Nữ diễn viên tài hoa của nền điện ảnh Việt Nam không ngại kể lại khoảnh khắc hạnh phúc cũng như thời điểm đau khổ đến mức "lập một kế hoạch... chết".
|
Có lẽ những ai đã ở bên cạnh, đi cùng với hành trình của Việt Trinh qua một chặng đường dài đều thấy rằng cuộc đời của ngôi sao điện ảnh một thời không khác gì tiểu thuyết với đầy đủ những cung bậc, hào quang và cũng không ít sóng gió, lựa chọn hạnh phúc và chấp nhận mất mát, trên đỉnh cao danh vọng nhưng cũng có những khoảnh khắc cô độc và đau đớn đến tận cùng. Nhưng sau tất cả đã là một cuộc sống bình an và hạnh phúc đã được tìm thấy trong trái tim đã quá nhiều rạn vỡ …
Bỏ đầm, váy chọn quần bụi
- Không biết bây giờ gọi Việt Trinh là đạo diễn hay diễn viên thì phù hợp nhất?
- Lúc này tôi không còn hào hứng với chuyện đóng phim, mà bắt đầu thích vai trò là người tạo ra sản phẩm và thỏa sức sáng tạo trên phim trường. Tôi thấy thoải mái hơn trong trang phục bụi bặm, đi dép lê, không trang điểm và thật sự thấy hào hứng khi ra phim trường ở vai trò làm đạo diễn.
- Nhưng chị cũng mới xuất hiện trong vai trò là diễn viên trong bộ phim Câu chuyện cuối mùa thu vừa được phát sóng?
- Đúng vậy, nhưng kỳ lạ là chẳng ai nhớ nhân vật Kiều Giang của tôi mà chỉ nhớ tôi là đạo diễn phim Trở về, dù Kiều Giang ngày nào cũng “phơi mặt” trên màn ảnh còn ở Trở về thì tôi không có lấy một giây xuất hiện trên khung hình. bây giờ tôi thấy mệt với chuyện phải ăn mặc đẹp, trang điểm cầu kỳ, mang giày cao gót và xuất hiện trước công chúng bằng những chuẩn mực cần thiết.
- Có lẽ mọi thứ đã ở ngưỡng đủ của hào quang và chị không cần thêm nữa?
- Có lẽ vậy. Với vai trò là diễn viên thì có lẽ cái gì cũng đã trải qua rồi, vai diễn dạng nào cũng đã đảm nhận. Còn làm đạo diễn mọi khó khăn thử thách còn ở phía trước, là sự khám phá khả năng của bản thân và thử thách chinh phục khán giả. Sau khi đóng phim Câu chuyện cuối mùa thu, tự nhiên tôi có ý nghĩ là thôi, chắc không đóng phim nữa.
- Điều đó là thật chứ?
- 90% là vậy. Những vai diễn không còn hấp dẫn tôi nữa.
- Hay là vì vai Ngọc Trầm lúc nhỏ của chị bị khán giả phản ứng vì tạo hình quá xì tin?
- Cũng không hẳn vậy. Phim Câu chuyện cuối mùa thu tôi đảm đương hai vai – một vai mẹ và một vai con. Vào vai mẹ tôi thấy thoải mái vì dạng đó mình cũng đóng nhiều. Nhưng vào vai con - Kiều Giang, tin không, đóng phim mấy mươi năm rồi vậy mà vào vai này thời gian đầu trên trường quay tôi còn bị đơ. Không biết có phải vì mình mất lửa hay là đã hết duyên với các vai diễn hay không. Nhưng chắc là thôi, vai trò đạo diễn bây giờ hấp dẫn tôi hơn.
Hình ảnh đạo diễn Việt Trinh
Con trai tôi sẽ biết cha bé là ai
- Cứ lao theo những dự án phim mới như vậy, con trai chị - bé Thiện Nhân ở nhà làm sao?
