Sau khi CHDCND Triều Tiên phát tin xác nhận thất bại trong vụ phóng tên lửa, các hãng thông tấn thế giới đưa ra nhiều phân tích tiềm lực quân sự hay nguyên nhân vụ phóng chưa thành công.
|
Có rất nhiều lý do giải thích cho sự thất bại của vụ phóng như sai sót kỹ thuật, áp lực thời gian và lệnh cấm vận.
Tên lửa Unha-2 sắp rời bệ phóng trong vụ phóng tháng 4/2009 (Ảnh: AFP)
Hãng tin AFP dẫn một tuyên bố từ Bộ Tư lệnh phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) cho biết họ đã phát hiện và theo dõi một tên lửa Taepodong-2 bắn đi từ CHDCND Triều Tiên. “Những dấu hiệu ban đầu cho thấy phần rời thứ nhất của tên lửa đẩy rơi xuống biển cách Seoul, Hàn Quốc 165 km về phía tây. Những phần còn lại cũng bị rơi tản mát và không có mảnh vỡ nào rơi xuống đất liền”, tuyên bố nói.
Đài truyền hình Nhật Bản NHK cho rằng tên lửa chỉ đi được khoảng 120km. Từ Mỹ, Hãng tin ABC News nói NORAD xác định vụ nổ và đám cháy do tên lửa đẩy gây ra “lớn hơn so với sự kiến”. Sự cố xảy ra khoảng 81 giây sau khi tên lửa rời bệ phóng.
Trưa nay, CHDCND Triều Tiên cũng chính thức thông báo đã phóng một vệ tinh quan sát Trái Đất, song vệ tinh không vào được quỹ đạo
Nguyên nhân kỹ thuật
Mặc dù vụ phóng thất bại, Mỹ vẫn lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc công nghệ tên lửa ngày càng phức tạp của CHDCND Triều Tiên. “Chúng ta đã chứng kiến trong một thời gian dài Bắc Triều Tiên theo đuổi công nghệ tên lửa đạn đạo phức tạp”, đô đốc Samuel Locklear, người đứng đầu Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đóng ở Hawaii, nói tại Tokyo, Nhật Bản.
Ngày 27/3 Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin Bình Nhưỡng khẳng định “sẽ không bao giờ từ bỏ quyền phóng một vệ tinh hòa bình, một quyền hợp pháp của một nhà nước có chủ quyền và là một bước thiết yếu cho sự phát triển kinh tế”.
“Tôi cho rằng nếu họ có thể đạt được các năng lực tên lửa trong dài hạn mà họ đang theo đuổi…, họ sẽ nâng được tầm phóng tên lửa và có thể phổ biến nó. Đây sẽ là mối quan ngại với liên minh cộng đồng quốc tế, khu vực và Mỹ”, ông Samuel Locklear nói.
Nhà khoa học công nghệ vũ trụ người Pháp Christian Lardier, đang có mặt tại Bình Nhưỡng để theo dõi vụ phóng, cho rằng những tên lửa nhiều tầng này không đưa được vệ tinh lên quỹ đạo là do phần chính phóng tên lửa và hệ thống dẫn đường. “Vụ phóng hôm nay có lẽ gặp trục trặc ngay từ giai đoạn một. Có thể có hai lý do, phần phóng hoặc hệ thống dẫn đường”, Lardier nói. “Nếu phần phóng hỏng hóc, tên lửa sẽ nổ tung. Nếu hệ thống dẫn đường hỏng, đường đi dự kiến bị lệch và cơ chế tự hủy sẽ được kích hoạt”.
Công nghệ tên lửa của CHDCND Triều Tiên có nguồn gốc là những tên lửa Scud từ thời Liên Xô. Các nhà khoa học nước này bắt đầu xây dựng các tên lửa Scud của chính họ, được đặt tên là Hwasong-5 và Hwasong-6. Bước tiếp theo là tên lửa Taepodong-1 hai tầng có chiều dài 25m, bao gồm tầng một là tên lửa Nodong và tầng hai là Hwasong-6.
