Sau khi nghỉ hưu, một giảng viên, tiến sĩ tâm lý của trường ĐH Vinh đã "xui" vợ con bán nhà ở thành phố lên vùng cao để xây trường học.
|
Và cũng chính trong ngôi trường đó, ông đã áp dụng nhiều quy định lạ lùng khiến không ít người phải ngạc nhiên. Ông tên là Nguyễn Lê Đắc, sinh năm 1932, hiện là hiệu trưởng trường THPT dân lập Nguyễn Khắc Viện, nằm ở xã Sơn Bằng, Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Ông hiệu trưởng "gàn" Lê Nguyên Đắc. Ảnh: Tiến Long
Rủ vợ bỏ phố lên rừng
Ông Đắc cảm thấy mãn nguyện khi nhìn ngôi trường mà mình bỏ ra bao tâm huyết xây dựng ngày càng có đông học sinh theo học và những quyết định "lạ" của ông đang ngày càng khẳng định tính hiệu quả. Ông cho biết từ năm 2004 đến nay không còn tái diễn hiện tượng học sinh gây gỗ, đánh nhau trong và ngoài trường. Tỉ lệ đậu tốt nghiệp của trường năm học 2010 - 2011 đạt 90,7%. Kể từ khi thành lập nhà trường đã đào tạo được hơn 5.000 học sinh. Hiện nay, trường đã có 30 giáo viên giảng dạy, Trong đó, có 8 giáo viên được hỗ trợ ở nội trú ngay tại trường.
Ngay từ khi học cấp I, ông đã là gương sáng của cả xã Sơn Bằng khi trở thành học sinh duy nhất đạt giải nhất các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh tổ chức lần đầu tiên năm 1948 nhằm chọn một học sinh để trao học bổng. Lúc đó ông học lớp 4.
Ngay từ thuở nhỏ, ông đã khát khao trở thành nhà giáo và mơ ước xây một ngôi trường trên chính quê hương. Cơ hội đến với ông khi khi tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) quyết định thành lập trường trung cấp sư phạm Liên khu IV. Không bỏ lỡ cơ hội, ông đã xin sang học trường này. Ra trường, ông được cử về dạy cấp I ở Hương khê, rồi sau đó chuyển về Hương Sơn dạy cấp II. Cho đến năm 1960, thấy ông tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và là một thầy giáo dạy giỏi, ngành giáo dục Nghệ Tĩnh đã dành suất học duy nhất năm đó cho ông ra học ở Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp, ông được giữ lại làm giảng viên chuyên ngành Tâm lý học. Vì hoàn cảnh gia đình nên năm 1974, ông Đắc xin chuyển về trường ĐH sư phạm Vinh giảng dạy.
Sau gần 10 năm công tác tại ĐH sư phạm Vinh, ông đã được trường hỗ trợ làm nghiên cứu sinh và ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài "Cơ sở tâm lý học của việc tổ chức giáo dục ngoài giờ lên lớp (tại nơi ở)". Lúc bấy giờ, ông trở thành cán bộ cốt cán của ngành giáo dục Nghệ Tĩnh. Cũng trong thời gian ông dạy học ở ĐH sư phạm Vinh, cán bộ xã Sơn Bằng vẫn xuống thăm thường xuyên để tham khảo ông về các vấn đề giáo dục. Trong lần về quê dự tổng kết 50 năm ngành giáo dục xã nhà, ông đã được lãnh đạo địa phương đề nghị xây dựng đề án thành lập một trường THPT dân lập ngay tại mảnh đất quê hương. Như được cởi mở lòng, ông bắt tay vào thiết kế, xây dựng đề án. Đến năm 1997, vừa mới nghỉ hưu, không để thời gian nghỉ một ngày, ông đã bàn với vợ bán ngôi nhà của mình tại TP Vinh, để thực hiện mong muốn ấp ủ bấy lâu nay. Được sự đồng ý của tỉnh, cùng với 500 triệu đồng trong tay, ông đã cùng vợ con khăn gói về quê Sơn Bằng mua đất xây trường.
