Trần Đại Nghĩa là ngôi trường danh tiếng tại TP.HCM và cũng là trường duy nhất còn duy trì hình thức thi tuyển vào lớp 6.
Lò luyện thi lớp 6 tại Trường tiểu học Nguyễn Huệ |
Mong muốn có một chỗ học, hàng loạt phụ huynh sẵn sàng bỏ việc để chuyên tâm lo cho con ôn thi. Một loạt trung tâm luyện thi mọc lên nhan nhản với chương trình học căng thẳng không khác gì “nhồi sọ” những đứa trẻ chỉ mới 11 tuổi.
Cuộc “chạy đua” vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa căng thẳng tới mức ngay từ lớp 3, học sinh phải làm quen với những buổi học thêm xen kẽ với thời gian học chính khóa. Lịch học của một đứa trẻ 9 tuổi kín mít và căng thẳng hơn cả người lớn đi làm việc.
Bỏ làm “chăn” con
Thanh, một phụ huynh học sinh tại Q.1, TP.HCM cho biết: Vợ chồng anh chỉ mong muốn con được vào học trường chuyên Trần Đại Nghĩa nên đã chuẩn bị tư thế từ lâu. Con gái anh vừa kết thúc hệ tiểu học với kết quả loại giỏi 5 năm liền, điểm thi cuối cấp các môn Toán và Tiếng Việt đạt mức tuyệt đối. Đó là điều kiện tiên quyết để được xét hồ sơ dự thi Trần Đại Nghĩa.
Anh Thanh, kể: Ngay từ năm lớp 3, việc học thêm của cháu đã rất căng thẳng. Sau giờ học chính khóa, cháu phải học thêm các lớp Toán, Tiếng Việt vào buổi chiều hoặc tối. Chưa kể là phải theo học tiếng Anh ở các trung tâm quốc tế nhiều năm liền. “Mình còn ít. Nhiều phụ huynh ngoài việc học thêm phải thuê thầy dạy kèm con ở nhà vào buổi tối” - anh kể.
Việc học hành căng thẳng khiến con trở nên ít nói, biếng ăn. Về nhà chỉ kịp tắm rửa là lao vào sách vở. Vì mục tiêu vào trường điểm, anh Thanh nghỉ việc văn phòng của một công ty tư nhân, chỉ chuyên tâm vào việc đưa rước con đi học từ các trung tâm luyện thi đến học tiếng Anh. Thời gian còn lại là chăm sóc để việc sinh hoạt ăn uống của cháu được đảm bảo.
Xe hơi đưa rước sĩ tử nối đuôi trước lò luyện thi
“Đôi khi mình cũng không muốn nhưng mấy đứa nhỏ cũng tự tạo áp lực vào trưởng điểm. Không chiều con không được” - chị Hạnh, một phụ huynh ở Q. Bình Thạnh kể.
Con chị học lực xếp thứ 3 trong lớp. Tất cả các học sinh xếp đầu đều quyết tâm vào Trần Đại Nghĩa và con chị cũng không ngoại lệ. Vào được trường này là một niềm hãnh diện rất lớn với bạn bè. Để chuẩn bị tinh thần “chiến đấu”, con gái chị đã bắt đầu đi học luyện thi 3 buổi/tuần từ lớp 3, đến năm nay là năm cuối cấp nên lịch học của bé gần như kín đặc. Cháu bé cũng đã tự trang bị khả năng đối mặt với sức ép ngay từ khi còn nhỏ.
Luyện thi... nhồi
Không kém gì luyện thi đại học. Làn sóng chạy đua vào trường điểm đã làm nở rộ các trung tâm luyện thi lớp 6 nhiều năm qua. Xôm tụ nhất tất nhiên là các trung tâm luyện thi vào trường Trần Đại Nghĩa.
Năm nào, các trung tâm gia sư, luyện thi cũng tưng bừng giới thiệu, quảng cáo các chương trình luyện thi vào Trần Đại Nghĩa với mức giá từ 1-2 triệu đồng/8 buổi, có thể học tại nhà hoặc học tại trung tâm.
