Cơ quan điều tra đã tách vụ án ACB ủy thác gửi tiền để điều tra về việc nhận gửi tiền vượt trần tại một số ngân hàng.
Vụ 'bầu' Kiên: Điều tra việc nhận gửi tiền vượt trần tại ngân hàng |
Đại diện Viện Kiểm sát tối cao cho biết nội dung này trong chiều nay (10/12), khi các luật sư, bị cáo và đại diện Viện Kiểm sát tại tòa tranh luận về các hành vi của các bị cáo trong vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm được qui kết tại bản án sơ thẩm.
Về hành vi cố ý làm trái liên quan đến việc ủy thác cho các nhân viên ACB gửi tiền tại NH khác, sau khi viện dẫn các văn bản pháp luật, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, bản thân việc các NH mang tiền huy động từ khách hàng mang tiền đi gửi lòng vòng không thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. “Việc ACB ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi là chủ trương trái luật. Việc nhận tiền gửi, sử dụng số tiền này phải tuân theo Luật TCTD chứ không thể theo Luật dân sự. Trong luật dân sự cũng không có chế định ủy thác, mà chỉ có ủy quyền. Chủ trương ủy thác cá nhân đi gửi tiền là sai tính đến thời điểm ban hành nghị quyết dừng thực hiện ủy thác. VKS cho rằng, hành vi ủy thác cá nhân gửi 718 tỷ đồng là trái qui định của Luật TCTD năm 2010. Luật này qui định TCTD không được kinh doanh bất kỳ lĩnh vực khác. TCTD chỉ được kinh doanh những lĩnh vực được NHNN cho phép. Hiểu rộng hơn, trong hoạt động của TCTD không được phép làm những gì luật pháp không cấm mà chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép. Xem xét kỹ thì thấy trong các tài liệu không có qui định nào TCTD được ủy thác cho cá nhân gửi tiền sang TCTD khác.
Ý kiến của các luật sư, bị cáo cho rằng, không có hậu quả xảy ra, vì Vietinbank có trách nhiệm phải quản lý và trả lại tiền gửi cho khách hàng. Viện Kiểm sát cho rằng, hành vi ủy thác là trái qui định về quản lý kinh tế của Nhà nước. Đến nay số tiền này chưa thu hồi được. Bản thân ACB không giao dịch tại Vietinbank nên không có quyền khởi kiện, đòi tiền tại Viettinbank. Hậu quả hành vi làm trái đã rõ.
Ý kiến cho rằng nghị quyết này không gây thiệt hại mà làm lợi cho ACB hơn 1.000 tỷ, VKS cho rằng không chính xác. Việc ủy thác vi phạm quy định về trần lãi suất, và cơ quan điều tra cũng tách vụ án để điều tra về việc nhận gửi tiền vượt trần tại một số ngân hàng. Căn cứ hồ sơ vụ án, tại thời điểm đó ACB có các lựa chọn khác, ví dụ hạ lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay chứ không phải chỉ có giải pháp duy nhất là gửi tiền ở NH khác.
Xung quanh hành vi của các bị cáo về ủy thác gửi tiền, bị cáo Kiên nói năm 2008 đã rút khỏi HĐQT chỉ là tư vấn, không tham gia việc quyết định ủy thác gửi tiền, VKS thấy, bị cáo có ảnh hưởng lớn đến quyết định hoạt động của ACB và các bị cáo khác đều khẳng định vai trò của bị cáo khi ACB quyết định ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi.
“Liên quan Nghị quyết ngày 22/3/2010 của Thường trực HĐQT, bị cáo Kiên dù không có thẩm quyền ban hành Nghị quyết này, nhưng các bị cáo khác khẳng định vai trò của Kiên trong việc đồng ý ủy quyền cho các cá nhân mang tiền đi gửi ở các TCTD khác” – đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh.
Về trường hợp của bị cáo Huỳnh Quang Tuấn, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, án sơ thẩm dùng tình tiết tăng nặng đối với bị cáo Tuấn là chưa chính xác, kháng cáo của bị cáo là đúng đề nghị HĐXX xem xét.
Liên quan đến quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, hành vi ủy thác gửi tiền đã gây hậu quả, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng: “Hậu quả của hoạt động ủy thác đi gửi tiền là chưa thỏa đáng. Cứ cho rằng, Huyền Như chiếm đoạt thì đây là nợ đã có chủ. Còn nhiều tài sản của Như đã bị kê biên, sau này sổ tiền này có thể thu về”.
Sau phần ý kiến của Viện Kiểm sát và luật sư, bị cáo Lý xuân Hải xin có một số câu hỏi mong muốn đại diện Viện Kiểm sát làm rõ: Việc ủy thác, trước thời điểm 1/1/2010 thì thanh tra NHNN và Cơ quan công an đều khẳng định không vi phạm thì chúng tôi làm là đúng. Còn sau đó, chúng tôi vẫn tiếp tục làm làm mới là sai. Đến thời điểm này, Viện Kiểm sát nói là có hậu quả là chưa thỏa đáng, vì bản án sơ thẩm xử Huỳnh Thị Huyền Như chưa có hiệu lực.
Bị cáo Lý Xuân Hải cũng đề nghị được làm rõ trách nhiệm cá nhân bị cáo liên quan đến việc ra nghị quyết về mua cổ phiếu, còn “để mua cổ phiếu của ACB” theo bị cáo chỉ là suy luận. Bởi lẽ, chỉ đến thời điểm 30/6, khi gặp đại diện Công ty kiểm toán, bị cáo Hải mới biết được thông tin ACBS mua cổ phiếu ACB.
“Đây không phải đơn giản là 8 năm tù mà còn là danh dự của tôi. Tôi không thể chịu trách nhiệm về việc tôi không làm” – bị cáo Hải trần tình.
Phần tranh luận của Luật sư Vũ Xuân Nam (bào chữa cho bị cáo Kiên) dường như gây “mệt mỏi” cho những người dự phiên tòa. Đại diện VKS và HĐXX đã đề nghị luật sư nên “nói gọn lại”. Đại diện VKS đề nghị luật sư đưa ra các nội dung cụ thể cần tranh luận. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên cũng đề nghị “anh Nam tạm nghỉ để tôi bổ sung ý kiến. Còn tôi có gì thiếu sót anh Nam sẽ bổ sung”. Tuy nhiên, Luật sư Vũ Xuân Nam không đồng tình với đề xuất này của thân chủ mà tiếp tục phần bào chữa.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục làm việc.
Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?