Hàng loạt công ty có dấu hiệu lừa đảo xuất khẩu lao động
Thứ tư, 12/11/2014 16:47

Cục Quản lý Lao động ngoài nước (QLLĐNN), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thực hiện một cuộc tổng rà soát về các công ty đưa người đi lao động ở nước ngoài.

Hàng loạt công ty có dấu hiệu lừa đảo xuất khẩu lao động (Hình minh họa)

Hàng loạt công ty có dấu hiệu lừa đảo xuất khẩu lao động (Hình minh họa)

Như báo chí đã đưa tin, lợi dụng kẽ hở của pháp luật và sự nhẹ dạ cả tin của người lao động, hàng loạt các công ty đã sử dụng rất nhiều thủ đoạn tinh vi, thậm chí công khai tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài một cách bất hợp pháp.

Trước phản ánh của báo, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (QLLĐNN), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thực hiện một cuộc tổng rà soát về các công ty đưa người đi lao động ở nước ngoài.

Hàng loạt công ty có dấu hiệu lừa đảo

Đại diện của Cục QLLĐNN cho biết, theo số liệu từ các Doanh nghiệp, tổng số lao động người Việt đi làm việc ở nước ngoài trong 10 tháng qua ước tính lên đến con số hơn 91.000 người. Chỉ tính riêng tháng 10, đã có gần 8.000 người đi làm việc chủ yếu tại các Thị trườngĐài Loan, Macau (Trung Quốc), Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Saudi Arabia... Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì lại xảy ra rất nhiều vấn đề. Ví dụ như lừa đảo, chậm lương hoặc quỵt lương. Mới đây nhất là vụ việc hàng trăm lao động người Việt ở Belarus kêu cứu vì bị các công ty phái cử "đem con bỏ chợ".

Nhiều người lao động đã gọi tới Cục QLLĐNN phản ánh về các đơn vị, công ty đang thông báo tuyển lao động đi học tập, làm việc tại CHLB Đức, Nhật. Hiện nay có 9 đơn vị Cục sẽ tiến hành xác minh gồm: Trường cao đẳng nghề Trần Hưng Đạo (số 7 Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội); Trung tâm Hợp tác Việt Đức FUU SACHSEN VIETNAM (36/36 Đào Tấn, Ba Đình, Hà Nội); Công ty CP Sáng kiến nâng cao sức khỏe quốc tế Việt Nam (phòng 403 tòa nhà Regus Hanoi Press Club, 59 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội); Trung tâm tư vấn du học và Đào tạo ngoại ngữ Việt Đức ICC 100B3 KĐT Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội); Trung tâm Đào tạo và Cung ứng điều dưỡng viên quốc tế (Nurse centrer) 225 Trường Chinh (Thanh Xuân, Hà Nội); Bệnh viện Thái Hòa và công ty CP Truyền thông Tương Lai (số 1 Lê Thị Riêng, phường 1, TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp); Trường CĐ nghề Nguyễn Văn Trỗi, 969 Đoàn Hữu Trưng, phường An Hòa (Cẩm Lệ, Đà Nẵng); Trường Trung cấp y dược Mekong, 336 đường Cách mạng Tháng Tám (TP.HCM); Du học quốc tế IRIS tầng 3, nhà 16, ngõ 2, Nguyễn Viết Xuân, Thanh Xuân, Hà Nội.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tất cả các bản thông tin tuyển dụng của các công ty này đều rất cụ thể và chi tiết, nói rõ số lượng các ứng viên cần tuyển, mức lương cao và công việc làm rất tốt. Ví dụ như Trung tâm hợp tác Việt Đức Fuu Sachsen Viet Nam đăng thông báo tuyển 30 ứng viên điều dưỡng sang CHLB Đức học tập và làm việc trong năm 2015. Còn trường cao đẳng nghề Trần Hưng Đạo thông tin tuyển sinh đào tạo nghề và giới thiệu việc làm tại CHLB Đức với mức lương hấp dẫn, liên tục mở lớp khi có đủ số lượng học viên đăng ký... Hay bệnh viện Thái Hòa và công ty cổ phần công nghệ Truyền thông Tương Lai (Đồng Tháp) đăng tuyển 30 ứng viên điều dưỡng/y sỹ đa khoa đi học và làm việc tại CHLB Đức với các thủ tục, chế độ tương tự như chương trình của cục QLLĐNN đang thực hiện.