Bà Nguyễn Thị Sanh, vợ ông Đắc tâm sự: Lúc đầu nghĩ rằng ông đã nhiều năm dạy học, sức khỏe lại yếu nên để dành thời gian mà nghỉ ngơi, nên bà quyết định không cho ông bán nhà. Nhưng cuối cùng bà cũng đành chịu thua trước quyết tâm của ông.
Nói về việc bán nhà xây trường, ông Đắc bộc bạch "Cuộc đời đi học của tôi từ khi học cấp I cho đến khi bảo vệ thành công tiến sĩ đều nhờ vào tiền trợ cấp, hỗ trợ của xã hội, nên tôi cũng muốn làm điều gì đó để phục vụ lại cho xã hội". Ông cũng thường khuyên nhủ các con mình theo đuổi nghề giáo. Các con ông, tất cả đều theo học ngành sư phạm. Khi thành lập trường, ông đã gọi hai người con, một người dạy cấp III ở Khánh Hòa, một đang làm tại Sở ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh về để cùng cha điều hành việc trường.
Các lớp học ở trường THPT dân lập Nguyễn Khắc Viện, xã Sơn Bằng, Hương Sơn, Hà Tĩnh được tách riêng nam và nữ. Ảnh: Tiến Long
Ngôi trường "lạ" nhất Việt Nam
Ngày 19/8/1997, ngôi trường THPT dân lập mang tên bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (người con của Hương Sơn) đã được thành lập, bắt đầu từ tâm huyết của ông hiệu trưởng già. Xây dựng được ngôi trường đã khó, điều hành để trường đi vào hoạt động nề nếp cũng phải trải qua không ít thách thức. Chính những thách thức đó, đã khiến một tiến sĩ tâm lý quyết định đưa ra nhiều cải cách, quy định mang tính đột phá riêng cho ngôi trường mà ông làm hiệu trưởng.
Năm đầu trường thành lập, chỉ có hơn 50 học sinh theo học. Cả trường đã phải hoãn ngày khai giảng chờ hết ngày mùa, học sinh đi học đông mới bắt đầu giảng dạy. Những năm về sau khi số lượng học sinh tăng lên thì tình trạng ẩu đã, đánh lộn cũng tăng theo. Gần như ngày nào cũng có vụ học sinh đánh nhau, có một vài em còn mang cả dao đến trường. Năm 2003, sau lần chứng kiến một học sinh mới bị bạn dùng gậy đánh giữa đường, ông phải đi mổ tim ở TP. Hồ Chí Minh vì sốc nặng.
Trong thời gian điều trị tại bệnh viện, ông giáo già với lòng tâm huyết với học sinh đã suy nghĩ rất nhiều để tìm ra nguyên nhân các vụ đánh nhau xảy ra từ trước tới nay. Nghiên cứu cách làm ở trường Trung học James-lin ở Montreal (Canada), ông quyết định cho thí điểm tách nam, nữ ra học riêng. Đến năm học 2007 - 2008, thấy hiệu quả, ông đã tiến hành thực hiện mô hình này cho toàn trường. Bằng kinh nghiệm của một tiến sĩ tâm lý ông Đắc giải thích: "Ở lứa tuổi vị thành niên, các em thường thích khẳng định cái tôi của mình với mọi người. Đặc biệt, lúc này các em cũng bắt đầu phát triển tình cảm giới tính, nhất là các học sinh nam. Sự phát triển về tình cảm giới tính cũng như tính bốc đồng, thích khẳng định mình, là nguyên nhân chính dẫn đến những vụ ẩu đả". Chính vì vậy ông đã quyết định tách nam, nữ ra thành những lớp học riêng để cải thiện tình hình.
