Mỹ có đủ bùa phép để hạ IS?
Thứ tư, 05/11/2014 08:46

Ngày càng nhiều quốc gia tham gia vào liên minh chống IS, nhưng điều đó cũng chứng tỏ IS đã lan ra quy mô toàn cầu.

Mỹ có đủ bùa phép để hạ IS?

Mỹ có đủ bùa phép để hạ IS?

Liên minh chống IS đông hơn, loay hoay hơn?

Ngày 3/11/2014, Singapore là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên ghi tên mình vào danh sách liên minh chống nhà nước Hồi giáo IS. Dù Singapore không trực tiếp tham chiến, họ cũng gửi quân nhân và các trang thiết bị phục vụ chiến tranh đến hỗ trợ cho liên quân của Mỹ.

Việc Singapore tham gia liên minh này cho thấy những nỗ lực mở rộng quy mô cuộc chiến chống IS ra phạm vi toàn cầu của Mỹ ngày càng thu được nhiều thành quả.

Trước Singapore một ngày, máy bay chiến đấu CF-18 của Canada lần đầu tiên tiến hành không kích các mục tiêu IS trên đất Syria, nâng tổng số những nước tham gia vào liên minh do Mỹ dẫn đầu lên 40 quốc gia.

Nhiều quốc gia tham chiến thể hiện những dấu hiệu tích cực, nhưng điều đó cũng ẩn chứa những điểm đầy tiêu cực.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã cho rằng mối đe dọa từ IS ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, trong đó có Singapore, điều này buộc họ phải hành động. Nhưng nguy cơ nào khiến ông Thủ tướng lo ngại IS sẽ ảnh hưởng đến tận Đông Nam Á? Chính những hoạt động Hồi giáo cực đoan của các tổ chức ở Indonesia và Philippines đã cho thấy khoảng cách địa lý không có ý nghĩa đối với sự tác động của IS.

tieu-diet-is1

Singapore bắt đầu cử nhân viên quân sự, binh lính và thiết bị chiến tranh đến hỗ trợ Mỹ chống IS

Thực sự, chiêu bài Thánh chiến mà IS đang sử dụng đang rất có hiệu lực. Nó khiến cho sự bất ổn, nguy hiểm ẩn chứa trong mọi quốc gia, reo giắc trên mọi khu vực. Nếu dùng hình ảnh rắn thần Hydra với 17 cái đầu, khi một cái đầu bị chặt đi, nó sẽ mọc thêm hai cái đầu khác để miêu tả về IS cũng không phải là quá hoa mỹ.

IS không còn là một quả trứng của quỷ ẩn chứa hiểm họa trong tương lai nữa, những cái đầu của nó đang mọc lên khắp thế giới và Mỹ đang phải đóng vai người hùng cứu thế giới để chặt bỏ những cái đầu đó.

Tuy nhiên, càng diệt IS thì nguy cơ gia tăng sức mạnh cho chính tổ chức này càng nhiều lên. Vậy Mỹ mong muốn gì trong cuộc chiến ở Trung Đông, cụ thể là Iraq và Syria. Chỉ có thể lý giải rằng trong nỗ lực giết rắn, Washington đang muốn lần tìm về cội rễ, căn nguyên của sức mạnh IS - những mỏ dầu. Bảo vệ Iraq hay Syria chỉ nhằm không để IS có thêm bất kỳ mỏ dầu nào, và tước đoạt đi những mỏ dầu mà tổ chức này đang sở hữu. Nói cách khác, Mỹ đang tìm mọi cách bảo vệ dầu mỏ của mình và tiêu diệt cái gốc của sức mạnh tiền tệ mà IS sở hữu.

Nhưng nếu chỉ trông đợi vào không kích có thể hiệu quả? Bản thân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã thừa nhận không kích là vô dụng. Và khi vừa bước chân vào cuộc chiến, Thủ tướng Canada Stephen Harper cũng đã vội vàng cảnh báo các cuộc không kích có thể không đủ đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tại Iraq.

Vậy vì sao Mỹ và liên quân của họ vẫn miệt mài đổ tiền để không kích IS cho dù biết đó là vô nghĩa? Bởi mấu chốt của vấn đề là bộ binh tham chiến ở Iraq và Syria chưa được giải quyết.

tieu-diet-is2

Lính Canada bên cạnh chiếc CF-18 chuẩn bị thực hiện sứ mệnh không kích các mục tiêu IS

Quân đội Iraq vẫn tỏ ra yếu đuối và thiếu dũng khí trước IS dù được đào tạo và trang bị đầy đủ. Còn lực lượng người Kurd thì ngược lại, tràn đầy nhuệ khí nhưng quá mỏng và không được trang bị đầy đủ. Đồng thời, người Kurd chưa thực sự tin tưởng Mỹ, và bản thân Mỹ cũng chưa hoàn toàn an tâm về quân cờ mới này.

