Viettel đang bắt đầu cho tiến trình chuyển từ một tập đoàn dịch vụ thành một tập đoàn dịch vụ - công nghệ và mang khát vọng đưa tên Việt Nam vào danh sách các quốc gia có tên trên bản đồ công nghệ thế giới.
|
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Liên tục trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp ICT Việt Nam tuyên bố đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển (R&D) để có sản phẩm công nghệ hàng đầu. Trong đó Viettel nổi lên như là mô hình "độc" bởi rất ít nhà cung cấp dịch vụ nhảy vào lĩnh vực sản xuất thiết bị công nghệ. Không phải đến thời điểm này, Viettel mới tuyên bố nhảy vào lĩnh vực công nghệ bởi mấy năm trước doanh nghiệp này đã ấp ủ tham vọng bằng việc lập ra một đơn vị trực thuộc là Viettel Technologi.
Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, hiện điện tử, viễn thông và CNTT đang ăn sâu vào mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Những nhân lực công nghệ cao, những xưởng thiết kế, những nhà máy, dây chuyền sản xuất, thậm chí cả những sản phẩm hoàn thiện đang nằm sẵn trên kệ hàng, chờ đón những thị trường và nhà đầu tư mới. Những khó khăn thời kỳ chiến tranh lạnh đang lùi vào dĩ vãng, và thay vào đó là một môi trường cởi mở hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, giá cả phải chăng hơn. Cộng với đó là chủ trương thuê ngoài của các nước phát triển đã biến các quốc gia có mức độ phát triển thấp hơn thành các công trường sản xuất của thế giới nhằm thu lợi tối đa, nhưng mặt khác cũng là cơ hội để các nước kém phát triển tiếp cận đến công nghệ cao dễ dàng hơn. Nhận biết được xu thế này, rất nhiều nước trong khu vực, đặc biệt là Trung quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và một số nước khác, đã có những bước đi chiến lược phù hợp, để chuyển đổi từ một nước lệ thuộc công nghệ trở thành một nước làm chủ về công nghệ và dần tiến tới dẫn đầu về công nghệ trong một số lĩnh vực quan trọng. Các viện nghiên cứu của các nước này đang tập trung vào những lĩnh vực công nghệ nóng bỏng như nhiên liệu, vật liệu, sinh học, bán dẫn, tin học… Những lĩnh vực trước kia là sân chơi riêng của các cường quốc công nghệ, thì nay đã có sự góp mặt của các thành viên mới. Những thành công bước đầu khẳng định tính đúng đắn của con đường mà họ đã chọn và góp phần tạo ra một tương lai đầy hứa hẹn cho các quốc gia này.
Ông Tống Viết Trung cho rằng, nếu nhìn lại sự phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam trong những năm vừa qua, chúng ta không khỏi không lo lắng. Thiếu vốn, thiếu nhân lực, sự dàn trải trong đầu tư, thiếu mục tiêu thực tiễn, không có kết nối giữa nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh... đã và đang làm hao tổn niềm tin, nguồn lực và cơ hội cho Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Viettel đã quyết định đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. "Chúng tôi hiểu rằng đây là một chặng đường dài, đầy khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và đầu tư lớn. Nhưng như mọi người thường nói “Có đi thì mới đến được”, Viettel đã khởi động trên con đường dài, và bắt đầu cho một tiến trình biến Viettel từ một tập đoàn dịch vụ thành một tập đoàn dịch vụ - công nghệ, góp phần đưa tên Việt Nam vào danh sách các quốc gia có tên trên bản đồ công nghệ thế giới", ông Tống Viết Trung nói.
Có thuận lợi, nhưng cũng nhiều thách thức
Viettel cho biết, khi nhảy vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất thiết bị thì tập đoàn này cũng có nhưng lợi thế là nguồn vốn. Trong những năm vừa qua, Viettel đã tích tụ được nguồn vốn lớn hàng chục nghìn tỷ đồng. Với chính sách của Nhà nước cho phép trích 10% lợi nhuận trước thuế để chi cho R&D nên Viettel có đủ điều kiện để đầu tư cho các dự án nghiên cứu có qui mô lớn. Bên cạnh đó, Viettel đang sở hữu mạng lưới hạ tầng lớn nhất Việt Nam và có đội ngũ nhân viên kỹ thuật, kinh doanh được phân bổ rộng khắp cả nước, với uy tín sẵn có của nhà cung cấp dịch vụ, nên Viettel có ưu thế trong các dự án viễn thông và CNTT có qui mô lớn.
Ông Tống Viết Trung cho biết, mặc dù là một doanh nghiệp Nhà nước, nhưng Viettel được áp dụng cơ chế tiền lương tiên tiến, trên cơ sở 23% lợi nhuận có được (chưa bao gồm chi phí lương). Cơ chế này cho phép Viettel có thể trả lương theo sự đóng góp, phấn đấu của từng cá nhân, giúp giải quyết được bài toán thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel, bình quân thu nhập của một kỹ sư trưởng có 5 năm kinh nghiệm khoảng 32 triệu đồng/tháng, tương đương một cán bộ quản lý có 8 – 10 năm công tác.
