30 sinh viên từ “trên trời rơi xuống”
Thứ năm, 04/04/2013 06:59

Sang đến tận học kỳ II của năm thứ nhất, 30 sinh viên trường Cao đẳng Asean mới vỡ nhẽ họ chẳng hề có tên trong danh sách học sinh của trường.

Hàng chục sinh viên hoang mang tập trung gần Văn phòng trường Cao đẳng Asean  để chờ đợi kết quả về lớp học của mình

Hàng chục sinh viên hoang mang tập trung gần Văn phòng trường Cao đẳng Asean để chờ đợi kết quả về lớp học của mình

Giấc mơ dang dở

Học xong cấp 3, em N.T.H trú tại Đông Tân - Đông Hưng - Thái Bình thi đại học. Kết quả, H không đủ điểm vào hệ chính quy nên đành chấp nhận đi đường vòng bằng cách theo học hệ Cao đẳng. Khi xét điểm theo nguyện vọng 2, H vừa đủ điểm vào học ngành Dược của trường Cao đẳng ASEAN (có cơ sở 2 đóng tại 20 Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ngày nhận giấy báo nhập học, H mừng lắm: “Dù sao đây cũng là ngành em yêu thích. Thế nên, khi nhận được giấy báo em lên Hà Nội ngay theo đúng yêu cầu của trường”, H kể.

Theo thông báo trong giấy nhập học, ngày 25/8/2012, H phải có mặt tại văn phòng tuyển sinh ở P105 trường Năng khiếu Thể dục thể thao Hà Nội (nằm trong Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội) trên đường Lê Đức Thọ để nộp học phí học kỳ I là hơn 5 triệu đồng cùng hồ sơ làm thủ tục nhập trường. Sau đó, H cùng các bạn khác được cán bộ thu ngân cùng 1 thầy giáo (xưng tên Nam) hướng dẫn về học tạm tại cơ sở mới là trường Trung cấp Kinh tế tài chính Hà Nội (địa điểm đối diện bến xe Yên Nghĩa, quận Hà Đông). H nói: “Lúc đó, tất cả chúng em đều băn khoăn là tại sao không được học ở trường chính mà phải đi học nhờ như vậy thì cán bộ giải thích, hiện cơ sở của trường không đủ chỗ nên phải tách riêng 1 lớp về thuê tạm ở đây làm nơi học tập. Chính vì thế, tất cả chúng em đều rất tin tưởng”.

Nhưng không hiểu học kiểu gì mà suốt cả kỳ I cả lớp chỉ được học có 5 môn bao gồm: Triết học, Chính trị, Ngoại ngữ, Thể dục và Tin học. Các em chẳng bao giờ có điều kiện gặp cán bộ hay giáo viên chính của trường ngoại trừ thầy Nam (và một cán bộ khác có tên Huy - người từng đứng ra thu tiền của sinh viên từ đầu năm). Thêm vào đó, ngoài chức năng chủ nhiệm, thầy Nam còn trực tiếp đứng lớp giảng dạy các môn Triết học và Chính trị. Các em đều nhận thấy khả năng giảng dạy của thầy Nam là rất… tào lao.

Hết học kỳ I, thấy việc giảng dạy ngày càng bất thường, ngay cả việc đề nghị được cấp thẻ sinh viên cũng không được đáp ứng, H cùng một số bạn quyết định tìm về văn phòng nhà trường tại 20 Yết Kiêu để hỏi cho ra nhẽ. Khi đến Phòng Đào tạo các em mới hốt hoảng khi được các thầy cô tại đây cho biết: “Trường Cao đẳng ASEAN không hề có bất cứ lớp hoặc chi nhánh nào học tại trường Trung cấp Kinh tế tài chính Hà Nội”.

“Chúng tôi cũng bất ngờ”

Sau khi biết được thông tin này, hơn 30 sinh viên cùng phụ huynh tới văn phòng nhà trường tìm gặp kỳ được lãnh đạo để chất vấn. Ông N.N.T phụ huynh 1 sinh viên cho biết: “Rõ ràng nhà trường gửi giấy báo nhập học cho con tôi, dấu đóng đỏ chót hẳn hoi. Rồi thu tiền học phí có cả biên lai đàng hoàng. Học kỳ I con tôi theo học chăm chỉ, lên lớp đầy đủ, có cả bài thi học kỳ. Thế mà bây giờ, chính họ lại bảo không có lớp nào như vậy thì quả thực tôi cũng không thể hiểu nổi”.

Tiến sỹ Nguyễn Vân Khánh Hà - Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng ASEAN cũng bất ngờ: “Chúng tôi hoàn toàn không hề biết có một lớp học mang danh của chính trường Cao đẳng ASEAN đang tồn tại. Hiện trên hồ sơ quản lý sinh viên không có bất cứ một lớp học nào như thế!”. Sau khi tra cứu và gọi điện liên tục cho ban lãnh đạo nhà trường để rà soát, cô Hà khẳng định: “Nhà trường không có bất cứ giáo viên hoặc cán bộ nào có tên là Nam và Huy như các em trình bày. Trong suốt học kỳ qua, chúng tôi cũng không cắt cử bất kỳ giáo viên nào vào trường Trung cấp Kinh tế tài chính Hà Nội để giảng dạy cho lớp học này cả”.

Lúc này thì sự hốt hoảng trong tâm lý sinh viên và phụ huynh lên đến đỉnh điểm. Không lẽ, suốt nửa năm qua, 30 sinh viên này đã theo học tại một trường… ma? Em T.Đ.K. trú tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định nói: “Thực tế ngoài thầy Nam thường xuyên lên lớp giảng bài thì các môn còn lại, thầy cũng thuê giáo viên ở đâu không rõ về dạy cho chúng em. Đã có một vài lần em hỏi những thầy cô được thuê thì họ nói, không phải giáo viên của trường Cao đẳng ASEAN. Họ chỉ đến dạy thuê theo hợp đồng”.

Cũng theo các em sinh viên, trong suốt học kỳ I, có đôi lần lớp học này bị buộc phải nghỉ vì thầy Nam nợ tiền thuê cơ sở chây ì không chịu trả. Sinh viên đã bị bảo vệ trường Trung cấp Kinh tế tài chính Hà Nội đuổi ra ngoài. Đến ngay cả việc khám sức khỏe, mặc dù đã nộp 350 nghìn đồng từ trước Tết, nhưng đến nay không học sinh nào được đi khám. Em B.T.M.P, quê ở Thái Bình cho biết: “Có rất nhiều điều kỳ lạ ở lớp chúng em. Ví dụ như môn tiếng Anh, chỉ riêng học kỳ I, chúng em chứng kiến giáo viên bị thay tới… 7 người".

ANTĐ

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: Sinh viên , Cao đẳng ASEAN , Trường tư , Bộ GD-ĐT , Thái Bình , Lừa đảo