Phúc thẩm 'Bầu' Kiên ngày thứ 3: Nguyễn Đức Kiên tự ý mua cổ phiếu của ACB
Thứ tư, 03/12/2014 16:36

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói: Giữa chúng tôi không thể ai lừa ai. Chúng tôi không bao giờ có ý thức lừa nhau.

Phúc thẩm 'Bầu' Kiên ngày thứ 3: Nguyễn Đức Kiên tự ý mua cổ phiếu của ACB

Phúc thẩm 'Bầu' Kiên ngày thứ 3: Nguyễn Đức Kiên tự ý mua cổ phiếu của ACB

16h00: HĐXX hỏi Đại diện Cty Kiểm toán:

HĐXX: Có đúng là ông phát hiện và trao đổi với Lý Xuân Hải về việc phát hiện khoản đầu tư của ACBS vào ACB?
 
Giám đốc Cty Kiểm toán: Đúng là đã gặp ông Hải. Trong quá trình soát xét 6 tháng, Cty chúng tôi phát hiện một hợp đồng hợp tác giữa ACBS và ABCI. Mục đích gặp ông Hải là để hiểu bản chất giao dịch giữa hai đơn vị này. Rõ ràng, trong buổi gặp đó, ông Hải không biết nội dung này và ông Hải rất ngạc nhiên và tức giận. Chúng tôi có hỏi một số câu hỏi và ông Hải nói sẽ tìm hiểu và làm việc với chúng tôi sau.
 
HĐXX hỏi bị cáo Lý Xuân Hải: Bị cáo suy nghĩ gì về việc này?
 
Bị cáo Hải: Đúng là có  cuộc gặp với ông Giám đốc Công ty Kiểm toán. Liên quan lời khai với các cán bộ ACB, có nhiều nội dung và vấn đề khác nhau. Nhiều nội dung tôi cho rằng họ nói không đúng. Có nội dung họ nghĩ tôi biết nhưng thực tế tôi không biết. Có nội dung không hiểu sao họ lại kết luận như vậy.

15h35: HĐXX hỏi ông Nguyễn Ngọc Trung – nguyên quyền Tổng giám đốc ACBS.

 HĐXX: Ông giải thích tại sao ACB chuyển tiền cho ACBS rồi lại mua chính cổ phiếu của ACB?
 
Các thành viên HĐQT chỉ đạo mua cổ phiếu ACB trên tài khoản của ACBI Hà Nội trên cơ sở hợp đồng hợp tác đầu tư.
 
51 triệu cổ phiếu này thuộc sở hữu của ai?
 
Ông Trung: Toàn bộ số vốn này do ACBS chuyển sang ACBI HN và TP HCM mua cổ phiếu ACB. Bản chất của nó, theo tôi hiểu, thuộc sở hữu ACBS.
 
HĐXX: Nếu ACBS sở hữu có vi phạm pháp luật không?
 
Ông Trung: Tôi có băn khoăn nói với anh Kiên, ACBS không thể mua cổ phiếu ACB. Anh Kiên nói đây là chỉ đạo của HĐQT. Chính vì nhận thức không rõ ràng nên tôi vẫn triển khai thực hiện.
 
HĐXX: Lời khai ngày 10/1/12013, ông khai hành vi này sai?
 
Ông Trung: Tôi xác nhận lời khai này.
 
HĐXX: Sau thời điểm ACBI HN hợp tác ACBS, khi có lệnh đặt của ACBI mua cổ phần ACB thì thời điểm bắt đầu làm và chấm dứt khi nào?
 
Ông Trung: Tôi nhớ bắt đầu mua vào tháng 11/2009 và kết thúc 6/2010. Khả năng xảy ra sau tháng 6/2010.
 
HĐXX: Khi đầu tư cổ phiếu ông biết là sai và báo cáo ông Kiên?
 
Đây là hợp đồng đầu tư, hợp tác ACBI HN và ACBI TPHCM hợp tác chứ không liên quan gì đến ACBS. Quyền đầu tư của ACBS chỉ được giới hạn trong 25 tỷ đồng.
 
HĐXX: Ông có khai toàn bộ thương vụ này bản chất là đầu tư cổ phiếu của ACB theo chủ trương của HĐQT ACB. Ông Lý Xuân Hải nói không biết gì về thương vụ này?
 
HĐXX: Tôi không bình luận gì về việc này.
 
