Từ năm 2014, kiểm định chất lượng giáo dục với chu kỳ 5 năm/lần đã trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các trường ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp.
Việc đánh giá ngoài công nhận chất lượng giúp sinh viên biết được thông tin của trường khi bước vào học |
Tuy nhiên, hiện cả nước mới có 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục độc lập, liệu sự “dè chừng” này của Bộ GD-ĐT có khiến gần 500 trường ĐH, CĐ, TCCN trong cả nước phải “mòn mỏi” chờ kiểm định?
Nguồn cung không đủ
Sau gần 3 tháng chính thức ra quyết định thành lập tổ chức kiểm định đầu tiên của Việt Nam là Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, cuối tháng 11-2013, Bộ GD-ĐT mới công nhận đơn vị thứ 2 được quyền đánh giá và công nhận các trường ĐH và các chương trình đào tạo ở trong nước trực thuộc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Với chức năng hoạt động của mình, hai trung tâm kiểm định tham gia kiểm định chất lượng giáo dục các trường ĐH, CĐ, TCCN trong cả nước, được quyền đưa ra quyết định công nhận hay không công nhận các trường ĐH và các chương trình đào tạo, đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mà không chịu bất cứ sự can thiệp nào.
Việc ra đời 2 trung tâm kiểm định khiến nhiều người hy vọng sẽ giải quyết được thực trạng “mù mờ” chất lượng đào tạo như hiện nay. Tuy nhiên, với con số gần 500 trường, tính trung bình mỗi năm 2 trung tâm này sẽ tiến hành kiểm định khoảng 100 trường ĐH, CĐ. Đây quả là một khối lượng công việc khổng lồ và với suy nghĩ của nhiều người có vẻ như không “khả thi”.
Khi đề cập đến vấn đề này, hơn ai hết, chính những trường thuộc hệ thống các trường ngoài công lập (NCL) lại có nhiều mong chờ sự kiểm định từ bên ngoài, bởi những đánh giá khách quan đó sẽ giúp họ xóa bỏ “định kiến” lâu nay của xã hội rằng hệ thống này là nguyên nhân chủ yếu của chất lượng đào tạo yếu kém.
GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam nhận xét 14% sinh viên các trường NCL không thể giữ vai trò quyết định trong việc yếu kém của sinh viên ĐH. Nếu kiểm định chất lượng tốt sẽ đánh giá được chất lượng của các trường. Hiệp hội luôn trăn trở để nâng cao chất lượng đào tạo; vươn lên, tự định đoạt thương hiệu của mình thông qua kiểm định khách quan.
ThS Nguyễn Đăng Khoa, Chánh Văn phòng Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam nhận xét: “Năm 2008, Bộ GD-ĐT đã tiến hành thí điểm kiểm định 20 trường, trong đó có 2 trường NCL nhưng sau đó không thấy công bố kết quả. Đánh giá chất lượng càng sớm thì càng tốt, vậy mà 7 năm sau khi thí điểm Bộ GD-ĐT mới thành lập 2 trung tâm kiểm định là quá chậm!”.
“Nếu như trong lĩnh vực kinh tế, bên cạnh kiểm toán Nhà nước, còn có những đơn vị kiểm toán độc lập, tôi nghĩ trong GD cũng vậy, Bộ GD-ĐT nên cho thành lập các trung tâm kiểm định độc lập, thuộc các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Cả nước có 2 trung tâm mà với gần 500 trường ĐH, CĐ, Bộ kiểm định đến bao giờ.
Hiệp hội rất sốt ruột về việc kiểm định, chúng tôi đã mời chuyên gia, gửi công văn, hồ sơ xin phép Bộ GD-ĐT thành lập trung tâm kiểm định nhưng không được chấp nhận. Vừa qua, ĐH FPT đã mời một trung tâm kiểm định quốc tế về kiểm định. Như vậy chúng ta đang lãng phí nguồn tài nguyên trong nước”, Ths Nguyễn Đăng Khoa chia sẻ.