Đại diện Cục QLLĐNN cho biết: "Những vụ việc sai phạm đang trong quá trình giải quyết thì lại xuất hiện hàng loạt các đơn vị, công ty tiếp tục vi phạm pháp luật. Thực tế, những thông tin tuyển dụng trái phép có thể gây nhiễu loạn, ảnh hưởng tới chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Đức, Nhật về việc thực hiện chương trình tuyển chọn, đào tạo và đưa ứng viên điều dưỡng Việt Nam sang học tập và làm việc tại hai quốc gia này. Do đó, những hoạt động trái phép này cần được xử lý nghiêm".

Sẽ xử lý nghiêm

Trước thực trạng trên, Cục QLLĐNN đã đề nghị cơ quan công an vào cuộc xác minh các công ty nêu trên đang hoạt động không đúng với chức năng, có dấu hiệu lừa đảo và có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc chương trình hợp tác, đồng thời ngăn chặn các hành vi lợi dụng sự cả tin của người dân trong việc tham gia xuất khẩu lao động.

Theo ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN: "Cả 2 chương trình đưa điều dưỡng, hộ lý sang học tập và làm việc tại Nhật Bản, CHLB Đức đều đang được người lao động rất quan tâm, bởi mức lương ở các quốc gia này khá cao, từ 35- 50 triệu đồng/tháng. Thực tế, Bộ vẫn đang triển khai thí điểm và chỉ có cục QLLĐNN là đầu mối duy nhất được tuyển chọn điều dưỡng viên đi làm việc tại 2 quốc gia này. Tất cả các hoạt động tuyển dụng đều là chương trình phi lợi nhuận và các ứng viên không mất chi phí, ngoại trừ chi phí làm visa. Trong trường hợp, các doanh nghiệp chưa được cấp phép mà vẫn ra thông báo tuyển, tổ chức tư vấn và tuyển chọn, thu phí của người lao động là hoạt động trái pháp luật cần phải xử lý nghiêm".

Theo báo cáo của phòng Thanh tra, Cục QLLĐNN, từ năm 2007 đến nay, thanh tra Cục đã phối hợp với thanh tra Bộ và thanh tra sở các địa phương (hệ thống ngành dọc) trong cả nước thực hiện thanh, kiểm tra đối với hàng trăm lượt doanh nghiệp và đã đưa ra hàng ngàn kiến nghị đối với các doanh nghiệp. Trong số đó, Cục đã phát hiện nhiều doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng, đã rút giấy phép hoạt động và xử phạt hành chính, hoặc phạt cảnh cáo nhiều doanh nghiệp. Để hoạt động này được đúng với mục đích đã đề ra, Cục đã gửi công văn tới cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) và cục An ninh Chính trị nội bộ, bộ Công an, đề nghị phối hợp xác minh, làm rõ 9 đơn vị, công ty có nghi vấn trong việc tuyển chọn lao động đi làm việc tại nước ngoài.

Theo nguồn tin từ Cục QLLĐNN thì cơ quan công an đang tiến hành xác minh, những đơn vị hoạt động không đúng chức năng nhiệm vụ, có dấu hiệu lừa đảo xuất khẩu lao động sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Người lao động cần cảnh giác

Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông, Cục QLLĐNN khuyến cáo rằng, hiện nay, bộ Lao động, Thương binh & Xã hội là đầu mối tổ chức cho lao động xuất khẩu, ngoài Bộ ra, không có tổ chức, cá nhân nào được can thiệp vào quá trình tuyển chọn lao động đi làm việc tại nước ngoài.

Do đó, người lao động không nên nộp Hồ sơ qua các tổ chức, cá nhân mà mình không biết nó như thế nào. Người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động cần tìm hiểu thêm thông tin trên trang website của Cục QLLĐNN: http://www.dolab.gov.vn hoặc liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý Lao động Ngoài nước theo số điện thoại 04.3936.66333 hoặc 04.3824.9517 (số máy lẻ 511, 513) để biết thông tin chính thức, tránh lừa đảo.

Doisongphapluat.com

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: lua dao , hanh vi lua dao , lua dao bang iphone cuc gach , iphone cuc gach , tin , bao