Ẩn trong một ngõ nhỏ, ngôi nhà Nhân đạo Linh Quang, hàng chục em tật nguyền và 4 gia đình không nơi nương tựa đã ở lại ăn Tết. Tết ở đây cũng ấm cúng, cũng đủ đầy như chính ngôi nhà của họ.
|
Bố con “người rừng” với cái Tết Hà Nội
Cách đây 2 tháng, ông Trần Duyên Hải, Giám đốc Trung tâm dạy nghề nhân đạo, tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam hồ hởi khoe với chúng tôi ông vừa từ Cao Bằng về. Chuyến đi 6 ngày đã thành công khi ông đưa được 3 bố con Sùng A Páo (SN 1942) ở Nà Bon, Mông Ân, Bảo Lâm, Cao Bằng về Hà Nội. Sùng A Páo có 3 đời vợ. Người vợ cả lấy được một năm thì ăn lá ngón tự tử. Người vợ thứ 2, sinh được 8 người con, sau đó đi theo người đàn ông khác rồi không hiểu sao lại ăn lá độc tự tử, cách đây 30 năm. Người vợ 3 Páo lấy cách đây khoảng 9 năm, cô này sinh năm 1984, bị thiểu năng trí tuệ, nhưng cũng đã sinh được 3 người con. Nhưng cách đây hơn một năm, cô ta bị bọn buôn người lừa bán sang Trung Quốc.
Qua 3 đời vợ nhưng cuối cùng ông vẫn đơn bóng với hai đứa con nhỏ của vợ 3 ở trong hang đá (một đứa bị chết vì đói ăn, bệnh tật) 2 đứa con còn lại là A Lự sinh năm 2003, A Đại sinh năm 2008. Từ đầu năm 2010, 3 cha con A Páo sống tựa vào nhau. Vì không quen làm ruộng nương lại hay rượu chè, không biết tiếng Kinh nên khi không có vợ, A Páo chẳng biết làm gì mà ăn. Ông Páo đã từng có một ngôi nhà. Nhưng “đã bán lấy 20 nghìn đồng, đổi lấy hai chai rượu uống rồi”. Không có chỗ ở, 3 bố con A Páo lên khe đá ở từ đó. Ở đó lạnh và đói, họ về nhà con trai của vợ lớn tá túc nhưng không được bao lâu vì bị đứa con trai đánh đập. A Páo đã hơn 70 tuổi nhưng già sọm, quần áo rách bươm. Con ông thì trần truồng. Cả nhà không ai đi dép. Cháu trai lớn mới 8 tuổi nhưng hàng ngày phải đi kiếm củi, vác đi bán được 5-10 nghìn đồng về mua đồ ăn nuôi cả 3 bố con. Nhiều hôm đói quá, thằng bé lả đi trên đường, may mắn gặp người tốt bụng bế về nhà cho ăn, cho uống rồi khi tỉnh, cậu lại tiếp tục mang củi đi bán. Còn thằng út mới 3 tuổi không có quần áo mặc, lê la đất cát. Ông Páo toàn ăn cơm với ớt và đu đủ hái trên núi. Có lần, mua cá hồng rẻ tiền bảo quản bằng thực phẩm độc về, nấu cho đứa bé ăn, nó bị đi ngoài và chết. Những ngày mưa rét, không kiếm được củi, 3 bố con chỉ còn cách nhịn, có đợt họ đã phải nhịn 3 ngày liền vì không có gì ăn.
Khi đọc được bài báo nói về cha con A Páo, ông Trần Duyên Hải đã liên hệ với Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Bằng và quyết tâm đưa cha con A Páo về Hà Nội. Tính đến nay đã gần 3 tháng 3 cha con A Páo được ăn ở, nuôi dạy miễn phí tại Trung tâm dạy nghề nhân đạo, tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam. 2 đứa trẻ có quần áo mới, giày dép, có giường ngủ đàng hoàng, được học tiếng Kinh để học chữ, học nghề. Thầy Hải cũng tìm cho A Páo công việc chăm sóc vườn tược tại Gia Lâm với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng. Số tiền này sẽ tiết kiệm lại để vài năm nữa cho ba bố con họ hồi hương, ổn định nơi ăn chốn ở. Còn A Lử sẽ cho đi học chữ, học nghề để biết cách lao động kiếm sống. Cháu bé 3 tuổi thì cho đi lớp nhà trẻ tại Trung tâm. Tuy nhiên làm việc được 3 ngày thì A Páo bỏ việc.
