Những thí sinh đặc biệt trong kỳ thi đại học 2013
Thứ sáu, 05/07/2013 14:58

13h15 chiều tại “chốt 336”, Trần Quốc Tuấn (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) nhọc nhằn nhấc từng bước chân vào phòng thi.

Nguyễn Minh Trí làm bài thi bằng chân

Nguyễn Minh Trí làm bài thi bằng chân

Tuấn bị thiểu năng trí tuệ và sức khỏe bẩm sinh nên 18 tuổi vẫn gầy gò, đi lại khó khăn, bàn tay co quắp, đầu luôn lệch về một phía. Khi Tuấn nói chuyện, trừ bạn thân và những người trong gia đình, người khác phải tập trung lắm mới có thể hiểu được những gì em nói. Tuy vậy nhưng Tuấn rất hiếu học. Suốt ba năm cấp III, Tuấn đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.

Chọn khối D1 và thi vào Trường ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, Tuấn mong muốn trở thành một lập trình viên tin học.

Một mình lều chõng

Trong khi hầu hết TS đều được bố mẹ, người thân đồng hành thì cô gái người dân tộc Tày Nguyễn Thị Thể, quê ở xã Quang Minh, Bắc Quang, Hà Giang lại phải một mình vượt gần 200 cây số về Thủ đô dự thi.

Mẹ mất từ khi Thể mới chào đời, cha đi bước nữa nên đến năm lớp 10, Thể và anh trai phải chuyển sang ở nhà người bác họ. Thể vào lớp 12 thì cha em lại mắc bệnh ung thư qua đời. Sống với bác, hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, Thể còn giúp gia đình bác cả việc nhà lẫn việc nương rẫy, chỉ tranh thủ những lúc về khuya để học. Khi biết Thể đi thi tận Hà Nội, gia đình không khỏi hoang mang vì không ai có thể đi theo Thể được. Để có tiền cho Thể đi thi, hai bác em đã chắt chiu, gom góp nhiều tháng trời. Lần đi thi này cũng là lần đầu tiên Thể xa nhà đến như vậy.

Đăng ký khoa “Việt Nam học” của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn ĐHQG Hà Nội (đợt thi thứ hai), cô bé mồ côi mơ ước mình có thể trở thành giáo viên hoặc làm việc trong các bảo tàng. Thể giải thích: “Em tự chọn khoa này vì rất yêu môn lịch sử và nền văn hóa Việt Nam”.

Cô bé “gù” quyết vào đại học

Có một TS đặc biệt dự thi vào ĐH Quảng Nam là em Nguyễn Thị Hồng (20 tuổi, ngụ đội 8, thôn Mỹ Lộc, xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi - ảnh), đi thi với tấm lưng còng vì khối u khá lớn. Hồng bị gù bẩm sinh. Khối u trên lưng cứ lớn dần, khiến em đi lại khó khăn. Mãi đến chín tuổi Hồng mới đi học lớp 1. Anh Nguyễn Lai (45 tuổi), ba của Hồng, nói: “Con quyết đi thi, mình cũng phải quyết tâm, động viên nó thôi”.

Anh Lai làm nghề bốc vác, vợ làm ruộng, sống đắp đổi qua ngày. Đi thi lần này, dù cũng gần, nhưng anh chị phải vay mượn hàng xóm. Hồng nói: “Xã hỗ trợ cho cháu hàng tháng 180.000đ, chỉ đủ tiền học thêm môn toán, còn hóa và lý cháu tự học từ sách vở cũ mượn của các anh chị vì không có tiền để học thêm".

Thí sinh xương thủy tinh chỉ cao 1,25m

Chiều cao khiêm tốn của hai mẹ con Võ Thị Thanh Thảo, Trần Thị Liên

TS Võ Thị Thanh Thảo (SN 1994, trú TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) dự thi khối V vào ngành kiến trúc, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng chỉ cao 1,25m. Đi cùng con, mẹ em Thảo là bà Trần Thị Liên cũng có chiều cao khiêm tốn 1,25m. Bà Liên tâm sự: Tôi có ba con thì cả ba đều bị di truyền căn bệnh xương thủy tinh. Hai em của Thảo không thể tự đi lại được. Riêng Thảo, năm học lớp 9 bị tai nạn gãy cả hai chân, hai tay, gia đình mới biết cháu mắc bệnh xương thủy tinh. Tuy tay chân mỏng manh nhưng Thảo có năng khiếu và mê vẽ, từng được giải nhì một cuộc thi vẽ.

Thí sinh làm bài bằng chân

TS Nguyễn Minh Trí, SN 1993, ấp Long Châu 2, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, An Giang được giám thị tại phòng 81, điểm thi Nhà B (khu mới ĐH An Giang, đường Ung Văn Khiêm, TP. Long Xuyên) bố trí viết bài thi trên… ghế ngồi, bởi em viết bằng chân. Trí bị khuyết tật bẩm sinh cả hai cánh tay. Không có đôi tay, Trí dùng chân để bơi xuồng, quét nhà… Nhiều năm liền, Trí đạt danh hiệu học sinh khá-giỏi. Trao đổi với PV, Trí cho biết em thi khối A1, ngành công nghệ thông tin với ước mơ sau này trở thành “hiệp sĩ” công nghệ thông tin.

Phunuonline.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: Thí sinh , Thi đại học , Tuyển sinh 2013 , Hà Nội , Dự thi , Điểm thi đại học 2013 , Quy chế thi , Đáp án thi đại học 2013