Những dược liệu kị nhau tuyệt đối không kết hợp cùng bài thuốc
Thứ tư, 07/05/2014 09:21

Trong quá trình bốc thuốc, sử dụng thuốc đông y hoặc chế biến các món ăn có tính chất kiêm thuốc trị bệnh, nếu không cẩn trọng sẽ vô tình gây hậu quả.

Tác hại ngoài ý muốn thậm chí gây nguy hiểm tính mạng người bệnh (ảnh minh họa)

Tác hại ngoài ý muốn thậm chí gây nguy hiểm tính mạng người bệnh (ảnh minh họa)

Chúng tôi xin cung cấp đến bạn đọc thông tin về những dược liệu “đối nghịch” nhau, những “điều cấm” trong sử dụng thuốc đông y.

Những dược liệu “kháng” nhau không kết hợp cùng bài thuốc

Tất cả lương y đều thừa nhận, giống như tây y, đông y luôn có phần “chỉ định” trong sử dụng thuốc. Y học từ cổ xưa đã trích lục những “điều răn” dành cho giới hành nghề cũng như người sử dụng phòng tránh. Theo đó, việc kết hợp những vị dược liệu không phù hợp trong quá trình ăn uống, trị bệnh không những khiến bệnh tình chậm thuyên giảm mà đôi khi còn mang lại nguy hiểm ngoài ý muốn.

Theo cuốn tài liệu y dược cổ có tên “Dược tính toàn tập” được viết bằng Hán văn, khi trong thang thuốc có một trong các vị: Nhân sâm, bạch thược, sa sâm, tế tân, huyền sâm thì tuyệt đối không được kết hợp với dược thảo lê lô (tức rễ cây sậy) bởi dược tính đối nghịch nhau. Một tài liệu cổ khác liệt kê nhóm dược liệu “kháng” với lê lô gồm: Sài hồ, ma hoàng, khổ sâm, hoài sơn. Sách y dược cổ nêu rõ, nếu kết hợp hai nhóm thảo dược trên với lê lô sẽ sinh ra độc tính.

Y văn cổ nêu thêm, sử dụng các vị: Bạch cấp, bạch liễm, bán hạ, qua lâu, xuyên bối mẫu thì tuyệt đối không bổ sung 2 loại dược liệu là ô đầu và ô trái. Tương tự, nhóm dược liệu: Đại kích, nguyên hoa, cam toại, hải táo (tức rong biển) cực kì “kị” cam thảo là thảo dược có tác dụng giải độc, thanh nhiệt. Những dược liệu đối nghịch trên thuộc “điều cấm”, tuyệt đối không áp dụng bởi có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Ở cấp độ nhẹ hơn, tài liệu cổ liệt kê những dược liệu “uý” tức “sợ” nhau. Những vị thuốc này nếu kết hợp cùng, tuy không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng nhưng dễ dẫn đến những tác dụng phụ, biến chứng cho người bệnh. Cụ thể, lưu huỳnh thường dùng để sát khuẩn “kháng” với phác tiêu là loại thuốc xổ độc trông bề ngoài gần giống muối ăn. Còn chất thuỷ ngân cũng là loại dược liệu chứa độc tố sử dụng để sát khuẩn thì “kị” với thuốc xổ độc khác có tên ba đậu. Vị thảo dược khá thông dụng nữa là lang độc (củ ráy) “kị” mật đà tăng; Đinh hương “kị” uất kim. “Đinh hương là vị thuốc trừ hàn, trị các chứng bệnh do khí hư, hao khí. Trong khi đó uất kim (phần nhọn của củ nghệ) chứa công dụng tán khí. Bởi vậy đã sử dụng đinh hương mà còn dùng thêm uất kim sẽ khiến chất khí trong cơ thể thêm hao tổn”, lương y Nguyễn Hữu Tân (Hội đông y Quận 1, TP.HCM) lý giải.

“Cặp đôi” dược liệu đối nghịch nhau nữa là thảo ô và sừng tê giác bởi một bên chứa dược tính trị nóng còn một bên trị lạnh. Tài liệu y học cổ còn chỉ rõ, vị thảo dược bổ dưỡng nhân sâm “kị” với ngũ linh chỉ - vị thuốc chủ trị các chứng huyết ứ. Dược liệu bổ thận, hồi dương là quan quế “chống đối” dược tính với thạch chỉ là loại thuốc giúp thanh nhiệt, đen tóc. “Cùng loại thuốc xổ độc nhưng khiên ngưu (hạt cây bìm bìm) lại kháng với ba đậu. Mặc dù chưa có điều kiện phân tích dược tính từng vị nhưng sách y dược cổ đã dạy như vậy. Bất kể người thầy thuốc đông y nào đều biết”, một lương y khác góp lời.

