Tự chế bài thuốc trị dứt bệnh chân tay miệng
Thứ hai, 26/05/2014 15:57

Lương y Mai Tài (SN 1956, ngụ ấp Bàu Tre 1, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh) được biết đến là người tâm đắc với cây thuốc nam.

Nhiều bài thuốc dễ kiếm có thể trị được bệnh chân tay miệng

Nhiều bài thuốc dễ kiếm có thể trị được bệnh chân tay miệng

Ông Tài mách nước những bài thuốc dễ kiếm có tác dụng trị bệnh chân tay miệng, u nhọt và đau răng; tiết lộ những công dụng trị bệnh khó tin của cây chè vằng.

Chè vằng tăng sức đề kháng, trị bệnh zona, đau răng

Loại thảo dược có tên chè vằng được lương y Mai Tài gầy trồng rất nhiều trong vườn nhà. Ông cho hay, chè vằng từ xưa đã được người dân các vùng quê sử dụng nấu uống như một vị thuốc trị lành vết thương cực kì hiệu nghiệm. Đặc biệt sản phụ sau khi sinh thường được nấu chè vằng cho uống để chóng bình phục. Đông y xem chè vằng là loại thảo dược có tác dụng tăng sức đề kháng của con người một cách tuyệt vời. Cách thức bào chế bài thuốc cực kì đơn giản: Hái lá chè vằng rửa sạch, để tươi hoặc phơi khô rồi đun lấy nước uống.

Ngoài tác dụng tăng sức đề kháng, giúp trị thương, chè vằng còn được sử dụng để trị bệnh zona. Chỉ cần sử dụng lá chè vằng tươi nhai hoặc giã nhuyễn, sau đó đắp lên vùng da tổn thương. Thời gian đắp thuốc từ 1 - 3 ngày. Để hiệu quả hơn, có thể pha thêm ít rượu nguyên chất vào chè vằng để đắp. Mỗi lần đắp thuốc, dùng băng gạc cố định trong vòng 24 tiếng đồng hồ nhằm tận dụng hết tinh chất của dược liệu. Một công dụng khác của cây chè vằng đó là trị đau răng. Phương pháp áp dụng tuân thủ theo nguyên tắc dân gian “nam thất nữ cửu”. Tức đối với nữ, hái 9 lá chè vằng nhai rồi nuốt từ từ. Nam thì dùng 7 lá: “Chỉ cần nhai lá chè vằng 5 đến 7 ngày sẽ thấy tác dụng rõ ràng ngay”, ông Tài nói. Ông bật mí thêm, những người ghẻ lở có thể nấu lá chè vằng để tắm. Tinh chất trong dược thảo sẽ làm khô vết thương và loại bỏ vùng da chết khỏi cơ thể.

chua-chan-tay-mieng-261

Trị bệnh chân tay miệng bằng bài thuốc nam dễ chế

Cơ thể nóng bức, tồn tại độc tố bên trong sẽ dẫn đến chứng u nhọt. Về lâu về dài, có khả năng những u nhọt này biến thể thành u ác tính. Để đề phòng chứng bệnh này ngay từ khi mới xuất hiện những triệu chứng ban đầu, ông Tài “mách nước” bài thuốc nam gồm: Lá chè vằng, kim ngân hoa, lá cây kim vàng, cỏ mực, trinh nữ hoàng cung (đặc biệt dùng hoa và lá). Mỗi loại sử dụng khoảng 15-20g. Có thể sử dụng ở dạng tươi hoặc khô. Chú ý, riêng thảo dược trinh nữ hoàng cung luôn dùng liều lượng ít hơn các loại còn lại. Nếu uống quá nhiều trinh nữ hoàn cung có thể gây triệu chứng nôn ói. Đem tất cả dược liệu đun lấy nước uống. Lần đầu đổ 4 chén nước lấy 1 chén, lần sau đổ 3 chén cô cạn còn 1 chén. Sau đó trộn 2 lần nước thuốc sắc được để uống trong ngày. Đối với chứng u nhọt, người bệnh nên kiêng tránh ăn thịt, cá biển.

Bệnh chân tay miệng hiện nay diễn biến khá phức tạp và dễ dẫn đến các biến chứng phức tạp nếu chữa trị không đúng cách. Bệnh này y hệt chứng ghẻ phỏng theo cách gọi của đông y. Theo đó, khi những vùng da phỏng rộp bị vỡ, chất dịch lan rộng sẽ khiến bệnh lây lan. Phương thuốc chữa bệnh này hết sức đơn giản, chỉ dùng lá cây kim vàng cũng là dược liệu dễ tìm thấy khắp mọi nơi. Cụ thể: Dùng khoảng 20g lá cây kim vàng phơi khô cho vào nồi, đổ thêm 2 chén nước rồi đun cho đến khi nước cô lại còn 1/2 chén thì đem để nguội rồi uống. Chia thuốc uống thành 3 lần trong ngày đối với trẻ em dưới 5 tuổi. Với bệnh nhân trên 5 tuổi, mỗi ngày sử dụng 30g lá cây kim vàng nấu nước cho uống. Trong quá trình chữa trị, ngoài việc giữ vệ sinh, người bệnh cần kiêng tránh những thức ăn như: Gạo nếp, ngô, cá biển bởi những thực phẩm này có tính chất tạo mủ.

