Món cháo tốt cho sức khỏe trong mùa nắng nóng
Chủ nhật, 30/03/2014 04:39

Món cháo long nhãn - táo đỏ có tác dụng bổ dưỡng đối với người già suy nhược và phụ nữ suy nhược sau khi sinh.

Cháo đậu xanh - bách hợp có tác dụng giải nắng nóng, bổ phổi, an thần

Cháo đậu xanh - bách hợp có tác dụng giải nắng nóng, bổ phổi, an thần

Nắng nóng còn tiếp tục kéo dài trong những tháng hè, cái oi bức làm ta khó chịu, mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ… Bài viết này giới thiệu những món cháo vừa “dễ xơi” vừa “bù nước”, có tác dụng bảo vệ sức khỏe.

Cháo đậu xanh - bách hợp

Vật liệu: Đậu xanh 30 g, bách hợp 10 g, gạo tẻ 100 g.

Chế biến: Đậu xanh, bách hợp, gạo tẻ cùng vo sạch; thêm nước ninh cháo, để nguội tự nhiên. Khi dùng có thể nêm đường phèn vừa đủ.

Tác dụng: Cháo đậu xanh - bách hợp thanh mát, giải nắng nóng, bổ phổi, an thần, lại thơm ngon khoái khẩu, là món ăn mát ngày hè.

Lưu ý: Người bệnh tiểu đường ăn cháo này không nêm đường.

Cháo ý dĩ - táo đỏ

Vật liệu: Ý dĩ (bo bo) 30 g, táo đỏ 20 quả, gạo tẻ 100 g.

Chế biến: Gạo, bo bo cùng vo sạch; thêm nước ninh đến gần chín, thêm táo đỏ, ninh tiếp đến khi nhừ và táo mềm.

Tác dụng: Do nắng nóng gây chán ăn, dễ rối loạn tiêu hóa, dẫn đến suy nhược cơ thể, món cháo này giúp điều chỉnh chức năng tiêu hóa, bổ máu, tăng cường sức khỏe.

Cháo hạnh nhân - hạt sen

Vật liệu: Hạnh nhân 10 g, hạt sen 10 g, gạo tẻ 100 g.

Chế biến: Hạnh nhân rang chín, cắt bỏ phần đầu nhọn; hạt sen và gạo cùng vo sạch, thêm nước ninh cháo.

Tác dụng: Món cháo bổ phổi, trị ho, điều chỉnh chức năng tiêu hóa, bổ tim. Có ích đối với chứng biếng ăn ngày hè do rối loạn chức năng tiêu hóa.

Lưu ý: Hạnh nhân nhất định cần ninh nhừ vì còn sống dễ gây ngộ độc.

Cháo bó xôi

Vật liệu: Bó xôi 100 g, gạo tẻ 100 g.

Chế biến: Gạo tẻ vo sạch, thêm nước ninh cháo; bó xôi rửa sạch, xắt thành đoạn, chờ cháo gần chín thêm bó xôi, khi nhừ nêm ít muối, bột nêm.

Tác dụng: Đầu hè dùng cháo bó xôi để khai vị, bổ phổi. Bên cạnh đó, bó xôi còn là nguồn cung cấp chất sắt và vitamin, có lợi cho sức khỏe.

Cháo rau cần

Vật liệu: Rau cần 100 g, gạo tẻ 100 g.

Chế biến: Gạo vo sạch, thêm nước ninh cháo; rau cần rửa sạch, xắt thành đoạn; chờ cháo gần chín thêm rau cần, ninh tiếp, múc ra nêm ít muối, bột nêm.

Tác dụng: Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp.

Cháo táo nhân - hạt sen

Vật liệu: Táo nhân 10 g, hạt sen 10 g, gạo tẻ 100 g.

Chế biến: Táo nhân đổ 0,5 lít nước, đun trong 20 phút với lửa nhỏ, bỏ bã, thêm hạt sen, gạo tẻ, thêm nước cùng với nước táo nhân ninh cháo.

Tác dụng: Táo nhân và hạt sen đều có tác dụng bổ tim, an thần, cộng thêm tác dụng của gạo tẻ, sẽ tăng công hiệu an thần và điều chỉnh chức năng tiêu hóa tốt hơn.

Cháo long nhãn - táo đỏ

Vật liệu: Long nhãn 10 g, táo đỏ 8 quả, gạo tẻ 50 g, câu kỷ tử 10 g.

Chế biến: Gạo tẻ thêm nước ninh cháo, khi gần chín, thêm long nhãn, táo đỏ.

Tác dụng: Món cháo này bổ dưỡng đối với người già suy nhược và phụ nữ sau khi sinh suy nhược. Người mắc bệnh lâu ngày dùng thường xuyên giúp phục hồi thể lực.

Cháo sơn tra - lá sen

Vật liệu: Sơn tra (táo mèo) 10 g, lá sen 10 g, gạo tẻ 50 g.

Chế biến: Lá sen đổ 250 ml nước ninh trước, sau 20 phút bỏ bã, giữ nước cốt. Cho sơn tra và gạo tẻ vào nước cốt (nếu nước cốt ít, có thể thêm nước vừa đủ), tất cả cùng ninh cháo.

Tác dụng: Đây là món cháo - bài thuốc thường dùng cho người bệnh cao mỡ máu, bệnh mạch vành. Sơn tra và lá sen hãm nước uống thường xuyên cũng có hiệu quả tương tự.

Lưu ý: Người bị béo phì đơn thuần có thể dùng món cháo này.

Cháo lô căn - đậu xanh

Vật liệu: Lô căn tươi 100 g, đậu xanh 30 g, gạo tẻ 60 g.

Chế biến: Lô căn sắc trước nửa giờ, bỏ bã lấy nước, thêm đậu xanh và gạo tẻ vào nước cốt, thêm nước vừa đủ ninh cháo.

Tác dụng: Món cháo dùng thích hợp trong những ngày hè, có tác dụng tạo thể dịch, giải khát.

Nld.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: Cháo đậu xanh , thức ăn cho mùa hè , mùa hè ăn cháo gì , cháo hạt sen