- Bé có người trông. Mà tôi cũng không đi đâu quá lâu, lần trước làm phim mấy tháng ghi hình ở Campuchia, về con không thèm nhìn mặt mẹ. Thương lắm!
- Mỗi lần nhắc con là thấy mắt chị vui ngời ngời?
- Con trai là niềm hạnh phúc nhất đời tôi đấy. Cu Nhân là điểm tựa và cũng là tất cả tình yêu trong trái tim tôi. Công việc cũng có những lúc thật sự khó khăn đến mức muốn bật khóc, nhưng cứ nghĩ đến bé Nhân, tôi lại cố hết sức để vượt qua. Vì nếu gánh áp lực tâm lý quá lớn thì cũng sẽ tạo nên một từ trường rất xấu cho con mình. Lúc nào tôi cũng nghĩ mình chỉ được mang về nhà niềm vui và tình yêu thương không vướng bận cho gia đình nhỏ của mình.
- Gia đình nhỏ nhưng khuyết mất một ngọn nến, có khiến trái tim người mẹ đôi lúc phải se lòng?
- Có chứ! Tất nhiên cuộc sống của tôi bây giờ là do bản thân tôi lựa chọn và quyết định. Tôi thấy mình cũng đủ đầy hạnh phúc bên cạnh con trai tôi và cũng tin mình đủ sức mạnh và nghị lực, vốn sống đủ để dạy dỗ con trai nên người. Nhưng ai mà tránh được những khoảnh khắc cũng cảm thấy chạnh lòng.
Rất nhiều lần đi công tác, ngồi nói chuyện với những người phụ nữ có gia đình hạnh phúc trọn vẹn, cũng có một chút mủi lòng khi ai đó phản đối chuyện nuôi con đơn thân, hay chia sẻ những hạnh phúc đủ đầy mà họ đang có. Con người, nhất lại là con gái, ai mà không muốn mình có được một gia đình trọn vẹn đâu. Nhưng, sau cái chữ nhưng đó phải là mấy ngàn dấu chấm cho hàng ngàn lý do tan vỡ.
Việt Trinh hạnh phúc với tình yêu đã dành trọn cho con
- Nhưng bé Thiện Nhân là lựa chọn của chị, chưa phải thuộc về tan vỡ…?
- Tôi đã rơi vào hoàn cảnh mà không ai muốn điều đó cả. Chúng ta không thể lý giải được cuộc sống với những điều không phải ta cứ muốn là được. Hạnh phúc cũng vậy. Có người gãy gánh giữa chừng, có người phải đi thêm bước nữa, rồi yêu thương chỉ từ một phía mình thôi cũng chưa đủ để giữ hạnh phúc cho trọn vẹn. Cuộc sống của tôi bây giờ không đơn độc, không đau khổ, tôi biết mình đang có được điều gì và tôi quý trọng cái hạnh phúc mà mình đang có.
- Một đứa trẻ thiếu cha đôi khi lớn lên bằng một sự thiếu vắng tình thương không thể lấp đầy?
- Tôi cũng là một đứa trẻ thiếu vắng tình cha, hơn ai hết tôi hiểu sâu sắc điều đó, biết ở thời điểm nào trẻ nhỏ sẽ bị những chấn động, tổn thương tâm lý. Suốt những năm cấp 2 tôi luôn buồn bã, hành hạ mẹ bằng đủ mọi lý do, những câu hỏi cắc cớ về cha tôi nhưng rồi cũng đến thời điểm trưởng thành, nhận thức được tất cả những được mất quanh mình. Cuộc sống rồi cũng vững vàng. Chính vì vậy, tôi tin mình đủ sức mạnh để có thể đưa bé Nhân lớn lên với cuộc đời, sẽ không để bé phải cảm thấy thiếu vắng, thiệt thòi và nhất là không có khoảng trống đơn độc để bé phải hỏi mẹ những câu hỏi như tôi đã từng.
- Nhưng bé Nhân sau này có quyền biết cha bé là ai?
