Cuộc sống khủng khiếp của các con tin bị IS giam cầm
Thứ năm, 30/10/2014 22:36

Rất ít người biết về cuộc sống đau đớn và cùng khổ của các con tin phương Tây trước khi bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo hành quyết.

Cha mẹ của con tin Mỹ Peter Kassig cầu nguyện cho con trong một thánh đường Hồi giáo ở Indiana

Cha mẹ của con tin Mỹ Peter Kassig cầu nguyện cho con trong một thánh đường Hồi giáo ở Indiana

Báo New York Times mới đây đăng bài viết mô tả lại những ngày tháng đầy đau khổ mà nhà báo Foley và các nạn nhân phương Tây phải trải qua trước khi bị cắt đầu. 

New York Times thu thập thông tin từ những người từng bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt cóc ở Syria, người dân địa phương chứng kiến tận mắt cảnh con tin bị hành hạ, và một cựu thành viên IS đóng ở địa điểm giam giữ nhà báo Foley.

Nhà báo Foley bị bắt ở Binesh, Syria ngày 22/11/2012.

Trong vòng 14 tháng sau đó, ít nhất 23 người nước ngoài, phần lớn là nhà báo tự do và nhà hoạt động nhân đạo, rơi vào cái bẫy tương tự như Foley.

Mới nhất là năm nhân viên của tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), bị bắt hồi tháng 1/2014.

Màn hỏi cung

Ngay sau khi bắt con tin, phiến quân IS thu giữ máy tính, điện thoại và máy ảnh của họ. Chúng bắt các con tin phải cung cấp mật mã tài khoản mạng xã hội, rồi lần trên Facebook, Skype, thư điện tử để xác minh xem họ có phải là gián điệp của phương Tây hay không.

“Chúng đưa tôi vào một căn nhà được xây để hỏi cung tù binh - phóng viên ảnh Marcin Suder người Ba Lan, bị bắt hồi tháng 7/2013 ở Syria và trốn thoát bốn tháng sau đó, kể - Chúng kiểm tra máy ảnh và máy tính bảng của tôi rồi lột trần tôi hoàn toàn”.

“Chúng kiểm tra xem có chíp định vị nào gắn dưới da hay trong quần áo tôi không. Chúng tra trên Google cụm từ Marcin Suder và CIA. Rồi chúng cáo buộc tôi là gián điệp và bắt đầu đánh đập tôi tàn bạo” - anh Suder kể lại.

Bằng cách này phiến quân IS đã phát hiện các hình ảnh nhà báo Foley chụp binh sĩ Mỹ ở Afghanistan và Iraq khi tác nghiệp tại đây.

Con tin Anh David Haines buộc phải thừa nhận quá khứ binh nghiệp bởi thông tin của ông đăng trên mạng LinkedIn và con tin Mỹ Peter Kassig bị phát hiện từng gia nhập quân ngũ.

Đòn trừng phạt mà các con tin phải hứng chịu vì việc từng phục vụ quân đội phương Tây là các cuộc tra trấn.

Con tin Bỉ Jejoen Bontinck, 19 tuổi, từng bị giam cùng nhà báo Foley hồi mùa hè 2013, cho biết có thể thấy rõ các vết sẹo trên cơ thể Foley vì anh thường xuyên bị tra tấn.

“Chúng xích chân anh ấy vào một thanh sắt rồi kéo thanh sắt lên cao. Người anh ấy bị treo ngược” - Bontinck kể.  

Bontinck được trả tự do hồi năm ngoái. Anh cho biết nhà báo Foley và John Cantlie ban đầu bị nhóm khủng bố Nusra Front giam giữ, sau đó rơi vào tay IS.

Bontinck gặp Foley trong một nhà tù ở dưới hầm Bệnh viện Nhi đồng tại Aleppo. Khi đó cả Foley và Cantlie đều rất gày gò và tiều tụy sau nhiều ngày bị giam cầm.

Tra tấn tàn bạo

Bontinck kể nhà báo Foley đã cải sang đạo Hồi sau khi bị bắt giữ và lấy tên là Abu Hamza. Các con tin khác cũng xác nhận thông tin này.

Phần lớn các con tin cũng hành động tương tự trong cảnh cùng khổ, trong đó có nhà hoạt động nhân đạo Mỹ Kassig, do bị cưỡng ép hoặc hi vọng được phiến quân IS đối xử tử tế hơn.

Có lẽ nhờ vậy mà những màn tra tấn đối với Foley và Cantlie bớt dần. Sau đó họ được di chuyển tự do trong phòng giam.

Tuy nhiên cuối năm 2013, phiến quân IS bắt đầu bắt cóc con tin ồ ạt.

Đến tháng 1/2014, ít nhất 19 người chen chúc trong phòng giam 20m2. Tất cả đều bị trói tay vào nhau. Sự tự do của Foley và Cantlie chấm dứt.

IS cũng thay thế các cai ngục cũ bằng một nhóm nói tiếng Anh giọng London, được mệnh danh là “nhóm Beatles”. Những kẻ này đề ra các quy định an ninh cực kỳ ngặt nghèo.

Các con tin thường xuyên bị bỏ đói. Mỗi ngày họ chỉ được cấp một thìa thức ăn. Cũng từ thời điểm này, IS bắt đầu liên lạc với gia đình các con tin để đòi tiền chuộc.

Tuy nhiên các tù binh nhanh chóng nhận ra rằng phiến quân IS đã xác định rõ chính phủ quốc gia nào sẽ chấp nhận trả tiền chuộc con tin. Màn đàm phán chuộc các con tin Tây Ban Nha diễn ra đầu tiên, sau đó đến các con tin Pháp. Các con tin châu Âu được yêu cầu quay video để gửi về nhà.

Cũng từ thời điểm này, phiến quân IS liên tục thực hiện các cuộc tra tấn con tin để quay video gây sức ép đòi tiền chuộc. Họ liên tục bị trấn nước. Nhóm ba con tin Mỹ và ba con tin Anh bị tra tấn tàn bạo và thường xuyên nhất.

“Dường như trong máu của IS có sẵn sự căm thù Mỹ và Anh. Nhưng chúng cũng nhận ra rằng chính phủ Mỹ và Anh không chịu chi tiền để chuộc người” -  một cựu tù binh kể.

Trong số đó, nhà báo Foley liên tục bị đánh đập, trấn nước, bị dọa giết. Nhiều lúc anh bị trấn nước đến ngất xỉu. Có hôm anh được đưa trở lại phòng giam trong tình trạng tả tơi, cơ thể đầy máu.

Bóng tối triền miên

Tình trạng trong nhà tù ngày càng tồi tệ. Thức ăn càng ngày càng ít dần. Các tù  nhân phải sống trong cảnh tăm tối hoàn toàn nhiều tuần lễ. Thời tiết rất lạnh lẽo nhưng họ không có chăn để đắp.

Trong sự cùng quẫn và tuyệt vọng, nhiều người đã cãi cọ, thậm chí đánh lộn.

Mùa xuân 2014, các con tin bị chuyển từ Aleppo tới thành phố Raqqa, đại bản doanh của IS.

Đến tháng 4, gần một nửa số con tin được trả tự do vì chính phủ các nước chịu chi tiền chuộc. Một con tin Nga có tên Sergey bị hành quyết bên ngoài nhà tù. Các tay súng IS quay phim cảnh hành quyết và chiếu cho các tù nhân xem. “Điều này sẽ xảy ra với chúng mày nếu chính phủ chúng mày không chịu trả tiền” - một gã phiến quân đe dọa.

Đến tháng 6/2014, trong nhà tù ở Raqqa chỉ còn lại bảy con tin, bốn người Mỹ, ba người Anh.

Ước tính IS đã thu được hơn 2 triệu euro mỗi người từ việc trả tự do cho 15 con tin phương Tây từ tháng 3 đến tháng 6.

Nhà báo Đan Mạch Daniel Rye Ottosen, đã mang về được bức thư của con tin Mỹ Kassig gửi gia đình. “Con sợ đến chết. Điều khó khăn nhất là không biết số phận mình sẽ thế nào, không biết có nên hi vọng sống sót hay không” - Kassig viết trong bức thư gửi cha mẹ. Dường như nhà báo Foley hiểu rằng mình sẽ chết. Trong bức thư gửi gia đình anh dặn dò người nhà phân chia số tiền anh có trong tài khoản.

Tháng 8, Foley bị cắt đầu.

Hai tuần sau, video quay cảnh nhà báo Steven Sotloff bị giết được tung lên mạng.

Đến tháng chín, con tin Anh Haines bị xử tử.

Tháng 10, đến lượt con tin Anh Alan Henning bị sát hại.

Và hiện IS đang đe dọa giết Kassig dù anh cũng đã cải sang đạo Hồi.

Tuoitre.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: is , con tin is , nha nuoc hoi giao tu xung , con tin bi is hanh quyet , cuoc song con tin is , tin , bao