Hết quy định tách nam và nữ ra học riêng, ông lại thay đổi thời gian học một tiết từ 45 phút lên thành 90 phút. Ông Đắc giải thích: "đúng là khả năng tiếp thu tốt nhất của học sinh trong vòng 45 phút, nhưng nếu một tiết học được 45 phút như hiện nay thì thời gian ổn định lớp, kiểm tra bài cũ và thời gian dặn dò khi kết thúc tiết học, đã mất hơn 10 phút. Vì vậy, thời gian học chính thức không còn được bao nhiêu". Mỗi tiết học kéo dài 90 phút sẽ rèn cho học sinh tính kiên trì và sự tập trung cao độ. Sau mỗi tiết các em cũng được nghỉ 25 phút. Đối với giáo viên khi đứng lớp, ông Đắc bắt buộc chỉ được giảng bài trong vòng 40 phút, thời gian còn lại phải tương tác với học sinh để khơi dậy sự hứng thú học tập.
Điều đặc biệt nhất của ngôi trường này là ông hiệu trưởng cho phép tất cả mọi người có thể vào học nếu có nhu cầu. Ông cho rằng ở cái vùng núi khó khăn này, việc cần thiết, trước mắt là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, sau đó mới tính đến bồi dưỡng nhân tài. Và mọi người có quyền được hưởng nền giáo dục toàn diện. Nhất là với đặc điểm riêng của vùng núi như ở Sơn Bằng và một số xã lân cận, nếu các em không được đi học sẽ dễ sinh ra lêu lỏng, trở thành mối nguy hại cho xã hội. Hiệu trưởng Đắc khẳng định: "Nếu có đủ một lớp khoảng 50 người độ tuổi từ trung niên đến cao tuổi đăng ký học THPT thì tôi sẽ mở lớp và cử giáo viên dạy". Việc thi tốt nghiệp cuối cấp, những ai đủ quy định nhà trường mới cho thi; những trường hợp không đủ điều kiện thi thì sẽ được cấp học bạ chứng nhận học hết cấp III.
Ngoài khoản tiền học phí nộp theo mức như các trường công lập, học sinh trường THPT dân lập Nguyễn Khắc Viện không phải đóng thêm một khoản nào nữa. Nhưng lương của giáo viên thì vẫn được trả theo giờ, giống như mọi trường khác. Ngoài ra, nhà trường còn hỗ trợ 50% tiền bảo hiểm xã hội.
Mỗi tiết học của trường THPT dân lập Nguyễn Khắc Viện kéo dài 90 phút. Sau 45 phút học sinh được nghỉ tại chỗ 5 phút. Và sau mỗi
tiết học nghỉ 25 phút. Ảnh: Tiến Long
"Hiệu trưởng gàn"…
Đã không ít người gọi ông Đắc là "hiệu trưởng gàn". Khi được hỏi ý kiến của ông về điều này, ông thong thả nói: "Ai bảo tôi gàn cũng được, miễn sao học sinh được học tập tốt nhất. Tôi tâm niệm, cứ một lớp học được mở ra thì lại có hơn 50 em không bị thất học".
Một số phụ huynh không đồng tình với những quy định của hiệu trưởng Đắc, cho rằng đây là một hình thức phân biệt đối xử nên cho con em chuyển sang học trường khác. Nhưng đa phần học sinh cả nam lẫn nữ của trường đều thích thú với cách làm này của thầy Đắc. Em Đào Thị Hạnh Ân, học sinh lớp 11C, cho biết tất cả các bạn cùng lớp với Ân đều thích thú với mô hình này. Trong lớp không có bạn nam nên các bạn nữ không còn ngại nữa vì vậy tự tin trao đổi, phát biểu trong giờ học hơn. Em Hoàng Ngọc Lâm, lớp 11B, cho biết không có các bạn nữ thì phong trào văn nghệ của lớp yếu hơn một chút. Nhưng đổi lại, thay vì thường xuyên trêu chọc bạn nữ trong giờ học, thì giờ đây các bạn lại chăm chú nghe giảng hơn. Từ đó, làm chất lượng giờ học được tăng lên.
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?