A Páo bảo không quen làm. Nói đến điều này, thầy Hải rất đau lòng bởi Trung tâm không thể nuôi 3 bố con mãi. Ông muốn A Páo có công việc ổn định, đem lại thu nhập để làm nguồn vốn sau này 3 bố con trở về quê, còn tương lai của 2 cháu. Nhưng A Páo thì đã rất vui với cuộc sống hiện tại, có nhà ở, có giường nằm, hàng ngày không phải lo 3 bữa cơm, con cái có người trông nom. “Tôi già rồi, tôi chết ở đây thôi. Tôi không đi đâu nữa. Tết này có lẽ là Tết vui nhất của A Páo vì không phải lo cái ăn, có bánh chưng, thịt gà” - A Páo nói.
Và những mảnh đời bất hạnh
Ngoài bố con A Páo, ở trung tâm hiện nay còn có vài chục em nhỏ tàn tật, lang thang được cưu mang về đây. Có em không có người thân thích, sống lang bạt vạ vật ở gầm cầu, ghế đá, xin ăn ở chợ. Có em bị bố mẹ bạo hành, bị dị tật các kiểu, nghe được ở đâu là thầy Hải lên đường đi “xin” về. Tại đây các em được học nghề, được làm việc, có nơi ăn ở đàng hoàng.
Không chỉ có trẻ con mà ở đây còn có cả người lớn. Như chị Phạm Thị Tuyến, SN 1974, ở Xuân Giao, Bảo Thắng, Lào Cai, phải bỏ quê, dắt díu nhau chạy trốn khỏi sự bạo hành tàn bạo của người chồng. Không được may mắn như các bạn cùng trang lứa, chị sớm phải bỏ học, lên rừng lấy măng về các chợ bán, rồi quen anh Phạm Văn Phương. Năm 1992 chị kết hôn với anh Phương khi vừa tròn tuổi 18. Cuộc sống đôi vợ chồng trẻ nghèo nhưng hạnh phúc. Hàng ngày 2 anh chị bán hàng ở chợ. Hạnh phúc dần nhân lên khi lần lượt 3 đứa con chào đời, 2 trai, 1 gái. Để cải thiện kinh tế gia đình, năm 1998, anh Phương lên Lào Cài làm phụ hồ cho các công trình xây dựng. Nhưng nào ngờ, sau chuyến đi anh trở về không một xu dính túi, bê tha rượu chè. Suốt ngày Phương không lo làm ăn mà chỉ rượu chè rồi về nhà gây chuyện đánh đập vợ con. Con trai đầu cũng bị chồng chị đánh vào đầu đến mức bị ngớ ngẩn, thiểu năng trí tuệ.
Không còn cách nào khác, chị phải gửi con bà ngoại xuống Hà Nội làm giúp việc. Nhưng đến khi mang tiền về định dựng lại cái nhà cũng bị anh ta mang đi lấy rượu uống. Hết tiền lại quay sang đánh đập chị dã man. 12 năm bị người chồng bạo hành nhưng chị không dám ly hôn vì sợ nếu ly hôn nhà chồng sẽ không còn thương các cháu nữa.
Tháng 9-2010, không chịu được những đòn roi của chồng, chị đã quyết định khăn gói dắt díu các con xuống Hà Nội tìm nơi lánh nạn. May mắn chị được mọi người giới thiệu đến Trung tâm nhân đạo Linh Quang. Đến đây 4 mẹ con chị được thầy Hải mở rộng cưu mang, sắp xếp chỗ ăn nghỉ. Trung tâm đã đào tạo nghề may cho 2 con trai lớn của chị. Còn đứa con gái út được trung tâm bảo lãnh xin cho đi học tại trường THCS Huy Văn, Đống Đa. Chị Tuyến cũng được trung tâm xin cho một công việc phù hợp. Tương lai đã dần mở ra với 4 mẹ con chị Tuyến tại ngôi nhà nhân đạo này.