- Biết chứ, lớn lên tự khắc bé sẽ được biết. Chỉ là mọi người sẽ không biết thôi (cười). Bé trầm tính giống ba.
Không chia sẻ hình ảnh con trai trên báo nhưng lúc nào chị cũng sẵn sàng nói về con trai bằng tất cả tình yêu
- Bé Thiện Nhân có đủ lấp đầy những khoảng trống trong trái tim?
- Bé Nhân đã đầy nghẹt trong tim tôi rồi. Tôi vui buồn theo con đến mức đồng nghiệp hay trêu “trời ơi chưa thấy ai mê con như Việt Trinh!”. Tôi thường ôm con thì thầm vào tai bé rằng: “Nhân ơi, có bao nhiêu tình thương trong cuộc đời này mẹ đã dành cho con hết rồi đó, con biết không?”. Tôi thích được ôm trọn con trai trong vòng tay, dù là trong đêm tối có yên lặng cô tịch đến như thế nào thì tôi vẫn thấy trái tim mình có được một nguồn năng lượng ấm áp.
- Yêu con như vậy nhưng không bao giờ thấy chị khoe con trên báo?
- Không, tôi giấu chứ không khoe. Tôi muốn con tôi có cuộc sống bình thường, không làm nghệ thuật, không hào quang. Bé Nhân rất mê đàn, lần nào đến nhà ai chơi mà thấy đàn guitar là ôm chặt cứng, tôi hay đùa bảo bé thôi nghe con, lớn lên không có cho đi theo nghệ thuật. Mới đây tôi mới phát hiện cái miệng Nhân rất giống tôi, là khi xem phim Câu chuyện cuối mùa thu, thấy nhân vật Kiều Giang khóc tôi mới ngờ ngợ sao mà cái miệng khóc này… quen quá! Về nhà thấy con khóc tôi mới nhận ra, đúng là bé khóc rất giống mẹ.
Tôi sợ nhất nước mắt của má
- Đã chạm vào hạnh phúc lớn nhất, nhưng có không trong đời chị - nỗi đau lớn nhất?
- Là ngày tôi mất mẹ, vào năm 2004. Lúc đó, tôi đã nghĩ mình mất tất cả. Gần như tôi mất trí nhớ suốt những ngày sau đám tang của má tôi. Mấy ngày má bị chuyển vào bệnh viện, tôi đã đau khổ tột cùng, má cứ sống đi chết lại trên tay tôi năm lần bảy lượt. Tôi cứ như mất trí, thì thầm vào tai má là má ơi con thương má lắm. Tôi cũng ngất lên xỉu xuống mấy lần, nhưng lúc anh trai tôi báo tin “Trinh ơi, má đi rồi!” thì tôi hoàn toàn tỉnh táo. Đi lơ ngơ vào bệnh viện mà tôi không biết tại sao mình có thể bình tĩnh đến lạ lùng như vậy. Nhưng mấy ngày sau thì tôi mê sảng, ú ớ nói những điều kỳ lạ đến mức gia đình phải nhờ các thầy về cầu an cho tôi.
- Còn điều gì mà chị chưa làm được cho ước nguyện của mẹ khi còn sống không?
- Lúc tôi đóng phim mới nổi tiếng vào năm 1992, gia tài của tôi được 20 triệu đồng. Má tôi muốn mở ngân hàng cho người nghèo mượn không phải trả lãi. Nhưng anh em tôi đều cản vì biết khó mà thực hiện được. Má tôi còn đòi bán nhà để giúp người nghèo, mãi đến sau này tôi cũng không có điều kiện làm cho má. Nhưng tôi nghĩ, đến một lúc nào đó nếu đủ duyên, tôi sẽ làm thay ước nguyện của má. Tất nhiên vẫn sẽ lấy lãi suất thấp vừa đủ duy trì hoạt động của ngân hàng, hoặc là tổ chức những hoạt động giúp người nghèo nhiều nhất có thể trong khả năng của mình.
