Mang trong mình căn bệnh ung thư tủy nhưng Nguyễn Bảo Ngọc chàng sinh viên Cao đẳng Truyền hình - Hà Nội vẫn yêu đời hàng ngày chạy xe ôm để lấy tiền ủng hộ người nghèo.
Mắc bệnh ung thư vẫn chạy xe ôm làm từ thiện |
Nhiều ngày qua, hình ảnh chàng sinh viên gầy nhỏ, trông ốm yếu nhưng thân thiện với tấm biển “Tôi xe ôm” đứng trước cổng trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội không còn xa lạ với các bạn sinh viên.
Hình ảnh chàng sinh viên trẻ chạy xe ôm trở nên quen thuộc với các bạn sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội
Chiến thắng số phận
Chàng trai trẻ Nguyễn Bảo Ngọc sinh ra và lớn lên ở vùng quê Quảng Bình, là con thứ 3 trong gia đình, không may mắn khi mắc bệnh ung thư tủy.
Ngọc cho biết, trước đó gần 6 tháng, Ngọc hay bị sốt vào ban đêm, sáng ra lại bình thường, nghĩ là do bị cảm nên vậy. Sau đó, các triệu chứng đau lưng, chảy máu xuất hiện ngày một nhiều hơn. Cũng thấy lo, nhưng vẫn chủ quan là không sao.
Chạy xe ôm tuy vất vả nhưng để giúp người nghèo với Ngọc là niềm vui.
Ba tháng sau đó, trong một lần đi khám tại bệnh viện, Ngọc mới lặng người khi hay tin mình mắc bệnh hiểm nghèo – căn bệnh ung thư tủy.
“Khi hay tin mình mắc bệnh ung thư tủy, tôi đã sốc, lặng người. Ra khỏi bệnh viện, dù cầm trên tay kết quả xét nghiệm nhưng tôi không muốn chấp nhận đó là sự thật. Cả thế giới đang sụp đổ trước mắt mình. Tôi đóng cửa, thu mình trong căn phòng trọ và không liên lạc với ai”, Ngọc tâm sự.
Nhưng rồi, suốt thời gian nằm nhà suy nghĩ, hình ảnh về nhiều số phận nghèo khó mà Ngọc đã gặp trong các chuyến đi tình nguyện trước đó đã làm Ngọc thay đổi suy nghĩ, cần phải đứng lên và hành động.
“Buồn, đau khổ, sống khép mình liệu có được gì? Tại sao mình không đứng lên, sống tốt cho những ngày tháng còn lại và làm gì đó cho những người khổ hơn mình?”, Ngọc nói.
Sau đó, Ngọc quyết định chạy xe ôm để gây quỹ cho người dân Minh Hóa trong chương trình “Quảng Bình quê ta ơi” do hội đồng hương Quảng Bình thực hiện.
Ngọc cho biết, Minh Hóa là huyện miền núi nghèo, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, cơm không đủ ăn, áo mặc không đủ ấm. Những ngày đông lạnh giá, mình mặc hai, ba áo vẫn còn phải co ro. Nhưng người dân Minh Hóa, nhất là các em học sinh chỉ có manh áo mỏng che thân, phải lội suối đến trường, nhìn đứa trẻ nào da mặt cũng tím tái. Thấy vậy mới thấy mình còn may mắn, hạnh phúc hơn họ nhiều.
Đây là những lý do lớn nhất thôi thúc Ngọc phải sống, phải cố gắng đứng lên làm điều gì đó có ý nghĩa, để giúp đỡ bà con Minh Hóa và những nơi còn nhiều khó khăn có thêm tấm chăn, manh áo vào mùa đông.
Từng ngất xỉu khi chạy xe ôm
Công việc chạy xe ôm thật không dễ như Ngọc nghĩ, phải thuộc đường phố Hà Nội trong khi Ngọc lại không thạo đường. Vì thế mà đã nhiều lần Ngọc khiến khách muộn giờ hẹn.