Liên quan đến việc sử dụng thuốc nam trị bệnh, theo quan niệm của lương y Tài, để sử dụng thuốc hiệu quả, vai trò chẩn đoán của thầy thuốc giữ vị trí cực kì quan trọng. Một số bệnh có “nội tình” trái ngược với biểu hiện bên ngoài, chỉ cần “non” kinh nghiệm sẽ khiến bệnh khó lành. Ví dụ như nguyên tắc “nhiệt ngộ nhiệt tất cuồng/Hàn ngộ hàn tất tử”, kinh nghiệm xương máu các bậc tiền bối đúc kết thành truyền dạy. Hiểu nôm na, khi bệnh nhân đã mắc chứng bệnh về nhiệt (nóng) lại còn uống thuốc có tính nhiệt sẽ khiến cơ thể dễ cuồng loạn. Ngược lại, cơ thể mắc bệnh thuộc thể hàn (lạnh) mà còn uống thuốc có tính hàn sẽ dễ gây nguy hiểm tính mạng. Chẳng hạn một số dược liệu như bầu bí, khổ qua hay rau má có tính mát. Khi sử dụng bào chế thuốc cần gia ấm bằng cách bổ sung thêm gừng để hạn chế tính hàn của thuốc. Hay như cây cỏ xước thường dùng trị bệnh giàu tính hàn, do đó khi sử dụng cần sao tẩm thêm dấm hoặc rượu rồi mới nấu uống.

Vị lương y “khắc tinh” của tội phạm

Một điều đặc biệt, lương y Tài còn là “khắc tinh” của bọn tội phạm ở Sài thành. Ông vốn là thành viên trong thế hệ đầu của lực lượng săn bắt cướp. Hơn 13 năm ròng từ khi tròn tuổi đôi mươi, ông Tài đã ròng rã từ Bắc chí Nam bảo đảm an toàn cho các chuyến tàu lửa: “Hồi đó cướp giật nhiều lắm, nhất là bọn nhảy tàu, cướp trên tàu nhan nhản”.

Cơ duyên đến với nghề thuốc của chiến sĩ săn bắt cướp Mai Tài bắt nguồn từ những chuyến đi như thế. Trong một chuyến ra Bình Định, ông có duyên bắt gặp vị lương y có tiếng gốc Đà Nẵng đi chữa bệnh cứu người khắp nơi. Năm đó ông Tài tròn 24 tuổi. Trong suốt 5 năm ở lại vùng đất võ làm nhiệm vụ, ông Tài đã tận dụng tất cả thời gian theo học nghề thuốc. Ngày ngày ngoài giờ làm việc, ông lại xách cặp theo chân thầy học cách châm cứu, bắt mạch đến sơ chế thuốc.

Theo thầy học nghề ròng rã suốt 15 năm, ông trở lại Sài Gòn sinh sống, tiếp tục theo học tại trường Đại học y dược TP.HCM thêm 5 năm nữa, thuộc lớp lương y đa khoa sớm nhất ở TP.HCM.

Trở về quê nhà ở huyện Củ Chi, ông cải tạo căn nhà cổ do cha ông để lại, ngày ngày dạy võ, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Ngày nay, ngôi nhà vườn của tổ tiên được ông Tài trùng tu khang trang. Có thể ví nơi đây như “bệnh viện” thu nhỏ với đầy đủ vườn thuốc, xưởng sơ chế thuốc cho đến nơi ăn ở cho những bệnh nhân ở xa đến chữa bệnh. Đối với người nghèo, lương y Tài sẵn lòng chữa trị không công.

Dẫn khách tham quan khu vườn thuốc, lương y Mai Tài cho hay, từ khi nhận thấy nhiều dược liệu có nguy cơ khan hiếm, ông đã tự mình sưu tầm đem về trồng trong vườn để bảo tồn, hơn nữa: “Chỉ có trồng được mới đem biếu tặng chứ nếu mua lấy tiền đâu ra”. Dừng lại bên khóm cây xanh tươi, ông cho hay đó là giống thảo dược có tên cát lồi chuyên được dùng thanh nhiệt giải độc. Đặc biệt trong mùa nắng nóng hiện nay áp dụng rất hay. Cũng là cây thuốc nam nên phương thức sử dụng hoàn toàn đơn giản, chỉ việc đem đun lấy nước uống. Ông Tài đồng ý với quan niệm chung trong việc sử dụng thuốc nam, đó là thuốc tươi bao giờ cũng mạnh hơn thuốc phơi khô.

Mai Long (Pháp luật và thời đại) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: chua benh chan tay mieng , trieu chung chan tay mieng , che vang , thuoc nam , thuoc chua chan tay mieng , tin , bao