Về nơi học sinh làm chủ lớp học, làm "cô giáo"
Thứ tư, 11/12/2013 14:23

Ngay tại Hà Nội, có một trường học không dạy theo cách truyền thống.

Khi học sinh đã quen với mô hình, giáo viên chỉ hướng dẫn các em tự học hỏi

Khi học sinh đã quen với mô hình, giáo viên chỉ hướng dẫn các em tự học hỏi

Bàn ghế không sắp xếp thứ tự, ngăn nắp. Cô giáo không đứng từ trên truyền thụ kiến thức xuống cho học sinh theo kiểu một chiều. Ở đó, học sinh quây bàn lại, học theo nhóm, mà "cô giáo" chính là học sinh...

Chúng tôi có mặt tại lớp 3E trong giờ học chính khóa. Quang cảnh lớp học thật "bất thường". Bàn ghế xếp chụm vào nhau, học sinh quay sang trao đổi, trò chuyện về bài vở trong khuôn khổ. Trưởng nhóm năng nổ, hướng dẫn bạn như cô giáo. Còn cô giáo Nguyễn Thị Thúy, chủ nhiệm lớp 3E, Trường tiểu học Tả Thanh Oai (Thanh Trì - HN) thì đi lại giữa các nhóm. Hỗ trợ các em những bài toán khó.

Cô Thủy nhận xét: “Đây là mô hình VNEN được áp dụng từ năm học 2012 - 2013 đối với 4 lớp, mỗi lớp sĩ số từ 35-40 học sinh. Với sĩ số này thì cô giáo phải rất năng động, sáng tạo và nhiệt tình thì chất lượng lớp sẽ đi lên kể cả về kiến thức lẫn kỹ năng, cũng như rèn luyện phẩm chất cho học sinh”.

Theo cô Thúy, lúc đầu mới áp dụng giáo viên và học sinh rất bỡ ngỡ, thôi thì ai biết đến đâu làm đến đó, cô giáo vất vả vừa quản lý học sinh vừa tham gia hướng dẫn cho các em. Khi mới áp dụng nếu theo mô hình cũ cô giảng trò nghe, 40 phút xong một bài. Nhưng áp dụng mô hình mới, cô giáo không phải soạn giáo án, cô trò phải vừa học vừa hướng dẫn mất 1 tiết rưỡi mới xong một bài…

Là người trực tiếp đứng lớp, cô Thúy - giáo viên Trường tiểu học Tả Thanh Oai cho biết thêm: “Nếu lớp học quá đông sẽ rất là vất vả đối với giáo viên lẫn học sinh. Lớp học chật, việc trang trí các góc cũng gặp khó khăn, trong khi đó giáo viên cũng rất khó quan sát được bao quát hết các nhóm nên dẫn đến đôi khi học sinh rất mất trật tự”.

Trong nội dung mô hình VNEN, để cô giáo đỡ vất vả hơn, học tập được hiệu quả hơn, nhà trường đã lấy học sinh các lớp thí điểm năm trước để làm “trưởng nhóm” cho các lớp năm sau. Mục đích là để các “nhóm trưởng” này hướng dẫn các bạn học theo mô hình VNEN. Thời gian đầu các “trưởng nhóm” này sẽ được giữ các trọng trách trong Hội đồng tự quản, trưởng nhóm… Sau khi lớp đã nhuần nhuyễn về VNEN thì việc tiến hành bầu lại sẽ do chính các thành viên biểu quyết.

Theo cô Nguyễn Thị Thúy, mới đầu áp dụng cả cô và trò đều bỡ ngỡ, nhưng giờ đã quen với mô hình

Mô hình VNEN chia mỗi lớp ra làm 7 nhóm, mỗi nhóm gồm 7 học sinh (gồm 1 trưởng nhóm). Khi vào lớp các em sẽ tự mở sách ra học, làm toán dưới sự hướng dẫn của trưởng nhóm. Trường hợp làm bài khó khăn hơn, cô giáo sẽ hướng dẫn.

