Lùng sục mảnh vỡ tên lửa CHDCND Triều Tiên
Thứ hai, 16/04/2012 09:43

Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Mỹ đang chạy đua tìm kiếm các mảnh vỡ quả tên lửa “xì hơi” của CHDCND Triều Tiên. Bình Nhưỡng vẫn tưng bừng không khí lễ hội với những màn diễu binh, trình diễn vũ khí rầm rộ.

AFP dẫn nguồn tin chính quyền Hàn Quốc cho biết nhiều mảnh vỡ lớn từ quả tên lửa Bình Nhưỡng phóng lên ngày 13/4 có thể rơi xuống khu vực đặc quyền kinh tế của Seoul ở vùng biển phía tây nước này. Chiến dịch tìm kiếm đã bắt đầu ngay sau khi Bình Nhưỡng lần đầu tiên thừa nhận vụ phóng tên lửa thất bại. Quả tên lửa rơi xuống Hoàng Hải chỉ sau hai phút phóng lên.

Một chiếc xe tăng diễu hành ở thủ đô Bình Nhưỡng ngày 15/4. (Ảnh: AFP)

Trước đó, Bình Nhưỡng đe dọa sẽ trả đũa không thương tiếc những ai có ý định tìm những mảnh vỡ tên lửa.

Huy động tàu chiến trục vớt

Hãng tin Yonhap dẫn lời ông Shin Won Shik, đại diện Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, cho biết quân đội Hàn Quốc đã tìm kiếm ngoài khơi cảng Pyeongtaek và Gunsan. Hải quân Hàn Quốc đã điều tổng cộng 10 chiếc tàu gồm tàu trang bị rađa siêu âm và đội ngũ thợ lặn, cùng với trực thăng để thu thập manh mối về nguyên nhân thất bại của vụ phóng và những công nghệ tên lửa của nước láng giềng.

“Chúng tôi tin rằng có nhiều mảnh lớn đang nằm dưới đáy biển” - một người phát ngôn quân đội tuyên bố. Khả năng thu hồi được các mảnh vỡ khá cao do biển tại khu vực này có độ sâu chỉ 70-100m. Hải quân Mỹ cũng điều các tàu quét thủy lôi và tàu khác đến tham gia cùng Hàn Quốc. Bộ Quốc phòng Nhật tuyên bố không tham gia tìm kiếm do không có mảnh nào rơi xuống vùng biển của nước này.

Tuy nhiên Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Shu Watanabe cảnh báo Bình Nhưỡng không nên ngăn cản việc tìm kiếm để tránh làm gia tăng căng thẳng quân sự. Trước đây, Mỹ và các nước hầu như không có thông tin gì về khả năng phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Seoul cũng cho biết tàu chiến của Trung Quốc và Nga đã tung ra các chiến dịch tìm kiếm riêng tại khu vực này.

Đài KCNA đưa tin các nhà khoa học CHDCND Triều Tiên đang nghiên cứu nguyên nhân quả tên lửa tầm xa Unha-3 nổ tung chỉ sau hai phút bay trên bầu trời. Tuy nhiên, dường như thất bại bị giới phân tích quốc tế mô tả là “đáng xấu hổ” này không ảnh hưởng lớn đến bầu không khí lễ hội tưng bừng ở Bình Nhưỡng, cũng như vị thế tối cao của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Phô diễn vũ khí

Tại Bình Nhưỡng, lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành tiếp tục diễn ra rầm rộ trong ngày 15/4 với điểm nhấn chính là một lễ diễu binh hoành tráng. Lần đầu tiên nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un đã có bài phát biểu trên truyền hình. AFP mô tả ông Kim Jong Un xuất hiện tự tin trong trang phục đen và đọc bài phát biểu kéo dài 20 phút.

Ông Kim Jong Un cười và nói chuyện thoải mái với các lãnh đạo lớn tuổi, vẫy chào đoàn diễu hành từ khán đài. “Chúng ta phải củng cố quân đội bằng mọi cách có thể” - ông Kim Jong Un phát biểu và kêu gọi đất nước tiến tới “thắng lợi cuối cùng”. Ông khẳng định hòa bình có ý nghĩa quan trọng khi CHDCND Triều Tiên đang cố gắng cải thiện điều kiện sống của người dân, nhưng “phẩm giá của quốc gia và chủ quyền đất nước còn quý giá hơn”.

Hàng ngàn binh lính thuộc nhiều đơn vị trong đội quân 1,2 triệu người của CHDCND Triều Tiên bước đều tăm tắp và hô to “vững bền và thịnh vượng” khi đi qua khán đài. Xe tăng, xe chống đạn, xe tải chở theo các giàn phóng rocket, pháo và các loại tên lửa tầm trung, tầm ngắn lần lượt diễu qua. Trên bầu trời, năm chiếc máy bay cũng tham gia diễu binh. Một số chuyên gia Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng đã “khoe” một số loại tên lửa mới. Một tên lửa lạ xuất hiện trong lễ diễu binh được cho là loại tên lửa đạn đạo mà Bình Nhưỡng đang phát triển, có tầm bắn ước tính lên đến 6.000km.

Theo giới phân tích, bài phát biểu của ông Kim Jong Un không chỉ đơn giản ôn lại những ngày tháng tươi đẹp dưới thời cố lãnh đạo Kim Nhật Thành. “Nó cho thấy một phong cách cầm quyền mới của thời Kim Jong Un” - AFP dẫn lời chuyên gia Koh Yu Hwan thuộc Đại học Dongguk. Trái với sự im lặng của người cha, việc thừa nhận phóng tên lửa thất bại và phát biểu công khai sau đó cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong Un muốn làm khác cha mình.

Khi sinh thời, ông Kim Jong Il hiếm khi phát biểu trên truyền hình. “Ông Kim Jong Un có lẽ muốn theo đuổi phong cách lãnh đạo mới, chú trọng vào việc trao đổi trực tiếp với người dân” - chuyên gia Cheong Seong Chang thuộc Viện Sejong của Hàn Quốc nhận định.

Tuổi Trẻ
Tag: Triều Tiên , Bình Nhưỡng , Vụ phóng tên lửa Triều Tiên , Mảnh vỡ tên lửa Triều Tiên