Tuy nhiên, ông Tống Viết Trung cũng cho rằng việc nhảy vào lĩnh vực này sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Trong đó, việc tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao bao gồm cả hai đối tượng là nghiên cứu viên và các nhà quản lý đang bị hạn chế. Trong khi đó, khả năng tiếp cận đến các công nghệ chưa phổ biến, khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm, giá thành và khả năng thương mại hóa vẫn còn là thách thức đối với Viettel so với các đại gia công nghệ lớn trên thế giới.
"Khát vọng đưa ra những sản phẩm “Made in Vietnam, Made by Viettel” là nỗi trăn trở của mỗi con người Viettel trong giai đoạn mới. Những chiến lược trong lĩnh vực sản xuất thiết bị đã dần được hình thành rõ nét và đem lại những bước tiến, những thành công ban đầu trong hoạt động này", ông Tống Viết Trung nhấn mạnh.
Trong năm 2011, Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel đã hoàn thành nghiên cứu thiết kế và cho ra đời 16 mẫu sản phẩm, bao gồm nhiều sản phẩm trong lĩnh vực dân sự như thiết bị cảnh báo sóng thần, cảnh báo hồ chứa, USB 3G, điện thoại 3G…
Viettel nhảy vào lĩnh vực công nghệ vì niềm tin ở thị trường
Ông Tống Viết Trung cho rằng, lợi thế để Viettel nhảy vào lĩnh vực công nghệ chính là thị trường. Qua quá trình phát triển của mình Viettel đã tạo ra một thị trường hàng trăm triệu khách hàng cả trong và ngoài nước. Mỗi năm Viettel phải bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng để đầu tư cho mạng lưới và cũng tương tự như vậy phải đầu tư hàng ngàn tỷ cho thiết bị đầu cuối. Nếu Viettel chỉ cần chủ động sản xuất được một phần trong số đó thì đã tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng. Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh doanh, trong nhiều năm vừa qua, Viettel đã có sự đầu tư lớn cho R&D bởi Viettel hiểu rằng mọi cuộc cạnh tranh, kể cả qui mô giữa các doanh nghiệp hay giữa các quốc gia, cuối cùng đều phụ thuộc vào khả năng làm chủ về khoa học - công nghệ của doanh nghiệp hay quốc gia đó.
"Dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) trên mạng là không gian sáng tạo vô tận và có khả năng tạo nguồn thu lớn. Ngày nay khách hàng sử dụng dịch vụ của nhà mạng không chỉ dùng để gọi điện và nhắn tin. Doanh thu dịch vụ GTGT ở một số nước tiên tiến đã đạt trên 50% trên tổng doanh thu và thật sự đây là mảng mà các nhà cung cấp dịch vụ có ưu thế tuyệt đối. Như vậy có thể nói thị trường là điều kiện tiên quyết để Viettel quyết định chiến lược đầu tư cho R&D. Chính vì vậy, trong những năm vừa qua Viettel đã liên tục mở và khai trương dịch vụ tại các thị trường mới", ông Tống Viết Trung nói.
Hiện Viettel đang đặt mục tiêu đến năm 2015 có một thị trường quốc tế với 500 triệu dân và đẩy mạnh hoạt động R&D, tiến đến tự sản xuất được các trang thiết bị viễn thông và CNTT phục vụ cho thị trường này.
Viettel chi 2.000 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu và phát triển
Ông Nguyễn Đình Chiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel cho biết: Chỉ mới tham gia lĩnh vực nghiên cứu sản xuất thiết bị được 2 năm nhưng Viettel đã thu được một số thành quả đầu tiên góp phần khẳng định khả năng nghiên cứu làm chủ công nghệ và sản xuất các sản phẩm phức tạp. Trong năm 2011, Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel đã hoàn thành việc nghiên cứu thiết kế và cho ra đời 16 mẫu sản phẩm trong số 22 sản phẩm Viện đang tiến hành nghiên cứu chế tạo. Trong đó có nhiều sản phẩm trong lĩnh vực quân sự được Bộ Quốc phòng đánh giá cao và 7 sản phẩm trong lĩnh vực dân sự phục vụ nhu cầu quản lý Nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh như thiết bị cảnh báo sóng thần, cảnh báo hồ chứa, thiết bị giám sát nhà trạm, tủ nguồn, USB 3G, điện thoại 3G… “Mục tiêu phát triển R&D của Viettel là làm chủ sản phẩm tạo ra từ A đến Z (từ nghiên cứu, thiết kế đến sản xuất). Đến năm 2015, doanh thu từ hoạt động nghiên cứu sản xuất thiết bị đạt 1 tỷ USD, quy mô lực lượng nghiên cứu sản xuất thiết bị đạt 15.000 người”, ông Nguyễn Đình Chiến nói.
Theo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2011 của Viettel, Tập đoàn này đạt lợi nhuận trước thuế 20.000 tỷ đồng. Với chính sách của Nhà nước cho phép trích 10% lợi nhuận trước thuế để chi cho R&D, thì năm 2012, hoạt động R&D của Tập đoàn được nhận tới 2.000 tỷ đồng đầu tư. Với số vốn này, Viettel hoàn toàn có đủ điều kiện để đầu tư cho các dự án nghiên cứu có qui mô lớn, qua đó hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel có năng lực nghiên cứu mạnh, làm chủ thiết kế các thiết bị viễn thông từ thiết bị đầu cuối, thiết bị truy nhập đến thiết bị lõi.
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành