Cú sốc quá lớn ngay từ năm 9 tuổi khiến anh không còn tha thiết, mặn nồng với cuộc sống nhưng bằng một nghị lực “thép”, Phạm Trọng Hoàng đã vươn lên mạnh mẽ và trở thành giám đốc. Dưới “chướng” của anh hiện tại có hàng trăm lao động.
|
Tuổi thơ nghiệt ngã
Sinh năm 1976, ở vùng quê Thái Thụy, Thái Bình, là con trai cả duy nhất trong một gia đình có 4 anh chị em. Tuổi thơ của Hoàng là những tháng ngày êm đềm, hạnh phúc trong vòng tay ấm áp và tình yêu thương của gia đình.
Thời cắp sách đến trường, Hoàng là một trong những người được nhiều thầy cô yêu mến và chú ý vì có khả năng tư duy vượt trội so với các bạn trong lớp.
Nhưng cuộc đời thật nhiều bão giông, số phận đã không cho Hoàng làm người bình thường như bao con người khác. Trong một lần đi học về khi qua con đường mòn dẫn vào làng, Hoàng bất ngờ bị một chiếc ô tô đụng phải, khiến chân phải bị dập nát.
Giám đốc Phạm Trọng Hoàng
Tai nạn đến quá đột ngột, trải qua một cuộc “lột xác” hết bệnh viện tuyến trong lại ra tuyến ngoài nhưng bàn chân phải của Hoàng vẫn không thể giữ nổi. Vết thương quá nặng, khả năng nhiễm trùng rất cao nên các bác sĩ không còn cách nào khác phải cưa bỏ nó để bảo toàn mạng sống cho anh.
Đang là một cậu bé bình thường khỏe mạnh, bỗng chốc thân thể Hoàng không còn nguyên vẹn khi mất đi một chân phải. Cú sốc đầu đời của cậu con trai 9 tuổi ngoan hiền này khiến cả gia đình ngày đêm không ngủ và rơi vào cảnh khó khăn chồng chất.
“Khi biết mình mất đi một chân, lúc đó tôi không còn thiết tha cái gì nữa, tôi sợ mình trở thành một phế nhân, một người bỏ đi, tôi không ăn, không ngủ đến nỗi thân xác tiều tụy. Nhưng tôi đau một thì cha mẹ tôi đau mười, mỗi lần tôi kêu gào, không ăn không uống là mỗi lần mẹ tôi ghì chặt tay, truyền những chai nước và bón những thìa cháo vất vả cho tôi”. Anh nhớ lại những tháng ngày tăm tối của mình.
Chỉ còn lại một chân, Hoàng phải dang dở con đường đến trường. Không thể đi lại được, mọi việc đều do cha mẹ đảm đương từ miếng ăn, thuốc thang đến giấc ngủ… Cuộc sống của cậu bé 9 tuổi như chìm trong bóng tối.
Nghị lực “thép” của cậu bé tật nguyền
Không muốn mình là một người tàn phế, một mối lo và gánh nặng cho gia đình, Hoàng đứng dậy bằng bàn chân còn lại và quyết tâm tập đi như đứa trẻ con mới chập chững trên chiếc nạng gỗ từng bước một dưới sự dìu dắt và động viên của gia đình. Cứ thế ngày tháng trôi qua trong khổ luyện, đôi tay Hoàng trở nên rắn chắc hơn bởi phải gồng mình hết cỡ để nâng đỡ cơ thể.
Cha mẹ ngày càng già yếu mà tuổi tác của Hoàng ngày càng lớn dần. Không cam chịu kiếp sống phụ thuộc quá nhiều vào gia đình, Hoàng xin đi học nghề sửa chữa điện dân dụng do Sở lao động Thương binh & Xã hội Thái Bình tổ chức dành cho người khuyết tật.
Nụ cười mãn nguyện của giám đốc trước một cơ nghiệp đồ sộ
Ở đây, Hoàng được tiếp xúc nhiều với người cùng cảnh ngộ, được giao lưu, lắng nghe tâm sự của những người “khuyết” đi một phần cơ thể. Cũng từ sự đồng cảm đó, tình người trong trái tim Hoàng trỗi dậy thôi thúc anh phải làm một điều gì đó để cứu người và cũng là tự cứu mình. Không chỉ học điện, Hoàng còn dành nhiều thời gian tìm hiểu nghề may dệt.
Sau 3 năm tìm tòi nghiên cứu, bằng sư đam mê công việc, Hoàng trở thành thợ chính và bắt đầu thử sức mình ở nhiều Công ty dệt may khác nhau trong Tỉnh.
Năm 2002, khi đã bước sang tuổi 26, với số vốn tích luỹ được, Hoàng mở một xưởng may dệt nhỏ. Thời gian đầu mới thành lập, xưởng gặp vô vàn khó khăn, nhất là về công nhân và quản lý. Lúc đó, xưởng chỉ vẻn vẹn có 6 công nhân. Nhưng với phương châm, “Thất bại là mẹ của thành công”, không lùi bước trước khó khăn, Hoàng tiếp tục tìm hiểu về thị trường dệt may trong và ngoài nước và học hỏi kinh nghiệm quản lý, tổ chức công việc từ các doanh nhân thành đạt, những thế hệ đi trước…
Công ty may dệt HT Song Long thu hút hơn 300 lao động tật nguyền làm việc
Khi đã trang bị đủ cho mình kiến thức, Hoàng mạnh dạn vay vốn, đầu tư kinh phí gần 3 tỉ đồng thuê đất và mở Công ty may dệt Song Long với diện tích 3.800m2. Với cái tâm và tài thao lược giỏi giang của mình, công ty ngày càng thu hút nhiều nhân công lao động đến làm việc, nhất là người khuyết tật. trong đó có cả người tàn phế hai chân hay người câm, điếc…
Từ đó, công ty dần đi vào hoạt động ổn định và phát triển. Nghề may mặc đã giúp anh vươn lên làm một ông chủ, một giám đốc.
Trở thành giám đốc của hơn 300 lao động tật nguyền
Sau khi công ty hoạt động ổn định, Hoàng mở nhiều lớp dạy nghề cho người khuyết tật trong tỉnh. Đến nay, công ty đã có hơn 300 lao động là người khuyết tật.
Mọi công nhân lao động và người khuyết tật trong công ty được đóng bảo hiểm lao động và hưởng mọi chế độ ưu đãi như công nhân viên nhà nước. Mức lương của công nhân khuyết tật từ 1triệu đến 2triệu/tháng, đây vừa là một thu nhập không hề nhỏ đối với người khuyết tật, vừa là nguồn cổ vũ động viên lớn lao cho những con người vốn không được may mắn như bao con người khác.
Anh tâm sự: “Bản thân mình là người khuyết tật nên mình luôn có nguyện vọng giúp ích cho những người khuyết tật khác trong địa phương có công ăn việc làm và thu nhập ổn định, đó là động lực để giúp mình luôn có những sáng kiến mới trong công việc”.
Không chỉ có chế độ thỏa đáng, người giám đốc trẻ “tật nguyền” này còn luôn dành thời gian quý giá của mình xuống động viên, thăm hỏi anh em công nhân trong xưởng.
Anh Nguyễn Vân Hiệp coi công ty may dệt HT Song Long là nơi tình thương trỗi dậy
Anh Nguyễn Văn Hiệp, 29 tuổi (quê Đông Hưng, Thái Bình) chia sẻ: “Là một người khuyết tật, hầu như mọi công việc với tôi đều không thuận lợi, thế nhưng khi vào học nghề và làm việc tại công ty HT Song Long, tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ, quan tâm của mọi người, đặc biệt là của sếp Hoàng. Mức lương hiện tại của tôi là 1,5 triệu/ tháng, nói chung công việc của tôi khá thoải mái và phù hợp”.
Đến thời điểm này, nguồn tiêu thụ sản phẩm dệt may của công ty ngày càng mở rộng cả trong và ngoài nước, trong đó thị trường tiêu thụ lớn nhất là Đài Loan và Đức.
Mỗi tháng trừ mọi chi phí, doanh thu của công ty đạt tới 600 triệu đồng. Không những thế, ngoài công ty dệt may, anh còn là chủ của hai tiệm kim hoàn lớn với nguồn lợi khá cao. Tuy vậy, anh vẫn chưa thỏa mãn với những gì làm được. Đặc biệt trong việc giúp cho người khuyết tật có cơ hội được tái hòa nhập với xã hội, nên anh vẫn không ngừng tích luỹ vốn để mở thêm nhiều xưởng may với diện tích khoảng 500 – 1.000m2 ở các địa phương trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi giúp cho nhiều người khuyết tật hơn có thể học nghề, tạo thu nhập và ổn định cuộc sống.
Từ những đóng góp không ngừng nghỉ của mình, trong thời gian qua anh đã nhận được nhiều bằng khen của UBND cả 3 cấp xã, huyện, tỉnh Thái Bình.
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?