Làm gì để có một trái tim khỏe mạnh?
Thứ sáu, 11/04/2014 04:55

Chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với việc luyện tập thể thao điều độ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tim.

Tập thể dục thường xuyên và điều độ giúp ngăn ngừa bệnh tim

Tập thể dục thường xuyên và điều độ giúp ngăn ngừa bệnh tim

Theo trang Woman’s Day, một số yếu tố sau góp phần làm tăng nguy cơ bệnh tim như: cholesterol LDL, triglyceride và homocysteine. Tiến sĩ Richard M. Fleming, chuyên gia tim mạch ở Mỹ tin rằng việc kết hợp một chế độ ăn uống lành mạnh cộng với tập thể dục và các liệu pháp bổ sung sẽ giúp hạn chế bị bệnh tim.

Cholesterol LDL. Hay còn gọi là cholesterol “xấu” gây ra bệnh tim; trong khi đó cholesterol HDL lại bảo vệ chúng ta tránh được bệnh tim. Cholesterol LDL thường kích hoạt các phản ứng miễn dịch có thể dẫn đến cơn đau tim hoặc đột quỵ, vì vậy rất cần thiết để giữ LDL ở mức bình thường. Mức cholesterol lý tưởng là 150 mg/dL.

Phương pháp để giữ LDL trong giới hạn cho phép là cắt giảm chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống (hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, các sản phẩm sữa, trứng). Thói quen hút thuốc lá cũng khiến mức LDL tăng cao và tạo ra những mảng bám gây trở ngại cho các động mạch.

Triglycerides. Là những chất béo có trong máu. Nếu tiêu thụ quá mức chất béo bão hòa (thực phẩm chế biến sẵn và đường) sẽ khiến nồng độ triglycerides tăng đột biến. Theo nhiều cuộc khảo sát, những người thừa cân thường có nồng độ chất béo trung tính cao và có nguy cơ cao của bệnh tiểu đường loại 2 cũng như dễ bị bệnh tim tấn công.

Thực phẩm giúp hạ thấp LDL và triglycerides gồm các loại nhiều chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt (gạo nâu,  yến mạch, lúa mạch, bánh mì, bột thô); thức ăn chứa nhiều chất chống oxy hóa.

Homocysteine. Đây là một loại acid amin, nếu có hàm lượng cao trong máu sẽ gây tổn hại đến tim. Các sản phẩm từ động vật như thịt đỏ chứa nồng độ homocysteine khá cao, gây tác động đến phản ứng viêm có thể dẫn đến hiện tượng đông máu và nhồi máu cơ tim. Bổ sung vitamin B6, B12 và acid folic có thể làm giảm nồng độ homocysteine trong máu.

Chất chống oxy hóa. Quá trình phân hủy các tế bào do hiện tượng oxy hóa làm phát sinh ra các gốc tự do gây ảnh hưởng đến tình trạng viêm cùng nhiều bệnh tật khác. Chất chống oxy hóa đóng vai trò tích cực chống lại quá trình này cũng như làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Tập thể dục. Tập thể dục vừa phải có tác dụng giảm bớt các chất tiền viêm trong cơ thể, giảm cân, tăng cường hệ thống miễn dịch, thúc đẩy sự lưu thông máu, giúp trái tim khỏe mạnh. Hãy đảm bảo việc luyện tập diễn ra đều đặn mỗi ngày để đem lại sức khỏe toàn diện cho cơ thể. 

Fibrinogen. Fibrinogen là một loại protein trong máu giúp máu mau đông. Tuy nhiên, fibrinogen quá nhiều có thể gây ra một cục máu đông hình thành trong động mạch, dẫn đến một cơn đau tim hoặc đột quỵ. Không hoạt động, hút thuốc, uống rượu nhiều có thể làm tăng mức fibrinogen.

Các yếu tố tăng trưởng. Các loại thực phẩm như thịt đỏ, các sản phẩm từ sữa, thịt gia cầm và trứng làm tăng nồng độ các yếu tố tăng trưởng. Đây là những chất thúc đẩy sự tăng trưởng tế bào, có thể gây viêm nếu hàm lượng trong máu cao. Chế độ ăn uống dựa trên các loại thực phẩm từ thực vật sẽ có tác dụng làm giảm các yếu tố tăng trưởng.

Thanhnien.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: Tập thể dục , trai tim khoe , benh tim , che do an uong lanh manh , tin , bao