- Một thời vàng son của chị - cũng là tiền đề cho cả một thời “bi ai” trong cuộc sống riêng, mẹ chị có chia sẻ được với tâm tư của con gái?
- Má không tham gia ý kiến vào bất cứ công việc riêng của tôi, chỉ cho con cái nền tảng để sống như thế nào. Tôi cũng không muốn má biết những gì mình phải gánh chịu. Má đau khổ không thể nào cho con biết, má chỉ có những lời dạy kịp thời. Má hay có những cách nói để con cái hiểu được rằng má đã biết chuyện, con đã lớn rồi, phải biết làm những gì tốt nhất cho cuộc sống của con, đừng để phải ảnh hưởng điều gì đến gia đình. Cuộc sống, cái gì tôi cũng không sợ, nhưng sợ nhất là nước mắt của má.
- Vậy có bao giờ chị khiến mẹ phải khóc vì chị không?
- Đó là niềm ăn năn lớn nhất mà khi má mất đi tôi mới hiểu mình không cách nào chuộc lại lỗi lầm. Tôi là út, má thương nhưng cũng hay la rầy. Một lần chở má đến nhà chị trong con hẻm không hiểu sao tôi làm một tràng, hỏi sao má không thương con, hờn trách đủ điều và cũng lớn tiếng hỗn hào quá đáng. Má không nói gì chỉ lặng lẽ đi vào nhà chị.
Nhưng nhìn má đi bước thấp bước cao tôi linh cảm được là má đang khóc. Khóc mà không cho con cái biết. Khi quỳ trước quan tài của má mới nhớ đến những lời đã nói của má. Đó là điều tôi hối tiếc nhất. Sau này có những cuộc nói chuyện với các bạn trẻ tôi hay khuyên các em rằng khi nào mẹ còn sống đừng làm điều gì khiến cho mẹ khóc. Bởi vì khi mẹ mất mình không cách nào có thể chuộc lại được lỗi lầm.
Có lúc đã nghĩ đến cái chết
- Báo chí có từng gây thêm sóng gió trong cuộc đời của chị?
- Có chứ! Nhiều lần nữa là đằng khác. Ngày trước mỗi khi có bài báo nào khai thác quá nhiều chuyện về đời sống riêng tư, tôi đều giấu hết không cho má tôi xem. Tôi không muốn má buồn. Nếu phải khóc, tôi chỉ khóc một mình thôi.
- Người của công chúng vẫn hay bị soi mói đời tư, rồi cũng thành quen phải không?
- Quen là khi mình đã chấp nhận được tất cả những thị phi nhưng cũng có lúc quá sức chịu đựng. Có một thời gian suốt 4 tháng ròng rã tôi không dám ra đường vì dư luận bủa vây mình. Tôi tự hỏi mình đã làm điều gì sai mà phải gánh chịu những mũi dùi phán xét đến như vậy trong khi tất cả cũng chỉ là chuyện riêng của cá nhân tôi, gia đình tôi. Có lúc, tôi đã nghĩ đến cái chết và đã hoạch định cho mình cả thời gian để ra đi vì không chịu nổi những lời cay nghiệt.
- Một kế hoạch chết?
- Đêm trước ngày nghĩ rằng mình sẽ chọn cách buông xuôi, bỏ cuộc, tôi uống rượu rất nhiều và nghĩ quẩn. Không tìm thấy lối thoát cho bản thân, duy nhất một ý nghĩ le lói khi thức dậy vào buổi sáng, đầu óc vẫn còn váng vất là nghĩ thôi trước khi quyết định cái gì thì đi chùa, thả lòng thanh thản trước đi đã. Vậy là tôi tìm đến cửa chùa như một duyên may, nói chuyện với sư cô cả buổi về nhân tình thế thái.
