Học sút vì nghĩ... "chắc thầy thích con"
Thứ tư, 23/01/2013 20:01

Năm nay con tôi học lớp 5 tại một trường quốc tế, nói tiếng Anh. Bé bảo thầy giáo lúc nào cũng nhìn con, "chắc thầy thích con" nên không thể tập trung học.

Không thể tập trung học vì nghĩ rằng thầy giáo thích mình (Ảnh minh họa)

Không thể tập trung học vì nghĩ rằng thầy giáo thích mình (Ảnh minh họa)

Kết quả sau một thời gian, tình hình học tập của cháu bị giảm sút nghiêm trọng. Thầy hiệu trưởng đã giải thích và đưa bé xuống phòng của thầy học. Nhà trường cũng mời phụ huynh, hiệu trưởng, thầy chủ nhiệm để tìm giải pháp giúp đỡ cháu. Đến sang năm bé lên lớp 6 sẽ phải tự học.

Về phía gia đình, chúng tôi đã giải thích cho bé đừng quá lo lắng vì thầy đối xử như thế chỉ là tình thầy trò. Trước đó mẹ đã gửi email cho thầy, nhờ thầy quan tâm con nhiều hơn (lớp bé có 20 học sinh). Từ đó thầy quan tâm khi thấy con kém hơn so bạn khác chứ thầy không có ý gì khác. Tôi phải làm sao? (Lâm).

Trả lời:

Tôi rất thông cảm với những băn khoăn, bối rối của bạn đang gặp phải trong vấn đề phát triển nhân cách và học tập của con.Tuy nhiên thông tin bạn cung cấp quá ít ỏi, mới chỉ một chiều. Toàn bộ là những suy nghĩ, cảm nhận, đánh giá chủ quan của bạn về cháu, nên tôi không thể xác định rõ ràng vấn đề mà bé đang gặp phải. 

Từ những thông tin mà bạn cung cấp, tôi đang nghĩ đến một khả năng bé bị rối loạn kém thích nghi đi kèm với rối loạn nhận thức. Ở đây bé có một nhận thức lệch lạc là thầy chăm chú nhìn mình nghĩa là thầy đang thích mình. Và suy nghĩ lệch lạc này phát triển mạnh lên trở thành niềm tin tuyệt đối của bé về suy nghĩ đó. Từ đó làm bé không có sự chú ý, tập trung vào học tập mà cứ để hoạt động tâm trí của bản thân hướng đến các suy nghĩ lệch lạc kia. 

Tuy nhiên để có chẩn đoán chính xác, tôi cần thăm khám và hỏi thêm các thông tin về những mối quan hệ xã hội hiện tại của bé với gia đình, các thầy cô khác và bạn bè hiện tại của cháu. Trong đó, đặc biệt chú ý đến cách bé ứng xử với các thành viên trong gia đình cũng như với các thầy cô và bạn bè trong trường. 

Tâm lý của con người chúng ta vừa là một hoạt động của hệ thần kinh nhưng đồng thời cũng là hoạt động nhận thức về mặt xã hội. Cháu còn nhỏ (mới 11 tuổi) và cũng trong giai đoạn bắt đầu tuổi dậy thì, do đó trong tâm trí bé có thể xuất hiện suy nghĩ nhạy cảm về các mối quan hệ khác giới cũng là tự nhiên. Nhưng nếu các suy nghĩ này xuất hiện và biểu hiện ở sự phản ứng quá mức đối với vấn đề thì gia đình có thể nhờ đến sự trợ giúp từ các bác sĩ chuyên khoa tâm lý thần kinh. 

Trường hợp con của bạn, để chẩn đoán chính xác cũng như có hướng trợ giúp thích hợp, tôi đề nghị bạn đưa bé đến các cơ sở y tế có khoa tâm lý thần kinh hoặc đến Viện tâm lý thực hành TP HCM nếu bạn ở TP HCM. Tại đây các bác sĩ sẽ thăm khám và đánh giá tình trạng của bé, để giúp bé trở lại với sự phát triển tự nhiên và lành mạnh. 

VNE

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: Giáo dục , Phía sau giảng đường , Thích thầy , Học trò thích thầy , Xã hội