Có những sinh viên không về quê trong dịp nghỉ Tết
Thứ tư, 31/12/2014 04:32

“Lại” một kì nghỉ dài 4 ngày nữa đang đến. Với nhiều sinh viên đây là dịp để về thăm gia đình, bạn bè sau một khoảng thời gian đi trọ học, đi làm xa nhà.

Buôn bán hoa vào dịp Tết thường là sự lựa chọn ưu tiên của sinh viên

Buôn bán hoa vào dịp Tết thường là sự lựa chọn ưu tiên của sinh viên

Nhọc nhằn đường về quê

Thứ nhất đó là vấn đề lộ phí. Nếu ngày thường vé tàu xe rất rẻ, thì đến những ngày như thế này, giá vé thường đội lên gấp rưỡi, gấp đôi. Một khoản không hề nhỏ với các bạn sinh viên hay những sinh viên mới ra trường chưa có việc làm và thu nhập ổn định. Đặc biệt là với những bạn ở xa thì tiền về quê lại càng là một vấn đề lớn.

Thứ hai là phương tiện đi lại. Cả năm chỉ có một hai dịp là được nghỉ dài kì. Nên nhân cơ hội này, mọi người đều mong muốn được về thăm gia đình. Chính vì vậy mà lượng người ở các bến xe, ga tàu tăng một cách đột biến. Được thể nhà xe vừa tăng giá, lại nhồi nhét khách chẳng khác gì cảnh nhét “gà, vịt”. Đáng lẽ một ghế chỉ một người ngồi, thì bây giờ hai người ngồi chung một ghế. Chưa đủ, lại còn có những bạn kém may mắn đến sau phải ngồi ghế nhựa kê thêm ở giữa. Đường về một, hai tiếng còn đỡ, chứ đi tàu xe mà đứng không nổi, ngồi cũng không yên suốt 4 - 6 giờ đồng hồ chẳng khác nào cực hình. Thậm chí có những bạn đường về còn xa hơn. Với những ai không say tàu xe còn đỡ, với các bạn bị say tàu xe lại càng khổ cực và vất vả hơn.

Thôi thì đành giấu nỗi nhớ nhà vào trong để...

... Đi làm kiếm thêm thu nhập giúp đỡ gia đình

Những ngày nghỉ lễ nhân viên ở các cửa hàng thường về quê, chính vì vậy nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn cộng thêm quê ở xa đã tranh thủ tìm việc làm thêm cho mình theo mùa vụ, nhằm kiếm thêm thu nhập, giúp bố mẹ trang trải cuộc sống. Nếu như ngày thường của các bạn đi làm thêm tiền lương dao động ở mức từ 15-20 nghìn/tiếng, thậm chí là thấp hơn. Thì trong những ngày nghỉ lễ như thế này, tiền lương của các bạn sẽ được tăng lên 2 - 3 lần. Chỉ với mấy ngày nghỉ, các bạn cũng có thể kiếm thêm cho mình một khoản bằng tiền cả nửa tháng trời bố mẹ gửi lên để lo cho chi tiêu cuộc sống. 

Có thể với nhiều người ở thành phố hoặc các bạn may mắn gia đình có điều kiện, thì vài trăm nghìn hay một, hai triệu đồng không là gì cả nhưng với những bạn ở nông thôn thì đó lại là cả một gia tài. Ở quê bố mẹ vất vả, lam lũ sớm hôm cả tháng trời cũng chỉ kiếm được mấy trăm nghìn, rồi dành dụm từng đồng lẻ để đến đầu tháng gửi tiền lên cho con trọ học. Nhiều bạn sinh viên từng rơi nước mắt khi đươc nhận tiền từ những ngày công ấy.

Đi tình nguyện đem lại niềm vui nụ cười đến với những mảnh đời bất hạnh khác

Đôi khi bạn vẫn thường than thở rằng, “mình thật xui xẻo, Tại sao mình không sinh ra trong một gia đình giàu có? Tại sao mình không trở nên xinh đẹp hơn? Tại sao mình bố mẹ không cho mình tiền để mua cái áo đẹp kia? Hay đổi điện thoại mới?”. Nhưng trên đời này vẫn còn rất nhiều những mảnh đời khác bất hạnh hơn chúng ta. Chính vì thế mà thay vì về quê nghỉ lễ, nhiều bạn trẻ, trong đó có những bạn hoàn cảnh cũng rất khó khăn, đã tình nguyện ở lại để chia sẻ niềm vui với những người khác. Đơn giản chỉ là các bạn quyên góp quần áo ấm, sách vở cho trẻ em miền núi, đơn giản chỉ là các bạn mua quà bánh đến thăm những trẻ em mồ côi, đơn giản chỉ là các bạn tặng những người đang co ro trong giá lạnh ngoài đường với một tấm chăn đã cũ, một chiếc găng tay đã sờn, hay một cái áo bông được người khác quyên góp… 

sinh-vien-lam-them-1-1419929215

Nhưng chính những điều giản đơn tưởng chừng nhỏ bé đó đã làm cho chính bản thân các bạn, cũng như những người nghèo khó ấm lòng giữa cái lạnh của mùa đông. 

Và cả nỗi lòng của những sinh viên mới ra trường 

Sinh viên mới ra trường đại đa số chưa tìm được việc hay chưa có công việc ổn định, đôi khi có việc cũng chỉ là trái ngành nghề, cốt là duy trì cuộc sống. Vì vậy tâm lí các bạn “ngại” và “sợ” về quê, vì đâu mọi người cũng hỏi đã tìm được việc chưa? Hay đi làm ở đâu rồi? Thật sự không biết trả lời thế nào? Nghĩ mà buồn lòng. Với những bạn gia đình có điều kiện không chịu ảnh hưởng nhiều từ việc thất nghiệp, vẫn được bố mẹ chu cấp, mỗi lần về quê phải đắn đo suy nghĩ, chứ nói gì đến những bạn khác, chỉ mong ngày ra trường, cầm trên tay tấm bằng đại học, rồi lao vào cuộc chiến tìm việc, để có thể mưu sinh và giúp đỡ gia đình. 

Ra trường hoàn toàn khác với thời sinh viên. Cuộc sống không còn toàn màu hồng, thay vào đó là nỗi lo cơm áo, gạo tiền ngày một lớn. Vô hình trung nghỉ lễ lại là môt “nỗi sợ” trong lòng các bạn.

Là sinh viên, chắc hẳn ai cũng thấu hiểu nỗi nhớ nhà, nhớ quê khi đi trọ học xa, thấu hiểu được cái cảm giác cô đơn, lạc lõng giữa thành phố ồn ào, tấp nập, không có người thân bên cạnh. Mong rằng sẽ có những nụ cười hạnh phúc, niềm vui đoàn tụ trên gương mặt mỗi bạn sinh viên trong những dịp nghỉ lễ khác.

Trí Thức Trẻ

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: sinh vien , sinh vien lam them , sinh vien khong nghi tet , cong viec cua sinh vien , giao duc , giao duc dai hoc , tin , bao