhìn thấy họ trên đường hoặc trong các tờ lịch thì ao ước lắm, vì nói thật là hồi trẻ mình cũng ưa nhìn, cứ hình dung mình mà mặc thì cũng đẹp không kém. Nhưng ao ước thế thôi chứ không bao giờ nghĩ chuyện mua một cái, vì có mua thì nói thật là chả biết mặc vào lúc nào. Đi làm ca thì mặc bảo họ lao động, về nhà thì lao vào cơm nước, giặt giũ, phục vụ cả đại gia đình, quần xắn móng lợn cả ngày”, chị Lan chia sẻ.
Thời gian trôi, cuộc đời chị ngả sang chiều. Không ngờ cái ước ao nhỏ bé ngày nào cũng lắm phen trở lại. Nhìn những thiếu phụ, thiếu nữ xúng xính váy áo đi làm, đi chơi, thậm chí cả khi ở nhà, chị Lan lại thấy bâng khuâng, có đôi chút ngậm ngùi, nuối tiếc.
Chị bộc bạch: “Thực ra ở tuổi mình bây giờ người ta cũng mặc nhiều lắm. Nay thì chẳng có ai cấm mình cả, thế mà lại chẳng dám vì thấy… ngại. Đang giản dị, bỗng nhiên váy với xống, người ta nhìn vào lại bảo bà già dở chứng đua đòi, ngượng chết. Mà người mình giờ cũng đẫy ra rồi, lúc còn đẹp thì chả mặc…”.
Không như chị Lan cứ ao ước được mặc váy một lần trong đời, nhiều phụ nữ khác mặc kệ tuổi tác để biến ước mơ thành hiện thực. Bà Dương Thị Hoa, 64 tuổi, sống ở Mễ Trì, Hà Nội, nói: “Trẻ không diện thì giờ diện bù. Phụ nữ tuổi nào chả muốn được ăn mặc đẹp. Tôi thời trẻ toàn mặc quần vá để dành tiền đóng học cho con, nay chúng nó lớn hết cả rồi, cho tiền mẹ tha hồ may mặc. Tôi may đến năm sáu bộ váy, lại còn cả giày cao gót nhá”.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%