Mới có 2 ĐH Quốc gia đủ nguồn lực
Theo quy định mới nhất, Bộ GD-ĐT đã khẳng định trong giai đoạn 2012-2015 chỉ thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Nhà nước. Sau năm 2015, Bộ GD-ĐT sẽ cho phép các tổ chức, cá nhân thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết: Hiện nay đã có quyết định thành lập 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, trong tương lai sẽ thành lập nhiều trung tâm như vậy. Các trung tâm sẽ làm nhiệm vụ kiểm định, đánh giá một cách độc lập và đánh giá đó dựa trên những chuẩn của khu vực và quốc tế. Đây sẽ là căn cứ giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội về thực trạng chất lượng của chương trình đào tạo; làm cơ sở cho người học lựa chọn chương trình đào tạo và nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực.
Đánh giá về hệ thống đảm bảo chất lượng của Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Công Khanh, Giám đốc Trung tâm Đảm bảo Chất lượng giáo dục và Khảo thí, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Hệ thống kiểm soát, giám sát chất lượng đã có ở Việt Nam nhưng chưa mang tính hệ thống, chưa đạt chuẩn khu vực, mới là tự nghĩ ra, tự làm theo kinh nghiệm, không làm theo mô hình lý thuyết có tính chuẩn hóa.
Là người đã có gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đánh giá, kiểm định chất lượng, cũng như đã tham gia nhiều đoàn đánh giá ngoài kiểm định chất lượng giáo dục các trường đại học của Bộ GD-ĐT, PGS. TS Nguyễn Công Khanh cho biết: Muốn thành lập được những trung tâm này, cần phải hoàn thiện văn bản quy định về tiêu chuẩn kiểm định viên, quy định về chu kỳ kiểm định chất lượng và năm 2012-2013 quy định này mới được ban hành. Hiện nay, mới chỉ có ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh là có đủ nguồn lực, con người, cơ sở vật chất đáp ứng các yêu cầu thành lập trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đại học hoạt động độc lập.
Việc đánh giá ngoài có ảnh hưởng rất lớn đến trường và dư luận xã hội, nên không thể làm “ào ào” theo kiểu “phong trào”. Phải có lý thuyết, thử nghiệm và nghiên cứu, có những khóa đào tạo, cấp chứng chỉ cho kiểm định viên. Tuy việc thành lập có muộn nhưng thời điểm này là chín muồi. Với gần 500 trường ĐH, CĐ hiện nay, 2 trung tâm này không thể có đủ nguồn lực, đặc biệt là chưa thể đào tạo đủ ngay đội ngũ các kiểm định viên để tiến hành cùng một lúc kiểm định tất cả các trường đại học, cao đẳng. Trước mắt nên tiến hành kiểm định những trường đại học/cao đẳng nào đã sẵn sàng, tức là trường đã có báo cáo tự đánh giá sát với thực tế, PGS. TS Nguyễn Công Khanh chia sẻ.
PGS. TS Nguyễn Công Khanh tin tưởng: Trong vòng 1-2 năm tới, khi chúng ta có hàng trăm, thậm chí nhiều hơn các kiểm định viên được đào tạo có chứng chỉ công nhận đạt trình độ, lúc đó có thể thành lập cùng lúc hàng chục đoàn đánh giá ngoài, tiến hành đánh giá cùng lúc nhiều trường đại học. Chúng ta không nên lo về mặt thời gian mà quan trọng nhất là những người được đào tạo kiểm định viên có đủ uy tín, chuyên môn để thẩm định.
Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!
- Muốn trở thành giáo viên giỏi? - Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là điều TIÊN QUYẾT!
- Điểm mới trong các kỳ thi riêng xét tuyển Đại học năm 2025
- 5 năm tới ngành nào hot: Lương lên tới 3,4 tỷ đồng/năm mà không cần bằng đại học?
- 5 ngành học hot nhất hiện nay! Cơ hội việc làm rộng mở, lương 100 triệu đồng/tháng trong tầm tay
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?