Mâu thuẫn cho liên quân, họ không muốn đổ bộ binh vào tham chiến, nhưng phi bộ binh bất thắng IS. Không kích chỉ là một biện pháp tình thế nhưng lại là giải pháp duy nhất lúc này cho các nỗ lực của liên quân do Mỹ cầm đầu.

Mỹ đang dần đánh mất niềm tin

Minh chứng cho việc IS đang bành trướng sang mọi quốc gia, đặc biệt là các quốc gia thân cận với Mỹ: ngày 3/11/2014, Bộ An ninh nội địa Mỹ gia tăng một loạt các biện pháp đối với những cá nhân đến từ các nước châu Âu và châu Á vốn không cần thị thực để nhập cảnh vào Mỹ.

Washington cho rằng những biện pháp này giúp họ nhận diện những mối đe dọa khủng bố hoặc tình nghi khủng bố. Sở dĩ Washington phải đề phòng như vậy, bởi bản thân trong 15.000 binh sỹ nước ngoài đến gia nhập IS để tham chiến kể sơ qua cũng có vài nghìn chiến binh là người phương Tây.

Không riêng gì Mỹ, Australia cũng tăng cường các biện pháp kiểm tra an ninh với những người xuất nhập cảnh vào nước mình, kể cả với công dân của họ. Canada, Anh, Pháp, Đức... cũng chung cảnh ngộ.

Thật trớ trêu, Mỹ và liên quân càng gia tăng các hoạt động quân sự nhằm vào mục tiêu IS thì vấn đề an ninh trên chính đất nước của họ càng bị đe dọa. Sự nguy hiểm mà IS mang lại đã buộc liên quân này phải ngồi lại với nhau để bàn về cách làm thế nào để triển khai cuộc chiến này một cách hiệu quả.

tieu-diet-is3

Hình ảnh không kích ấn tượng của Mỹ mà báo giới phương Tây đăng tải

Trong cuộc họp khẩn ngày 3/11 này, 5 hành động mà liên quân sẽ phải nỗ lực thực hiện đó là: tiếp tục triển khai các chiến dịch không kích, ngăn chiến binh nước ngoài tới tham chiến cho IS, chặn nguồn cung tài chính của IS, đối phó với hoạt động tuyên truyền và giải quyết nhu cầu nhân đạo.

Khác với cuộc họp từ đầu tháng 9, khi Mỹ mới phát đi lời tuyên chiến, họ và các đồng minh say sưa nói về không kích thế nào, không kích ra sao, không kích bao lâu thì tiêu diệt được IS. Còn hiện tại, gần 2 tháng tuyên chiến, đã có nhiều mối lo hơn, và đáng ngại nhất, họ đã phải bàn về cách thức để chống IS ngay trên lãnh thổ của mình.

Mỹ đang rơi vào cảnh trên đe dưới búa, IS ở Trung Đông khó diệt, nguy cơ khủng bố trong nước còn đáng ngại hơn. Và nỗi khổ tâm của Mỹ cũng đã lan ra toàn thể các đồng minh.

Với những đồng minh của Mỹ, họ đã phải tự đặt ra cho mình câu hỏi, tham chiến có thực sự tốt, ủng hộ Mỹ sẽ có lợi gì hay trước mắt toàn thấy tai họa. Minh chứng cho việc Mỹ dần mất lòng tin trong cục diện cuộc chiến IS này, các đồng minh Arab của họ đã chính thức thành lập liên minh riêng.

Liên minh này gồm Ai Cập, Saudi Arabia, Kuwait, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất. Họ đang bàn về việc xây dựng một lực lượng hỗn hợp để can thiệp vào Trung Đông. Họ nhấn mạnh lực lượng này sẽ hoàn toàn tách biệt với các chiến dịch không kích do Mỹ đứng đầu.

Vai trò thủ lĩnh đảm bảo cho Mỹ lợi ích cao nhất, phần chiến lợi phẩm lớn nhất. Nhưng Mỹ đang dần mất đi vai trò này. Hành động của các nước Arab cho thấy Trung Đông ngày càng hỗn loạn, không theo một trật tự nào.

Một khi liên minh này tham chiến, Iran có để yên nhìn Iraq, Syria bị xâm lược bởi những người láng giềng Arab? Nguy cơ của chiến tranh khu vực đang hiện hữu rất gần ở Trung Đông.

Baodatviet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: tieu diet is , is , nha nuoc hoi giao tu xung , my chong lai is , my , tin , bao