Nếu như ở trong nội thành sĩ số lớp lên đến 50 học sinh thì cơ sở vật chất không thể đáp ứng được. Điều đầu tiên thực hiện mô hình là lớp phải đủ rộng. Nếu lớp học đông học sinh quá thì cần phải có hai cô giáo mới giám sát hết được các nhóm, đặc biệt là các em học sinh yếu.

Mặc dù mới áp dụng mô hình VNEN 2 năm nay, nhưng hiệu quả học tập mang lại của các em học sinh tại Trường tiểu học Tả Thanh Oai (Hà Nội) thực sự tốt hơn, học sinh bạo dạn hơn, tự học hỏi, tự khám phá, chủ động trong học tập… Nếu như năm học 2012-2013, trường thí điểm 2 lớp 2 và 2 lớp 3 theo học mô hình VNEN thì năm nay, toàn bộ khối lớp 2, 3 và 4 đều được tham gia.Cô Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng Trường tiểu học Tả Thanh Oai cho biết: “Khi thực hiện mô hình, chúng tôi đã vận động phụ huynh học sinh thực hiện xã hội hóa giáo dục, vận động học sinh đến lớp trước khai giảng để tổ chức lớp học “hạt nhân” là các em trưởng nhóm.

Theo cô Nga, nếu học sinh nào mà yếu hơn các bạn sẽ được tổ chức và bồi dưỡng riêng để các em có đủ năng lực cơ bản ban đầu để có thể tự học được với các bạn. Chính vì thế, lớp học phù hợp khi có sĩ số lớp khoảng 35 học sinh là đủ, đối với các vùng sâu, vùng xa… sĩ số lớp thấp thì chắc chắn mô hình này sẽ rất là tốt.

Mỗi nhóm có khoảng 7 em học sinh tự học, nếu bạn nào không hiểu, nhóm trưởng sẽ giảng giải

Cô giáo Đào Hồng Huyền, một giáo viên trực tiếp đứng lớp cho biết: “Mô hình VNEN đã mang lại hiệu quả ban đầu học sinh đã tự khám phá, tự học hỏi lẫn nhau, không nhút nhát, tự ti… như học theo cách truyền thống. Khi thực hiện kiểm tra chéo, các cô giáo Trường tiểu học Tả Thanh Oai đã lấy đề thi của 1 lớp học truyền thống tổ chức làm bài thi cho các học sinh theo lớp học nhóm, kết quả các em làm rất tốt.”

Mô hình VNEN đã đem lại thành công bước đầu ở Trường tiểu học Tả Thanh Oai, Phòng GD-ĐT huyện Thanh Trì đã quyết định triển khai mở rộng ra tất cả các trường tiểu học thuộc địa bàn. Thời gian đầu các trường chỉ thực hiện ở một số lớp, sau khi học sinh làm quen với mô hình sẽ nhân rộng ra toàn bộ các khối lớp.

Bộ GD&ĐT đang tổ chức nghiệm thu đánh giá hiệu quả mô hình, sau đó sẽ nhân rộng các trường tiểu học trong cả nước.

Năm học 2013-2014, cả nước có 1447 trường tiểu học áp dụng mô hình VNEN. Điểm nổi bật của mô hình này là đổi mới về các hoạt động sư phạm, một trong những hoạt động đó là đổi mới về cách thức tổ chức lớp học. Theo mô hình của trường học mới, quản lí lớp học là “Hội đồng tự quản học sinh”, các “ban” trong lớp, do HS tự nguyện xung phong và được các bạn tín nhiệm. “Hội đồng tự quản học sinh” là một biện pháp giúp HS được phát huy quyền làm chủ quá trình học tập, giáo dục. HS có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong môi trường giáo dục, được rèn các kĩ năng lãnh đạo, kĩ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động.

Điều đặc biệt hơn cả ở mô hình này đó là ngay ở trong lớp học đã hình thành những hoạt đồng gần gũi với học như như Góc khoa học, Góc chia sẻ, Điều em muốn nói… Thông qua những góc hoạt động này, giáo viên (GV) có thể dễ dàng nắm bắt được tâm lý của các em để có sự can thiệp, giúp đỡ kịp thời.

Infonet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: Học sinh , Mô hình , VNEN , Giáo dục , Hà Nội , Giảng dạy