Khi thầy cô trở thành "đạo diễn"
Thứ sáu, 13/12/2013 16:22

Sau bài viết “Cô thi dạy giỏi, trò buồn”, cũng có ý kiến cảm thông với thân phận của giáo viên khi được/phải thi dạy giỏi.

Bài viết

Bài viết "Cô thi dạy giỏi, trò buồn" đang nhận được phản hồi nhiều chiều

“Gánh” giả dối trên vai, biết kêu ai?

Nghiền ngẫm tâm sự “Cô thi dạy giỏi, trò buồn”, tôi rất buồn vì nhận thấy rằng lòng trung thực dường như đang từng ngày, từng ngày một bị... biến tướng!

Như trường hợp của con tôi, trước hàng tuần cô giáo dạy toán đã dặn dò cả lớp là trong tiết dự giờ có nhiều thầy cô giáo có mặt theo dõi, lại có cả thầy hiệu phó nữa nên phải nghiêm túc, nề nếp. Cô còn “tập huấn” cho lớp đứng dậy chào, ngồi xuống như thế nào cho đồng đều? Rồi bài nào sẽ được đưa vào để giảng dạy trong tiết học quan trọng đó. Mỗi khi cô đặt câu hỏi dù khó dù dễ thì ba phần tư lớp phải giơ tay xin phát biểu để thể hiện chuyên môn của cô cao nên lớp tiếp thu bài nhanh, trong lớp có nhiều em khá giỏi...

Tất nhiên cô đã “chỉ điểm” trước em nào nói năng lưu loát, mạch lạc đứng lên trả lời. Câu trả lời như thế nào cũng đã được cô giáo “mớm lời” trước. Ngay cả việc một bạn có giọng hơi lắp bắp dù học giỏi môn toán cũng bị cô loại khỏi danh sách phát biểu để nhường đất cho bạn khác diễn! Con gái tôi vì viết chữ đẹp, rõ ràng nên cũng được nhập vai giải bài tập. Cả lớp được cô tập dượt và duyệt đi duyệt lại đến khi thuần thục, nhuần nhuyễn mới thôi.

Nghe con kể vanh vách về tiết dự giờ đã được chuẩn bị công phu như thế nào, thái độ của cô giáo nhẹ nhàng ra sao và lớp thì ngoan ngoãn đến không có một tiếng động nói chuyện mà tôi khá bất ngờ vì mức độ phản cảm.

Dự giờ là hình thức đánh giá chuyên môn của mỗi thầy, cô giáo khi đứng lớp. Ai cũng muốn đạt thành tích là giáo viên giỏi, sáng tạo trong giảng dạy, nhưng dùng những “mánh” thế này thì vô hình trung lại gây ra sự giả tạo trong tâm lý các em. Hệ lụy kéo theo đó là các em sẽ thiếu niềm tin vào trình độ cũng như nhân cách của người dạy mình.

Chính các em đang phải “gánh” trên vai sự giả dối mà chẳng biết kêu ai?

TRỌNG THỨC

Robot biết giơ tay phát biểu

Nhiều giáo viên khắp nơi trên cả nước từ lâu đã xem tiết dự giờ là nơi cho thầy cô làm đạo diễn, trò là diễn viên. Nếu giáo viên nào “đạo diễn” giỏi thì tiết dạy tốt, còn giáo viên nào trung thực dạy như thường ngày thì khi dự giờ xong rút kinh nghiệm sẽ bị đồng nghiệp “khui” ra rất nhiều khuyết điểm. Vì sĩ diện mà nhiều giáo viên cứ vô tư “diễn tập” để rồi học sinh trở thành những robot chỉ biết giơ tay phát biểu 100%.

Để đạt danh hiệu trường tiên tiến thì trường học phải có số lượng giáo viên giỏi đúng chỉ tiêu mà ngành giáo dục đề ra. Vậy giáo viên nào không đạt giỏi sẽ ảnh hưởng đến thành tích chung của trường. Dần dần theo năm tháng, nhiều giáo viên đã vô tình đánh mất danh dự của mình trước học sinh cũng vì thành tích mà họ đang cố đạt được. Những tiết thi giáo viên giỏi trở thành sân khấu mà giáo viên làm đạo diễn, còn học sinh là diễn viên. Rồi đây các em học sinh liệu có kính trọng các thầy cô đạt danh hiệu giáo viên giỏi theo kiểu thế này hay không?

NGUYỄN THANH DŨNG

Chỉ là những tiết dạy biểu diễn

Có một sự thật hiển nhiên là hầu hết phụ huynh trong khi có suy nghĩ quá bảo vệ con, họ bày tỏ ngay những bức xúc mà quên mất rằng những suy nghĩ ấy chưa được xét đoán theo khía cạnh hai chiều.

Những tiết học dành để thi giáo viên dạy giỏi chỉ là những tiết dạy biểu diễn. Trong vòng vỏn vẹn lượng thời gian ít ỏi, người giáo viên phải thể hiện đầy đủ các kỹ năng đứng lớp, nghiệp vụ sư phạm, sự đa dạng trong các hoạt động của tiết học, không khí lớp học, khả năng quản lý và nhiều thứ khác nữa. Các phương pháp nặng sách vở đó không thể áp dụng cho tất cả mọi trình độ học sinh trong lớp với một lượng thời gian hạn hẹp, số lượng học sinh đông đúc và chương trình quá tải như vậy.

Không giáo viên nào muốn thể hiện sự kỳ thị hay cố tình làm tổn thương tâm hồn trẻ thơ. Cô giáo ấy cũng là một phụ nữ như người mẹ của bé học trò vậy, và bản chất căn bản của người phụ nữ là mang trái tim của người mẹ. Khi đứng trên bục giảng, tiếp xúc với học trò cả năm trời lẽ nào những người thầy, người cô lại không yêu mến những đứa học trò bên dưới sao?

Đối với giáo viên thì đừng nhắc tới lương bổng, vì họ luôn phải làm thêm giờ cả cuộc đời sư phạm nhưng lại không được nhận thêm một đồng tăng ca nào cả, nên đối với nghề giáo thì trách nhiệm và sự yêu thương là tất cả những gì họ có. Sai lầm của cô giáo ấy chỉ là quá lo lắng đến bài giảng để thi mà quên mất có những đứa trẻ quá nhạy cảm và dễ bị tổn thương.

Cha mẹ vì những gánh nặng công việc và áp lực cuộc sống nên cũng có những lúc dạy con sai lầm, và thầy cô cũng chẳng ngoại lệ, có khác chăng chính là họ có tới mấy chục đứa con trong một lớp trong khi đó cha mẹ chỉ có vài ba đứa trong gia đình. Vì vậy, họ sẽ phải chịu nhiều sự chê trách hơn, phàn nàn nặng hơn và thậm chí là bị mạt sát.

Cô giáo đó khi đọc được bài báo này chắc có lẽ cũng đau lòng lắm mà chẳng thể mở một lời nào để biện hộ được cho chính mình. Các thầy cô giáo không mong phụ huynh có thể thông cảm hay thấu hiểu, họ chỉ mong rằng những người làm cha mẹ hãy hợp tác với họ một cách chân thành nhất để đứa trẻ đứng giữa được phát triển theo đúng khả năng.

NGUYỄN UYÊN

Tuoitre.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: Nhà giáo , Giáo viên dạy giỏi , Bất cập giáo dục , Chất lượng giáo dục