Thậm chí có trung tâm còn sẵn sàng đến tận nhà để kiểm tra kiến thức, tư vấn phương pháp học tập trước khi vào học chính thức. Có ít nhất 3 “lò” luyện ngay tại trung tâm Q.1 với hình thức học còn căng hơn các lò luyện thi đại học.
Từ lời truyền tai của nhiều người. Chúng tôi tìm đến “lò” luyện thi vào lớp 6 tại trường tiểu học Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM. Được giới thiệu là trung tâm hàng đầu vì có tỉ lệ học sinh đỗ vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa rất cao.
Lò luyện này được tin tưởng vì tập trung nhiều giáo viên giỏi của thành phố. Giá cho mỗi môn học ở trung tâm này là 1,7 triệu đồng/môn. Đối với học sinh ở xa, có luôn suất học và bao cơm trưa với giá 3,4 triệu đồng/môn.
“Chương trình học xoay quanh các đề thi năm trước, tương tự như luyện thi đại học. Cũng là một cách thử sức” - một phụ huynh nói. Để được “thao luyện”, chị phải đầu tư cho con tổng cộng 5,1 triệu đồng cho 3 môn Toán, Tiếng Việt và Anh văn trong thời gian một tháng.
Sáng sớm, trước cổng Trường tiểu học Nguyễn Huệ đã nườm nượp người. Rất nhiều “cậu ấm”, “cô chiêu” bước xuống từ những chiếc xe hơi đắt tiền, bắt đầu bước vào một ngày căng thẳng. Lịch học trải đều từ sáng đến chiều nên học sinh ở xa phải ở lại nhà trường. Từ 8 giờ sáng đến 11 giờ 30, học sinh chỉ được nghỉ 2 tiếng đồng hồ trước khi vào giờ học chiều.
Trung tâm này có hàng chục lớp, mỗi lớp lại có trên dưới 50 học sinh. Giờ nghỉ trưa, những gương mặt trẻ con phờ phạc, mệt mỏi cố nuốt vội cơm hộp do người nhà mang đến.
Bên cạnh, các bậc phụ huynh cũng lộ vẻ mệt mỏi, cố động viên con bằng các cử chỉ ân cần. Cá biệt, một vài em nhỏ do cha mẹ bận rộn hoặc ở xa không thể đến được cắt cử hẳn người giúp việc mang cơm đến chăm sóc.
Giờ ăn trưa bằng cơm hộp của những đứa trẻ ngay trong phòng học
Sau giờ ăn trưa vội vã, những chiếc bàn học được ghép lại làm chỗ ngủ trưa cho học sinh. Phòng học im phăng phắc. Những giáo viên thay vai trò “bảo mẫu” được cắt cử đứng trước cửa phòng, không cho người ra vào để không làm phiền giấc ngủ của sĩ tử.
Nhiều phụ huynh cho biết, hoạt động của trung tâm này dù di chuyển nhiều địa điểm nhưng được tổ chức “quy củ” như vậy nhiều năm nay. Giáo viên giảng dạy cũng là những người giàu kinh nghiệm trong việc “huấn luyện” học trò bước vào kỳ thi cam go. Nhiều trường hợp các cặp vợ chồng thầy cô giáo cùng nhau dạy luyện thi ở nhiều khối lớp.
Cuối chiều, những chiếc xe hơi sang trọng lại nối hàng trước cổng trường. Nhiều đứa trẻ phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ mới được cha mẹ đến rước. Những gương mặt ngơ ngác, thẫn thờ.
“Ai cũng khổ như nhau. Muốn vào được trường điểm thì phải chịu khó thôi em ạ” - chị Ngọc, một phụ huynh ở Gò Vấp nói. Dù biết tỉ lệ "chọi" vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa còn cao hơn đại học, nhưng mong muốn vào trường vẫn là một “hấp lực” lớn khiến phụ huynh và học sinh chấp nhận khổ sở.
Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?