Ngoài chạy xe ôm, Ngọc còn kêu gọi mọi người ủng hộ quần áo
Ý chí kiếm tiền để ủng hộ người nghèo luôn thường trực trong suy nghĩ của chàng sinh viên trẻ. Vì vậy, hàng ngày, dù rất mệt nhưng Ngọc vẫn dậy từ 5h sáng, chạy xe từ Thường Tín lên cổng Trường Đại học Công nghiệp – Hà Nội đứng đón khách và kết thúc hành trình lúc 1h – 2h sáng.
Ngọc chia sẻ, chạy xe ôm không phải để kiếm sống, do vậy khách đi trả bao nhiêu tiền là tùy tâm. Với những người lao động nghèo, sinh viên nghèo, Ngọc thường chở miễn phí. Số tiền khách thường trả là 20.000 - 40.000 đồng, thậm chí hơn.
“Sau 3 tuần chạy xe ôm mình đã có hơn 700.000 đồng cả vốn lẫn lãi. Tuy số tiền không nhiều nhưng đó là công sức mình tự làm ra nên thấy vui và hạnh phúc”, Ngọc nói.
Chia sẻ về quá trình chạy xe ôm, Ngọc cho biết, để kiếm được số tiền trên, không ít lần Ngọc đau đầu, choáng váng, ngất xỉu do sức khỏe yếu khi đứng chờ khách quá lâu giữa trời rét. "Ngày thứ 2 làm xe ôm, chở hàng lên Bến xe Giáp Bát, trời tối, đường tắc, hàng chở cồng kềnh bị đổ nhiều lần, lúc đó rất muốn khóc" - chàng sinh viên tâm sự.
Ngoài chạy xe ôm, Ngọc còn kêu gọi bạn bè quyên góp quần áo, sách vở, chăn ấm để tặng cho các em ở Minh Hóa. Ngọc cho biết, rất nhiều bạn sinh viên gửi tặng chăn ấm và nhiều quần áo để ủng hộ cho người dân Minh Hóa.
Hiện tại, Ngọc đang truyền hóa chất điều trị tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều – Hà Nội. Trước đó, Ngọc đã tiến hành trị liệu trong 15 buổi, sau khi đủ 30 buổi, Ngọc sẽ được các bác sỹ tiến hành làm xét nghiệm, căn cứ vào đó để có hướng điều trị tiếp theo.
Với tình trạng sức khỏe như vậy, Ngọc cần phải nghỉ ngơi để dưỡng bệnh. Thế nhưng chàng sinh viên trẻ này, lại khát khao được cống hiên nhiều hơn cho những ngày còn lại.
“Công việc này đã khiến cho những ngày chiến đấu với bệnh tật của mình trở nên có ý nghĩa hơn. Những ngày sống gấp đã cho mình hiểu giá trị của tình yêu thương, của lòng thiện nguyện. Mong rằng, nhiều bạn sẽ chung tay với mình, để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn đang cần giúp đỡ”, Ngọc nói.
Xúc động trước việc làm của Ngọc, bạn Vương Thùy Dương, sinh viên Trường Đại học Công Nghiệp – Hà Nội cho biết: "Việc làm của Ngọc tôi thấy rất thiết thực và ý nghĩa. Sau khi đọc được những lời kêu gọi của Ngọc trên diễn đàn sinh viên của trường, số quần áo không măc đến tôi nhờ Ngọc chuyển đến ủng hộ cho các bạn khó khăn".
Sau ba ngày, ngoài quần áo cũ của Dương, cô còn huy động được 5 tải quần áo cũ từ bạn bè, bác chủ nhà để gửi cho Ngọc chuyển đến cho người nghèo.
“Tuy đây là việc làm nhỏ nhưng tôi cảm thấy rất vui vì đã làm được việc có ích, mang lại tình yêu thương đùm bọc nhau khi khó khăn, “Lá lành đùm là rách”, Dương nói.
Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%
- Chân dung Tổng Giám đốc 8x đầu tiên của Google Việt Nam, là nữ tướng của loạt doanh nghiệp lớn