Ông Trung: Trong quá trình thực hiện, ACBS hàng ngày có báo cáo về thu mua các loại cổ phiếu gửi cho anh Lê Vũ Kỳ và các thành viên. Báo cáo qua hệ thống điện tử nội bộ.

15h00: HĐXX hỏi ông Nguyễn Văn Hòa – Kế toán trưởng của ACB.

HĐXX: Ông biết gì về việc đầu tư cổ phiếu này của ACBS?
 
Ông Hòa: Khi có kiểm toán vào tôi mới biết. Việc khi tôi biết thì bắt đầu đi giải quyết sự cố.
 
Ông là người nắm rõ dòng tiền chuyển đi, chuyển về, mua cổ phiếu?
 
Ông Hòa: Tôi chỉ biết tiền đi – tiền về. Việc họp của HĐ đầu tư và HĐQT tôi không được tham gia. Tôi được giao việc gửi tiền qua NH Kiên Long và Vietbank, gửi liên ngân hàng để mua trái phiếu của ACBS. Vào thời điểm 2009, tôi chỉ biết ACB gửi tiền sang hai ngân hàng này. Đến năm 2012 thì tôi mới xâu chuỗi toàn bộ sự việc.
 
HĐXX: Khi phát hiện cổ phiếu ACB có trong ACBS thì phát hiện đã đầu tư bao nhiêu tiền?
 
Ông Hòa: Khoảng hơn 1000 tỷ mua cổ phiếu của ACB.

14h50 HĐXX: Bị cáo có thấy mình có trách nhiệm gì khi để xảy ra sự việc này không?
 
Bị cáo Hải: Khi để sự việc xảy ra tôi thấy mình không có trách nhiệm. Nhưng khi xảy ra rồi tôi thấy mình có trách nhiệm phải ngăn cản.

14h30: HĐXX thẩm vấn Lý Xuân Hải – nguyên Tổng Giám đốc ACB: Bị cáo thấy các nội dung các bị các trước nói có đúng không?

HĐXX: Về sườn thì đúng nhưng có tình tiết không đúng. Các anh nói về bàn cổ phiếu, nếu nói về bàn thì chỉ chưa đầy 1 phút.
 
Anh Kiên có nói sẽ giúp anh Kỳ điều hành ACBS. Để triển khai loại cổ phiếu nào phải có phân tích, đánh giá nên chúng tôi không bàn. Tôi không nghe thấy lời nói nào là ACBS mua cổ phiếu của ACB. Tôi nhớ, cuộc họp đó cũng không bàn về mua cổ phiếu quỹ nữa.
 
HĐXX: Bị cáo đề nghị làm rõ việc bàn mua cổ phiếu ACB là ai mua chứ không phải ACBS mua?
 
Bị cáo Hải: Dạ vâng, tôi muốn HĐXX làm rõ việc này.
 
HĐQT chấp nhận khoản tiền đầu tư 700 tỷ từ ACBS.
 
HĐXX: Bị cáo có giám sát gì?
 
Bị cáo Hải: Cử những người nắm các chức vụ chủ chốt ở ACBS. Họ đại diện kiểm soát các hoạt động, điều hành như anh Kỳ, anh Toàn, Nguyễn Văn Hòa – Kế toán trưởng. Bên ACBS cũng có bộ phận kiểm toán nội bộ. 6 tháng một lần ACBS phải có báo cáo kiểm toán. ACB cũng thuê kiểm toán độc lập kiểm toán ACBS.
 
HĐXX: Bị cáo không biết bị cáo Kiên đầu tư vào cổ phiếu ACB?
 
Bị cáo Hải: Hoàn toàn không biết, sau đó kiểm toán thông báo tôi mới biết.
 
14h25: HĐXX hỏi bị cáo Phạm Trung Cang
 
HĐXX: Bị cáo có tham dự cuộc họp này 2/11/2009?
 
Bị cáo Cang: Tôi không nhớ tôi có họp không, vì đây như cuộc họp giao ban hàng tuần.  Sau này anh em nói là tôi có họp thì kiểm tra lại tôi có họp.
 
Đặc điểm của cuộc họp này là không phải ai cũng đến đúng giờ. Cuộc họp này bàn nhiều vấn đề trong đó có khoản đầu tư về cổ phiếu.
 
Gần cuối cuộc họp, anh Kiên nói thị trường chứng khoán giá xuống quá. Có nhiều loại tốt. Tới thời điểm họp bàn, Cty chứng khoán dư vốn 700 tỷ sao mình không đầu tư. Đó là nghiệp vụ bình thường trong số các nghiệp vụ giao ban.
 
