Ukraine bên bờ phá sản, muốn tái hợp Crimea và Donbass
Thứ bảy, 17/01/2015 21:55

Nếu không có nhiều tỷ USD trong thời gian sớm, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Ukraine sẽ bị sụp đổ.

Ukraine đã quyết định Tổng động viên để có thêm lực lượng cho cuộc chiến ở miền Đông

Ukraine đã quyết định Tổng động viên để có thêm lực lượng cho cuộc chiến ở miền Đông

 

Bên cạnh đó, Tổng thống Poroshenko cũng đã phác thảo con đường để hợp nhất Crimea và Donbass.

Giám đốc Andriy Logvin của Modnakasta - một trong những doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến lớn nhất Ukraine cho biết hiện giờ công ty ông đang cố gắng chống chọi với các khó khăn để sinh tồn. Việc kinh doanh đã tăng gấp đôi trong năm ngoái nhưng vì đồng nội tệ hryvnia mất giá, khiến công ty gần như bị phá sản.

Cuộc chiến với lực lượng ly khai ở miền đông đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 5.000 công dân và binh lính, phá hủy nhiều thị trấn, thành phố và khiến hàng trăm nghìn người phải sống lang thang trên các đường phố.

Ukraine còn đang phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng lớn khác.

Nếu không thể kiếm được nhiều tỷ USD trong thời gian sớm, các chuyên gia trong nước cũng như nước ngoài cảnh báo rằng nền kinh tế nước này sẽ bị sụp đổ.

Theo nhiều đánh giá, kinh tế Ukraine đã sụt giảm hơn 8% hồi năm ngoái, một phần nguyên nhân do nguồn thu nhập từ khu vực bị chiến tranh tàn phá Donbass - căn cứ của các cơ sở sản xuất than và thép bị sụt giảm.

Cùng lúc, Kiev đang phải chi hàng tỷ USD để trả các khoản vay nước ngoài, mua khí đốt từ Nga và chống đỡ cho đồng hryvnia. Dù chính quyền đã rất nỗ lực nhưng giá trị nội tệ vẫn giảm một nửa từ năm ngoái, thậm chí còn nhiều hơn nữa trên chợ đen.

Vì vậy càng ngày chính phủ càng có ít ngoại tệ mạnh hơn.

Mối lo hiện nay là dự trữ ngoại tệ mạnh đã giảm quá thấp - 7,5 tỷ USD (theo các ước tính mới nhất) nên chính phủ có thể sẽ không đủ sức trả các khoản nợ quốc tế, có thể là ngay trong tháng tới.

Nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, nó có thể sẽ giống cuộc khủng hoảng tài chính ở Nga năm 1998. Ukraine sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ, một số ngân hàng buộc phải đóng cửa, đồng tiền sẽ mất giá và sổ tiết kiệm của người dân có thể sẽ bị hao hụt rất nhiều.

Các giáo viên ở Ukraine biểu tình ngăn chính phủ thực hiện cắt giảm chi tiêu công.

Tình hình này đã báo động cộng đồng quốc tế. Nhưng ai sẽ giúp Ukraine vượt qua khó khăn?

Một phái đoàn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đến Kiev để bàn về việc đưa 5 tỷ USD trong gói viện trợ 17 tỷ USD cho nước này theo một chương trình cứu trợ đã thống nhất từ năm ngoái.

Tính đến giờ, IMF đã chi khoảng 4,5 tỷ USD cho Ukraine. Nhưng dù có thêm viện trợ thì như vậy vẫn chưa đủ. Các chuyên gia cho rằng Ukraine cần thêm 15 tỷ USD nữa bên cạnh khoản tiền trước đó.

Tuy nhiên tất cả các nhà tài trợ tiềm năng của Ukraine như Mỹ, EU và IMF đều nói rằng trước tiên Kiev phải cam kết sẽ tiến hành các cải cách như: giảm nạn quan liêu, chống tham nhũng và trên hết là cắt giảm chi tiêu quốc gia.

Vì vậy các đàm phán với IMF được cho là yếu tố rất quan trọng. Nếu họ đồng ý với kế hoạch của Ukraine và chi tiền viện trợ, đây có thể sẽ là tín hiệu để các nhà tài trợ phương Tây khác thực hiện điều tương tự.

Trong khi đó, Nga đang đe dọa sẽ đòi sớm Ukraine khoản nợ 3 tỷ USD. Động thái này của Nga có thể sẽ đẩy nền kinh tế của nước láng giềng đến bờ vực phá sản.

Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov đã tuyên bố rằng Ukraine đã vi phạm điều khoản cho vay được ký kết giữa Moscow và Tổng thống Ukraine bấy giờ - Viktor Yanukovych.

Theo điều khoản hợp đồng, ông Yanukovych đã đồng ý sẽ giữ nợ công ở mức 60% so với GDP. Tuy nhiên, cuộc nội chiến đang tiếp diễn ở miền đông Ukraine và tình trạng đình trệ giữa hai khối thương mại lớn ở Nga và EU đã khiến mức nợ tăng lên khoảng 72% so với GDP năm 2014 và có thể sẽ lên đến 80% trong năm nay.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.

Bên cạnh đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã phác thảo con đường để hợp nhất Crimea và Donbass với Ukraine. Theo nguồn tin chính phủ, kế hoạch này sẽ chỉ ra những lợi ích hiển nhiên cho người dân ở Crimea và Donbass khi được trở thành một phần của Liên minh châu Âu (EU) - mục tiêu mà Tổng thống Poroshenko dự kiến đạt được vào năm 2020.

Nhưng việc giành lại Crimea từ Nga sẽ mất một thời gian. Gần đây, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk đã nói rằng đất nước có thể sẽ phải để vấn đề Crimea lại cho thế hệ sau và rằng không có câu trả lời nào vừa nhanh vừa đơn giản cho câu hỏi làm thế nào để đưa Crimea quay trở lại Ukraine.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo các nguồn tin của BBC (Anh), Business Insider (Mỹ) và Ukraine Today (Ukraine).

Infonet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: Ukraine , tin the gioi , cang thang , xung dot , khung bo , tin , bao