duoc-lieu-71

5 tính vị kiêng 5 nhóm bệnh

Không những dược liệu “kị” nhau, tài liệu “Dược tính toàn tập” cũng chỉ rõ những điều cấm trong quá trình điều trị từng nhóm bệnh. Cụ thể, khi mắc các bệnh về huyết như cao huyết áp, tắc mạch máu; thì kiêng ăn mặn. Nếu phạm phải, người bệnh dễ bị tắc huyết, ứ máu. Còn bệnh nhân mắc nhóm bệnh về xương khớp cần kiêng cữ thức ăn có vị đắng. Lí do bởi nhóm bệnh xương khớp do thận bị tổn thương, còn thức ăn có vị đắng sẽ tác động tập trung vào tim mạch khiến thận càng hoạt động vất vả hơn. Hơn nữa xét về cung ngũ hành, nhóm bệnh xương cốt thuộc về cung thuỷ sẽ khắc với cung hoả do hệ tim mạch “cầm trịch”.

Riêng nhóm “khí bệnh”, tức các bệnh xuất phát từ khí chất trên cơ thể, tuyệt đối bệnh nhân không được ăn cay. Lí giải theo y học đông dược khá đơn giản rằng, thức ăn cay, nóng làm phân tán lượng khí trong cơ thể. Bởi vậy, ăn cay khi mắc bệnh về khí chẳng khác nào “nối giáo cho giặc”. Mặt khác, nhóm “gân bệnh” (các bệnh về gân cốt) do gan tổn thương, cần kiêng cữ thức ăn có vị chua do bộ phận gan rất nhạy hấp thụ tính chua. Lời dạy cuối cùng trong “ngũ cấm” được sách y dược cổ truyền lại, đó là người mắc các bệnh về cơ còn gọi “nhục bệnh” cần tránh ăn ngọt. Như sách y học cổ viết, nhóm “nhục bệnh” thuộc về căn tỳ, 2 lá lách bị thương tổn. Trong khi đó, chất ngọt tác động chủ yếu vào bộ phận lá lách khiến bệnh lâu khỏi.

Những thức ăn cần tránh khi uống thuốc

Trong quá trình uống thuốc trị bệnh, có những thực phẩm mang tính chất giải thuốc, sinh ra hoạt chất kháng thuốc làm mất công dụng của thuốc. Bởi vậy, y học cổ truyền đã liệt kê những thực phẩm chính cần kiêng cữ trong quá trình dùng thuốc tuỳ theo từng nhóm bệnh. Cụ thể xin liệt kê như sau:

Nếu uống bài thuốc có vị bạch truật không được ăn trái đào, trái lý, trái bầu, tỏi và thịt chim sẻ; Uống dược liệu lê lô cần kiêng ăn cá chép; Uống ba đậu kiêng ăn măng; Sử dụng huỳnh liên trị bệnh cần tránh ăn thịt lợn; Uống địa hoàn cữ ăn rau muống; Sử dụng hai vị dược liệu, bán hạ và xuyên bối mẫu kiêng ăn mạch nha, thịt dê; Sử dụng tế tân kiêng cữ thực phẩm tươi sống như các món gỏi, thịt tái. Loại dược liệu được sử dụng phổ biến nữa là cam thảo, nếu đang sử dụng cam thảo không nên uống song song các bài thuốc bào chế từ cây thông: “Uống nước rong biển vốn tính mát nên kiêng ăn bầu, bí vốn giàu tính mát. Rồi uống thuốc có vị thương lục tuyệt đối tránh ăn thịt chó bởi cả hai cùng tính nhiệt (nóng) sẽ dễ phát bệnh”, lương y Phan Tấn Tô, Phó Chủ tịch Hội đông y Thừa Thiên Huế chia sẻ.

Lương y Tô cung cấp thêm, khi uống vị châu sa tránh ăn thức ăn giàu huyết như tiết canh, gỏi sống. Tương tự, uống thổ phục linh cữ ăn thịt thỏ và khi dùng dược liệu miết giáp (bào chế từ ba ba) kiêng ăn rau sam. Các vị lương y giải thích khái quát rằng, cơ sở đặt ra những thức ăn cần kiêng cữ hoàn toàn khoa học, xuất phát từ dược tính của dược liệu và tính chất món ăn. Hiểu nôm na, chẳng hạn đang chữa trị bệnh về hàn (lạnh) cần bổ nhiệt (bổ ôn). Nhưng nếu ăn thức ăn giàu tính hàn sẽ vô tình làm mất công hiệu của thuốc.

Việc sử dụng các dược liệu “khắc” nhau trong cùng bài thuốc hoặc ăn uống thực phẩm có tính đối nghịch với dược tính, nhẹ sẽ làm mất tác dụng của thuốc khiến bệnh chậm thuyên giảm; nặng hơn, những yếu tố “kị” nhau sản sinh ra độc tố sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh, khiến bệnh biến chứng phức pháp rất khó trị liệu.

Mai Long (Pháp luật và thời đại) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: dược liệu , đông y , tây y , thuốc nam , bài thuốc chữa bệnh , ngộ độc thuốc , tin , bao