Thường trực HĐQT giao cho anh Kiên toàn quyền quyết định mua loại nào, giá nào. Do giá cổ phiếu lên xuống từng phút, từng giờ nên không thể chờ họp.
 
HĐXX: Với tư cách Chủ tịch HĐ Tín dụng, bị cáo có giám sát gì?
 
Bị cáo Cang: Tôi chỉ lo mảng nào thuộc về cho vay. Còn các khoản khác tôi không liên quan.
14h21: Thẩm vấn bị cáo Trịnh Kim Quang
 
Khi có ý kiến đề nghị đây là thời điểm tốt để đầu tư, có vài ý kiến cho rằng, nên đầu tư chứng khoán. Trong số những cổ phiếu dự kiến tốt có cổ phiếu của Eximbank, ACB… Có ý kiến nói là sao không mua cổ phiếu quỹ của ACB, nhưng ý kiến này bị bác bỏ vì sẽ làm hệ số an toàn vốn bị ảnh hưởng và vi phạm qui định của NHNN.
 
Chúng tôi đủ hiểu biết để không ra lệnh mua cổ phiếu của ACB.
 
Nghị quyết giao 700 tỷ cho HĐ đầu tư ACB chứ không phải giao cho ACBS. Chúng tôi chỉ đồng ý đầu tư 700 tỷ. Không có yêu cầu nào mua cổ phiếu của ACB.
 
Chúng tôi thấy có điều không hợp lý: Nếu ACBS thực hiện Nghị quyết này thì giới hạn 700 tỷ. Nhưng sau này, tôi thấy riêng việc đầu tư vào ACB là hơn 1000 tỷ. Điều này cho thấy hai việc này không liên quan gì đến nhau.
 

14h05: HĐXX hỏi bị cáo Lê Vũ Kỳ:
 
HĐXX: Cuộc họp HĐQT có những ai tham gia
 
Bị cáo Kỳ: Có đầy đủ thành viên của Thường trực HĐQT gồm ông Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải, Trịnh Kim Quang và tôi.
 
Hội đồng sáng lập có 6 thành viên.
 

le-vu-ky-1

Bị cáo Lê Vũ Kỳ

 
HĐXX: Ý kiến của các thành viên thế nào về đầu tư cổ phiếu?
 
Bị cáo Kỳ: Cuối cuộc họp anh Kiên có nói về việc đầu tư cổ phiếu. Bàn một số cổ phiếu NH Eximbank, Vietbank… là những cổ phiếu tốt, có giá trị thanh khoản cao, trong đó có cả cổ phiếu của ACB.
 
HĐXX: Kết luận cuộc họp?
 
Bị cáo Kỳ: Ông Trần Xuân Giá có kết luận cuộc họp và thể hiện bằng văn bản.
 
HĐXX: Ai là người đưa ra chủ trương đầu tư vào cổ phiếu?
 
Bị cáo Kỳ: Ông Kiên là người nói đây là thời điểm đầu tư cổ phiếu. HĐQT quyết định đầu tư 700 tỷ đồng.
 
HĐXX: Giao ai là người thực hiện?
 
Bị cáo Kỳ: HĐQT ủy quyền cho ông Nguyễn Đức Kiên vì ông Kiên là người có kinh nghiệm, đầu tư cổ phiếu đòi hỏi người nhanh nhạy, không thể chờ họp được.
 
Giao cho ACBS thực hiện nghị quyết này, nhưng lúc đó tôi mới nhậm chức. Tôi chưa có chứng chỉ về chứng khoán nên tạm thời nhận nhiệm vụ để sau đó có người khác phụ trách.

10h50

Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Kiên vẫn tiếp tục khẳng định không có phong tỏa số cổ phần của Hòa Phát. Cty Thép Hòa Phát phong tỏa tại chính Cty này. Còn không có hợp đồng phong tỏa, cầm cố, thế chấp… giữa ACBI và ACB về số cổ phần này.

10h30: VKS hỏi bị án Nguyễn Thị Hải Yến:

VKS: Sau khi ký Hợp đồng 21/5, bị cáo Kiên đi nước ngoài về thì bị án có báo cáo gì với bị cáo Kiên?
 
Bị án Yến: Tôi chỉ báo cáo thông thường về tình hình Hòa Phát đã chuyển tiền, tài sản này chưa được giải tỏa. Anh Kiên chỉ nói với tôi là “để anh xem”.
 
VKS hỏi bị cáo Kiên: Bị án Yến có báo cáo việc thực hiện hợp đồng?
 
Bị cáo Kiên: Cô Yến báo cáo tôi 2 lần. Lần thứ nhất, tôi nói với Yến là tiếp tục làm việc với ACB để giải chấp. Yến cũng thông báo với tôi là ACBS chưa có thông báo đồng ý thay thế tài sản thế chấp. Lần thứ 2 Yến báo cáo đã nhận tiền và sử dụng còn 53 tỷ đồng.
 
10h10: Đại diện VKS hỏi bị cáo Kiên.
 
VKS: Bị cáo có biết tình trạng 20 triệu cổ phần này như thế nào?
 
Bị cáo Kiên: Tôi biết rất rõ. Tôi đề nghị ACBS cho phép thay thế tài sản đảm bảo bằng 7,4 triệu cổ phiếu của Eximbank. Cho đến thời điểm tôi bị bắt chưa có văn bản trả lời của ACBS. Thư trả lời của chị Ngọc – một nhân viên thẩm định, không có giá trị gì cả.
 
Tôi biết rất rõ tình trạng mua bán các cổ phần này.
 

10h05: HĐXX hỏi bị cáo Kiên: 20 triệu cổ phần của Thép Hòa Phát nhưng đang thuộc sở hữu của ACBI?
 
Bị cáo Kiên: Đúng.

HĐXX: Nếu đúng là tài sản sở hữu của ACBI thì được quyền bán, chuyển nhượng?
 
Bị cáo Kiên: Đúng.
 
HĐXX: Đây là tài sản đảm bảo?
 
Bị cáo Kiên: Là tài sản đảm bảo có điều kiện.
 
9h50: HĐXX hỏi bị cáo Kiên
 
HĐXX: Bị cáo cho biết có biết tồn tại hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa ACBI và Thép Hòa Phát?
 
Bị cáo Kiên: Tôi biết vì tôi ký nháy hợp đồng này.
 
HĐXX: Bị cáo có biết nội dung hợp đồng này?
 
Bị cáo Kiên: Đây là hợp đồng Chuyển nhượng cổ phần bằng 20 triệu cổ phiếu.
 
HĐXX: Tòa đang hỏi bị cáo hợp đồng này thực hiện chủ trương của Hội đồng tín dụng đã quyết định, cũng như thực hiện nội dung đồng ý giải chấp cổ phần của Techcombank, đưa  cổ phần của Thép Hòa Phát vào giải chấp?
 
Bị cáo Kiên: Hai nội dung này không liên quan gì đến nhau.
 
HĐXX: Bị cáo có cho hợp đồng này hợp pháp không?
 
Bị cáo Kiên: Hoàn toàn hợp pháp.
 
HĐXX yêu cầu bị án Yến đọc khoản 2 và 3, Điều 4 của Hợp đồng này về Nguyên tắc và trình tự chuyển nhượng.
 

9h35: Ông Trần Tuấn Dương - TGĐ Hòa Phát, cho rằng, không hề hay biết số cổ phần do bị cáo Nguyễn Đức Kiên đang là tài sản thế chấp. Chỉ đến khi cơ quan CSĐT thông báo mới hay. Ngay sau đó, Hòa Phát có công văn yêu cầu Công ty ACBS trả lời về tình trạng số cổ phần của Thép Hòa Phát. Sau đó, Công ty ACBS đã có công văn phúc đáp trả lời gay gắt. ACBS khẳng định, số cổ phần đang là tài sản thế chấp, nếu mua bán, chuyển nhượng là sai phạm.
 
Lời nói của ông Trần Tuấn Dương đã được ông Trần Đình Long xác nhận là đúng. "Tôi thấy sự việc rắc rối nên chỉ đạo tàm dừng đăng ký quyền sở hữu và có đơn gửi cơ quan CSĐT đề nghị làm rõ".
 
9h29: HĐXX thẩm vấn bị án Nguyễn Thị Hải Yến.
 
HĐXX: Ngày 14 và 23/5, ACBS trả lời email là số tài sản đảm bảo này không đủ nên Eximbank không đồng ý giải chấp. Bị án có báo cáo Nguyễn Đức Kiên?
 
Bị án Yến: Đây là lá thư của cá nhân chị Ngọc, đại diện ACB. Tôi báo cáo anh Kiên là bên ACB nói còn thiếu nên phải bổ sung tài sản đảm bảo.
 
HĐXX: Bị cáo Kiên chỉ đạo gì?
 
Bị án Yến: Anh Kiên chỉ nói là để anh xem.
 