Hình ảnh này do Bộ Tư lệnh phòng thủ không gian Bắc Mỹ cung cấp cho thấy đường đi và các khoảng thời gian biểu kiến của tên lửa Unha-3. Phần rời thứ nhất rơi ngay chấm màu đỏ có dòng chữ Norad Info (Ảnh: Los Angeles Times)
Sức ép thời gian?
Taepodong-1 từng được phóng đi một lần hồi tháng 8/1998, được lắp thêm một tầng và cũng mang vệ tinh. Phương Tây cho rằng vụ phóng này thất bại, nhưng CHDCND Triều Tiên tuyên bố đã đưa được vệ tinh vào quỹ đạo Trái đất.
Các nhà phân tích cho rằng tên lửa hai tầng Taepodong-1 có khả năng mang theo 1 tấn vật liệu đi xa khoảng 2.500 km. “Một số nhà phân tích cho rằng với việc giảm bớt khối lượng tên lửa mang theo, Tapeodong-1 có thể mang một đầu đạn 200 kg tới lãnh thổ Mỹ và 100 kg tới tận thủ đô Washington, dù độ chính xác là thấp”, chuyên gia về tên lửa người Mỹ Steven Hildreth viết trong một báo cáo cho quốc hội nước này năm 2009.
Taepodong-2 là bước tiếp theo của Taepodong-1 và cũng chỉ mới được phóng một lần vào tháng 7/2006, không thật sự thành công và phát nổ chỉ 40 giây sau khi rời bệ phóng. Các chuyên gia ít chắc chắn hơn về tầm bắn của tên lửa này. Hầu hết ước tính tầm bắn của Taepodong-2 từ 5.000 tới 9.000 km.
Tháng 4/2009, Bình Nhưỡng lại phóng tiếp tên lửa Unha-2, sử dụng tên lửa đẩy Musudan, có chiều cao 30m và cân nặng từ 80 - 85 tấn, theo hai nhà vật lý học David Wright và Theodore Postol, những người đã xuất bản một phân tích về tên lửa này trên tạp chí chuyên ngành Bulletin of the Atomic Scientists vài tháng sau vụ phóng.
Phần đẩy thứ nhất có lẽ sử dụng tên lửa Nodong, phần thứ hai giống với tên lửa đạn đạo phóng từ biển kiểu cũ của Nga, R-27, theo Wright và Postol, trong khi phần thứ ba giống với phần trên của tên lửa Iran, Safir -2. Tên lửa Unha-3 lần này, theo các nhà khoa học, khá giống với Unha-2 trước đó.
“Vụ phóng lần này quan trọng vì nó cho thấy CHDCND Triều Tiên đã tiến xa đến đâu trong công nghệ hạt nhân - Wright nói - Lần này tên lửa không đi xa được như lần trước”.
Ngoài các lý do kỹ thuật, chuyên gia James Oberg phân tích trên Hãng tin Mỹ MSNBC rằng sức ép về thời gian phóng vào lễ kỷ niệm đã khiến vụ phóng lần này được tiến hành một cách vội vàng. Ngoài ra, cũng theo Obert, lệnh cấm vận đã ngăn cản CHDCND Triều Tiên tiếp cận với các công nghệ tên lửa thật sự hiện đại.
- Là báu vật có '1-0-2' trên đời, gỗ Kim Tơ Nam Mộc được bán với giá gần 9.000 tỷ đồng, không một ai dám trồng
- 4 bí ẩn về ngày Giáng sinh ít ai biết: Hé lộ thân thế ông già Noel, sự thật về đàn tuần lộc khiến ai cũng rợn người
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Sinh vật bí ẩn ám ảnh cả nước Mỹ suốt nửa thế kỷ, ngoại hình kinh dị nhìn qua cũng thấy rùng mình
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?