Ý kiến trái chiều của luật sư vụ nữ bệnh nhân 'mất quần' trong bệnh viện
Thứ tư, 19/11/2014 21:03

Ông Trần Văn Hùng - Phó trưởng phòng Hành chính, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - xác nhận thông tin về vụ mất cắp xảy ra ngay trong phòng siêu âm của bệnh viện.

Phòng siêu âm số 21, khu C của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

Phòng siêu âm số 21, khu C của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

Vào ngày 13/10, bà N.T.T.V (Q.10. TP.HCM) được bác sĩ chỉ định đi siêu âm phụ khoa tại phòng số 21, thuộc khu C bệnh viện. Sau khi siêu âm xong, bà V phát hiện chiếc quần mà bà đã thay ra trước đó và được để ngay tại phòng siêu âm đã “biến mất”. Trong túi quần có 15 triệu đồng và 1 điện thoại iPhone 4S.

Theo ông Hùng, bảo vệ bệnh viện đã lập biên bản và mời Công an P.11, Q.5 đến thụ lý vụ việc.

Không thể coi là trách nhiệm ngoài hợp đồng

Trước đó, trả lời báo Tuổi Trẻ, bà V cho biết đã thay quần bằng váy của bệnh viện tại phòng siêu âm và đặt quần dưới chân bác sĩ. Trong phòng lúc đó có một bác sĩ, một điều dưỡng và một bệnh nhân mới được siêu âm trước bà. Khi phát hiện mất tài sản, bà V đã nghĩ đến ngay bệnh nhân này, nhưng nhân viên có mặt trong phòng siêu âm không hề có sự hỗ trợ nào đối với bà V. Thậm chí khi bà V kiểm tra xung quanh xem quần có lẫn ở đâu không, thì cô điều dưỡng còn lớn tiếng: “Tưởng tôi lấy đồ của bà hả?”. Khi bà mếu máo ra ngoài mượn điện thoại gọi cho người thân, lúc đó mới được sự hỗ trợ của nhân viên bệnh viện. Theo bà V, nếu được hỗ trợ sớm hơn, bà đã tìm được tài sản của mình.

PV cũng dẫn ý kiến một luật sư trả lời câu hỏi “ai sẽ bồi thường” của bà V như sau: “Theo quy định tại Bộ luật Dân sự, có hai dạng bồi thường thiệt hại là bồi thường theo hợp đồng và bồi thường ngoài hợp đồng. Nếu trước đó giữa bệnh viện và bệnh nhân có thỏa thuận với nhau về việc gửi giữ tài sản thì khi có mất mát tài sản, phía bệnh viện phải bồi thường. Trường hợp giữa hai bên không có hợp đồng gửi giữ tài sản thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ được đặt ra khi bệnh viện do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tài sản của người khác mà gây thiệt hại”.

Luật sư này cho rằng trường hợp của bà V không thuộc một trong hai trường hợp nêu trên nên phía bệnh viện không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bà V. Và luật sư này khuyên: “Không còn cách nào khác, bà V phải chờ cơ quan công an điều tra, xác định người đã lấy trộm tài sản để trên cơ sở đó yêu cầu người ấy phải bồi thường”. Luật sư này còn nói chuyện mất đồ của bà V là một cảnh báo cho nhiều người, dù ở bất cứ địa điểm nào, cũng phải tự giữ gìn, bảo quản tài sản của mình.

Theo luật sư Đặng Dũng (Văn phòng luật sư Đặng và Cộng sự, Q.Gò Vấp, TP.HCM), trước tiên cần xác định bệnh viện này đang thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh. Khi bệnh viện yêu cầu người bệnh thay quần, mặc váy của bệnh viện để siêu âm, người bệnh không thể tự bảo quản tài sản mang theo. Do vậy, bệnh viện phải có sẵn túi để bệnh nhân bỏ tài sản vào, nhân viên bệnh viện ghi biên nhận và bỏ túi vào một ngăn tủ. Sau đó, trao lại cho người bệnh biên nhận, chìa khóa để sau khi siêu âm xong, họ sẽ nhận lại tài sản. Đó là trách nhiệm mà một bệnh viện phải làm để phục vụ người đến khám bệnh. Nếu bệnh viện không thực hiện những điều này, để khi xảy ra việc mất cắp, thì thuộc trách nhiệm phụ đương nhiên của bệnh viện.

“Không thể coi là trách nhiệm ngoài hợp đồng như một luật sư đã nhận định có lợi cho bệnh viện được. Vì ngoài việc khám bệnh, nhất là siêu âm, bệnh viện phải tính đến việc giữ tài sản cho người bệnh”, luật sư Dũng nói. Trừ khi bệnh viện có một bảng lưu ý treo tại phòng siêu âm là “bệnh viện miễn trừ trách nhiệm đối với tài sản khi vào phòng khám”, nếu không, trách nhiệm của bệnh viện phải xem là đương nhiên.

Trách nhiệm của bệnh viện trong trường hợp này căn cứ theo Điều 301 Bộ Luật Dân sự “thực hiện nghĩa vụ dân sự không phân chia”. Tức là nghĩa vụ phải thực hiện cùng lúc, vừa siêu âm, vừa giữ tài sản cho người đi khám bệnh. Ngoài ra, còn có trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự căn cứ Điều 302 cùng bộ luật “bên có nghĩa vụ dân sự mà không thực hiện thì phải chịu trách nhiệm dân sự”.

Theo luật sư Dũng, nếu công an không tìm ra được thủ phạm, người mất tài sản có quyền yêu cầu bệnh viện phải bồi thường. Nếu không bồi thường, họ có quyền khởi kiện bệnh viện. Khi đó, trách nhiệm của nguyên đơn là phải chứng minh được số tài sản đã bị mất cắp gồm chiếc quần, số tiền và điện thoại trong túi quần.

Công an lập chuyên án

Ông Hùng cho biết, ngay sau xảy ra vụ việc trên, bệnh viện đã xem xét lại quy trình tổ chức ở khu vực siêu âm phụ khoa thuộc khu C. Hiện bệnh viện đã triển khai túi đựng đồ đạc cho mỗi bệnh nhân đến siêu âm tại đây. Ông cũng cho biết, từ trước đến nay, đây là vụ mất cắp đầu tiên được bệnh nhân trình báo.

Theo quan sát của chúng tôi, xung quanh khu vực phòng siêu âm 21, có đến 3-4 camera an ninh trên các trần hành lang. Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ bệnh viện cho biết không có camera nào chĩa hướng quay vào phòng siêu âm này.

Cũng theo ông Hùng, hiện Công an Q.5 đang lập chuyên án điều tra vụ việc.

Danviet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: benh vien , benh vien y duoc ho chi minh , mat cap trong benh vien , mat cap , trom do trong benh vien , sieu am , ho chi minh , tin , bao