Đến lúc ra về thì tư tưởng được đả thông hồi nào không hay, tôi không còn nghĩ đến cái chết nữa. Mãi mãi về sau này không bao giờ có ý định làm gì nông nổi để phải “trả tiền ngu” cho bệnh viện. Nhưng thật sự ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh, chỉ một chút nữa thôi là tôi đã bước qua ranh giới đó!
- Nhưng trái tim con người luôn đủ sức kiên cường và càng mạnh mẽ hơn sau những niềm đau?
- Thật vậy, càng lúc tôi càng hiểu sâu sắc rằng cái gì rồi cũng qua, thời gian có giá trị của riêng nó. Mọi thị phi hiểu lầm hay phán xét nhẫn tâm nào rồi thì cũng sẽ qua đi. Nếu đang ở trong vòng xoáy của dư luận, bản thân mình càng thanh minh thì mọi việc sẽ càng thêm rối rắm. Tôi hiểu rằng im lặng mới là điều cần thiết nhất.
- Dù thế nào thì đường vẫn còn dài, cánh cửa tình cảm không có nghĩa đã khép lại mãi mãi trước chị?
- Tôi không dám nói trước điều gì nhưng hiện tại tôi cũng không nghĩ đến điều gì khác hơn ngoài công việc. Tôi có nhiều đồng nghiệp nam, nhưng đến với nhau cũng chỉ là trong mối quan hệ công việc, bạn bè thân quý. Còn không có ai đến để nói “mình yêu nhau đi”, chắc là giờ già xấu rồi nên không ai thèm.
- So với diễn viên cùng thời, có thể nói Việt Trinh đến giờ vẫn trẻ, có bí quyết nào đặc biệt không?
- Trời, không biết nói sao cả. Thật sự mọi thứ đều bắt đầu từ bên trong tâm mình cả. Tất nhiên là không ai có thể cưỡng lại quy luật của tạo hóa. Đức Phật đã nói là con người làm sao mà răng không rụng tóc không bạc da không nhăn. Nhưng cái tâm của mình có bình an thanh thản không mới là quan trọng.
Ngày xưa tôi cố gắng đi massage, bôi kem dưỡng da cho nhiều nhưng bây giờ thì tôi thay đổi hoàn toàn, chẳng đế ý đến những biện pháp làm đẹp nhân tạo đó nữa. Giờ tôi ăn nhiều rau, ngủ đủ giấc mà quan trọng nhất là tâm hồn vui vẻ. Nếu ánh mắt, giọng nói buồn thì làm sao mà khuôn mặt tươi tắn được.
- Phật Pháp cũng giúp chị thanh tịnh ít nhiều?
- Hồi đó, tôi cũng là người hay sân si, thấy ai có cái gì mình không có thì cũng không chịu. Nhưng giờ thì thấy những thứ đó là phù phiếm, không có gì là quan trọng. Cái gì tôi cũng đã trải qua rồi, đứng trên đỉnh hào quang và cũng đã rơi xuống vực sâu tuyệt vọng, hiểu được những được mất trong cuộc đời mình.
Tôi đã đến với Phật Pháp, và đã tìm thấy cách giải thoát cho tất cả những muộn phiền của mình. Rốt cuộc, cái gì trong cuộc sống này, cả hạnh phúc và khổ đau thì cũng có những quy luật riêng của nó, đến và đi như phù du. Và chúng ta sẽ phải chấp nhận tất cả những là những điều hiển nhiên cần phải đi qua trong cuộc đời mình.
- Đàm Vĩnh Hưng không thể hủy đơn kiện chồng tỷ phú của ca sĩ Bích Tuyền?
- MC Thành Trung sở hữu khối tài sản khủng cỡ nào ở tuổi 41?
- Thương Tín được người nhà đưa lên TP.HCM khám bệnh, nhìn chân của nam nghệ sĩ mà dân tình xót xa
- Dương Triệu Vũ hé lộ 'thế lực' giúp Đàm Vĩnh Hưng giải quyết vụ kiện triệu đô
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành