Lý do tôi không bao giờ thân thiết với đồng nghiệp chốn công sở
Chủ nhật, 17/04/2016 11:30

Nếu không thể làm chủ được vấn đề, tốt nhất là không có bạn bè gì hết, cứ đúng quy định, giờ giấc mà làm. Cứ đúng nội dung công việc mà trao đổi thôi. Chấm hết.

Tôi biết, suy nghĩ này của tôi dễ bị nhiều người đánh giá là cực đoan, ghê gớm. Nhưng từ chính bản thân tôi, tôi rút ra bài học rằng công sở không thể là nơi có một người bạn thân. Và cũng không nên chủ động làm thân ở nơi công sở. Mọi thứ nên duy trì ở sự khách khí, xã giao vừa đủ thôi. Thân thiết để làm gì, khi mà người ta luôn phải cạnh tranh, luôn phải “lấn chiếm” lợi ích của nhau, phải “dẫmlên nhau” để sống.

Dù cho hiểu theo ý nghĩa tích cực nhất, nhẹ nhõm nhất của vấn đề đi chăng nữa, thì công sở cũng là nơi người ta buộc phải thể hiện bản thân để vượt qua người khác, nếu không muốn bị người khác vượt qua mình. Không ai muốn bị trở thành một chân tép riu, hưởng đồng lương ba cọc ba đồng rồi chuyện đi photo tài liệu hoặc làm những việc tương tự như một chân sai vặt. Như vậy mọi sự thân thiết, nể nang đều chỉ là những chướng ngại vật, làm người ta mệt mỏi và khó nghĩ, để cân nhắc giữa tình và lý mà thôi.

Ở công sở, tôi bị đánh giá là một kẻ khó gần. Không ai được dùng của tôi từ cái bút bi trở đi nếu họ chưa được tôi gật đầu đồng ý. Không ai “vay” được của tôi gói cafevì tôi luôn nói rõ là mình chỉ mua đủ dùng. Không ai có thể nhờ tôi những việc thuộc về phận sự riêng của họ, kể cả khi tôi đã làm xong việc của mình và ngồi lướt net. Tất nhiên, không có nghĩa là tôi sống không biết điều. Những việc như đóng góp, thăm hỏi, giúp đỡ khi cần thiết... tôi không bao giờ “câm điếc” cả. Nhưng tôi chọn cho mình một “hành lang” trống, để khi cần, tôi tự bước lên đó vững vàng mà không bị những tình cảm riêng tư, những phiền hà ràng buộc.

Khi cảm thấy chất lượng công việc của người khác có vấn đề, tôi thẳng thừng ý kiến. Khi cảm thấy mình đang bị đánh giá sai, tôi mạnh dạn đề nghị họ xem xét lại. Khi cảm thấy những người hợp tác với mình không tích cực, tôi mạnh dạn trình bày suy nghĩ của mình. Tôi nghĩ là không sao, mất lòng trước được lòng sau. Bù lại cho sự “khó nghe” khi phê phán, tôi cũng rất công bằng trong đánh giá. Ai giúp tôi việc gì tôi cảm ơn hết sức. Thậm chí từ chối nhận tiền thưởng và nói trước cả công ty rằng phần a,b,c được đánh giá cao là công sức của nhân sự X,Y đã giúp mình. Vì thế, mọi người thay vì ghét bỏ tôi, đều tiếp nhận mọi ý kiến của tôi đơn giản. Vì họ tin tưởng là tôi công bằng. Cho dù, cũng không ai thân thiết với tôi như chị em, không ai giúp tôi những điều lặt vặt, thì đó cũng không phải là điều tôi muốn.

Tôi đã chứng kiến nhiều chuyện “dở hơi” từ cái gọi là tình nghĩa “chị em” công sở. Thực lòng, chỉ những người yếu đuối, kém cỏi mới cần phải có người “tụ tập” với mình. Nói ngay như chị H cùng phòng tôi, chơi thân với chị V phòng khác. Chuyện gì hai người ấy cũng đều nói với nhau, “đổ lên đầu” nhau đủ thứ tâm tư và cảm xúc của mình. Cho đến hàng năm trời, như một vòng quay, sự hấp dẫn ban đầu bỗng đến một lúc trở thành thứ nặng nề, chán nản thì thay vì người ta bên vực nhau, người ta bỗng chốc đem chuyện của người kia ra kể lể với một người thứ ba. Điều ấy thật ra là cái quy luật rồi. Đến nam -nữ yêu nhau da diết cồn cào còn có lắm khi bực mình vì nhau, lắm khi đem người kia ra chỉ trích. Nữa là hai người cùng giới - cảm xúc giống nhau, quan điểm giống nhau, dễ vui buồn giống nhau thì qua đi khoảng thời gian hấp dẫn, thế nào chả đến lúc chán phè. Chưa kể, chuyện tình cảm chị em công sở còn bị chi phối bởi lợi ích.

Có những điều lẽ ra không nói, nhưng chỉ vì tí cảm tình của sếp, người ta đem nhau ra làm trò cười ngay. Có những chuyện đã sống chết thề thốt chỉ hai người được biết với nhau nhưng chỉ vì cất nhắc chức trưởng phòng, người ta sẵn sàng “bán” chị em của mình. Mà bán chẳng rẻ đâu, giá cao, hời lắm đấy! Chuyện chồng chị T có bồ, do chị D nói ra, nghe được từ chị H là bạn thân thiết khủng khiếp của chị T, ở công ty tôi vẫn còn đang là chủ đề bàn tán xôn xao kia kìa. Rồi chuyện cô Y “trót dại” với trưởng phòng nhân sự hòng tranh chức phó phòng với cô N, cũng do chính cô L là bạn của cô Y nói ra, vì ghen tị chứ còn lí do gì nữa. Những thứ ấy, công ty nào cũng đều nhan nhản ấy mà.

Đừng nghĩ là người cực đoan như tôi thì không có bạn thân. Trái lại, đúng là ở công sở tôi tránh thật, chứ cuộc sống, tôi có những người bạn sẵn sàng sống chết vì tôi. Họ có thể đứng tên giúp tôi khoản vay hàng trăm triệu. Có thể lấy bìa đỏ của gia đình họ giúp tôi khi nợ nần. Có thể đưa cho tôi cả tháng lương của họ mà không biết bao giờ tôi mới trả, nếu như nghe thấy tôi thông báo vừa viết đơn xin nghỉ việc xong. Có thể đội mưa đến nhà nấu cho tôi bát cháo. Có thể nhất nhất bênh vực tôi khi có người nào lên án, chỉ trích tôi. Họ làm thế bởi tôi gắn bó với họ đủ lâu để họ hiểu lòng tôi. Họ gắn bó với tôi bởi vì họ biết, cá tính con người tôi không dễ gắn bó, không dễ a dua theo những tình cảm bề ngoài. Biết thế nên tôi cảm thấy bạn bè mình cũng “đủ dùng”, và không có ý định “đánh lưới quăng chài” thêm bạn bè công sở làm gì.

Kết luận lại là cuộc sống có vui có buồn, nhưng tôi tha thiết mong tất cả những “cư dân” công sở hãy tỉnh táo và suy nghĩ trước sau khi quyết định gắn bó với ai đó ở nơi công sở của mình. Nếu không thể làm chủ được vấn đề, tốt nhất là không có bạn bè gì hết, cứ đúng quy định, giờ giấc mà làm. Cứ đúng nội dung công việc mà trao đổi thôi.

Emdep.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: Đồng nghiệp , đồng nghiệp chốn công sở , lý do không thân thiết đồng nghiệp nơi công sở