Hoàn cảnh chị Bế Thị Loan, người dân tộc Tày, quê ở bản Nằm, xã Nhung Chiến, Tràng Định, Lạng Sơn cũng hết sức thương tâm. Chồng chết, chị và 2 con nhỏ bị lừa bán sang Trung Quốc. Hơn 2 năm lưu lạc xứ người, trăm đắng nghìn cay, tìm được về nhà thì không có mảnh đất cắm dùi, nhà bị người ta chiếm mất. Ba mẹ con may mắn được trung tâm đón về, nay hai cháu Hoàng Văn Đức và Hoàng Văn Hậu được đi học văn hóa, học nghề kiếm thêm thu nhập. Chị được đưa vào trông nom người già cho một gia đình. Chị hy vọng sau vài năm nữa, có tiền chị và các con có thể trở về quê hương dựng một căn nhà để có nơi nương tựa.
Hay như em Lý Thị Liều, người dân tộc Dao ở xã Nậm Lành (Văn Chấn, Yên Bái), với đôi chân cứ teo đi sau một trận sốt co giật từ năm lên 4. Liều không thể đi, chỉ có thể bò. Năm Liều mười ba tuổi, bố mất. Gánh nặng gia đình đè dồn cả lên đôi vai mẹ. Thương mẹ, Liều hết trông em, thêu thổ cẩm đem bán rồi bò đi lấy củi quanh nhà, những mong đỡ mẹ phần nào. Nhưng niềm khao khát được học vẫn không thôi thúc trong lòng cô gái bất hạnh. Một sớm mùa khai giảng năm học 2003-2004, thầy cô giáo trường Tiểu học Nậm Lành thấy cô gái tật nguyền bò đến văn phòng nhà trường xin học. Cô gái đã ở tuổi 24, nhưng ánh mắt thì háo hức như của đứa trẻ tuổi vào lớp 1. Mặc cho những lời trêu chọc của bạn bè, những ngày đi học đầu gối trày xước, rướm máu vì phải “bò”, Liều đã theo học được hết lớp 5, lúc đó cô cũng đã 29 tuổi. Biết cái chữ rồi, Liều muốn có một cái nghề nữa. Nhưng ở nơi rừng núi này, cô biết làm gì ngoài việc thêu thổ cẩm. Hàng ngày, Liều ngồi xó nhà như một con rùa què.
Nghe tin từ một bài báo, thầy Hải đã cho người lên đón Liều về trung tâm. Nay cô gái “què” ngày nào đã có được nghề may áo cưới. Từ công việc này, mỗi tháng Liều gửi về cho bố mẹ 1,2-1,5 triệu đồng.
Còn biết bao những thân phận cơ nhỡ, bất hạnh, không nơi nương tựa đều được che chở dưới mái nhà nhân đạo của thầy Trần Duyên Hải. Trung tâm nằm ở ngõ Linh Quang (Đống Đa, Hà Nội) trên diện tích 200m2, với hơn 700m2 sàn sử dụng là ngôi nhà chung của hơn 100 em, năm 2002 đã được Nhà nước công nhận chính thức là cơ sở nhân đạo tư nhân, trực thuộc Trung ương Hội Chữ thập đỏ. Trung tâm có 3 hoạt động chính: dạy chữ, dạy nghề và tạo việc làm. Các em khi thạo nghề thì được thầy giới thiệu việc làm ở nơi khác, hoặc làm tại ngay Trung tâm. Nhiều người tàn tật, từ việc học nghề của Trung tâm, mà giờ thành đạt, như chị Vương Bích Hậu, cụt hai chân, người chỉ cao có 60 cm, nhưng giờ đã làm chủ một cơ sở may với 10 công nhân.
Hãy về với chúng tôi
Chúng tôi rời trung tâm khi trời đã sẩm tối, ngoài đường mọi người vẫn đông đúc nhộn nhịp, tất bật và hối hả với những lo toan riêng của mình, còn trong con ngõ nhỏ, nơi có ngôi nhà chung của những người bất hạnh, thầy Hải vẫn lo nỗi lo của những người không có Tết. Tết này, thầy Hải và các cán bộ của trung tâm đã lên kế hoạch đến các nhà ga, bến tàu xem có ai phải lang thang, cơ nhỡ đưa về trung tâm trước thời khắc giao thừa để ai cũng có một cái Tết ấm áp. Bắt tay tôi, trước khi ra về, thầy không quên dặn lại: Nhờ nhà báo chuyển hộ lời nhắn, sắp Tết rồi nếu còn ai không có tiền về quê ăn Tết, không có nơi để trở về hãy tìm đến ngôi nhà chung của chúng tôi: Trung tâm dạy nghề nhân đạo - địa chỉ số 25 ngách 48 ngõ Linh Quang, Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội.
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?