HĐXX: Nếu với tình trạng cổ phần này đang được đảm bảo cho một khoản khác thì ACBI có được quyền bán không?
 
Bị án Yến: Tôi xin trả lời theo quan điểm của tôi tại thời điểm soạn biên bản họp HĐQT. Tại thời điểm đó, tôi nghĩ rằng, tài sản đang làm nghĩa vụ đảm bảo vẫn là tài sản sở hữu của công ty và có quyền bán. Nhưng là thủ tục hành chính thì phải làm để được bán.

9h14: HĐXX: Bị cáo nghĩ sao về việc tài sản đang thế chấp dùng để bảo đảm cho nghĩa vụ khác?

Bị cáo Kiên: Như tôi đã nói ban đầu là không có thế chấp, đến 21/5 là chưa thực hiện đảm bảo. Thực hiện đảm bảo khi có điều kiện xảy ra chứ không thể vô điều kiện.

Tôi đề nghị chị Yến không được sử dụng 53 tỷ để tôi làm việc với Á Châu để thay thế đảm bảo, cho Hòa Phát không dính pháp lý. Tôi biết Hòa Phát có sai sót, nên tôi hành động quyết liệt để không xảy ra chuyện gì.

ACBS và ACBI chưa thực hiện chuyển nhượng và người chuyển nhượng là Hòa Phát.

9h00: HĐXX hỏi: Ông Long có biết việc bị cáo sử dụng số cổ phần này làm tài sản đảm bảo không?

Bị cáo Kiên: Tôi và anh Long không nói đến việc có hay không có việc đảm bảo. Nhưng tôi nghĩ anh Long đương nhiên phải biết và tôi không hỏi anh Long việc này.

HĐXX: Sau đó bị cáo chỉ đạo Thanh và Yến thế nào?

Bị cáo Kiên: Tôi đề nghị phía Hòa Phát có đề nghị mua. Để tiến hành cuộc họp HĐQT tôi đề nghị chị Yến soạn thảo văn bản để đề nghị thay thế tài sản đảm bảo.

HĐXX: Việc này có được đồng ý ACB và ACBS?

Bị cáo Kiên: Đến trước ngày 16/6, tôi chưa nhận được sự trả lời đồng ý hay không. Tôi nhận được ý kiến báo cáo là chưa nhận được văn bản báo cáo của ACB và không có công văn nào trả lời tôi cả.

HĐXX: Thép Hòa Phát chuyển hợp đồng soạn sẵn sang?

Bị cáo Kiên: Khi tôi ký không có ký nháy của Thép Hòa Phát. Tôi nhớ chị Yến in ra cho tôi sửa rồi ký nháy.

HĐXX: Việc Trần Ngọc Thanh ký chuyển nhượng bị cáo có biết?

Bị cáo Kiên: Tôi chưa bao giờ đọc lại hợp đồng này cho đến khi bị bắt. Khi ở nước ngoài, tôi nhận được tin nhắn của chị Yến là đã nhận được tiền và sử dụng vào các kế hoạch tài chính. 

8h47 Nguyễn Đức Kiên cho rằng, Cty ACBI không khắc phục hậu quả, vì chúng tôi không gây ra hậu quả. Đây là việc làm tự ý của Hòa Phát và Cơ quan cảnh sát điều tra. Thép Hòa Phát không thiệt hại bất kỳ khoản nào. Tôi và Hòa Phát cho rằng đây là "tai nạn", số thiệt hại nếu có thì không đáng kể. Thực ra để trình bày việc tôi không lừa đảo thì dài lắm.

8h30: HĐXX tiếp tục thẩm vấn bầu Kiên về tội lừa đảo

Theo lời bị cáo Nguyễn Đức Kiên: Tôi, anh Long, Dương là bạn bè nhiều năm. Giữa chúng tôi không thể ai lừa ai. Chúng tôi không bao giờ có ý thức lừa nhau.

Trong suốt quá trình điều tra, bản cung tại tòa sơ thẩm, tôi không tin Hòa Phát tố cáo tôi hay tôi tố cáo Hòa Phát.

Tôi đề nghị anh Long, Dương bình tĩnh nghe tôi trình bày đơn. Trong mọi trường hợp tôi hoàn toàn tin tưởng vào Hòa Phát và Hòa Phát tin tưởng tôi.

Ngày 31/5/2012, sau khi ký kết xong hợp đồng, Hòa Phát sở hữu thành công 20 triệu cổ phiếu của ACBI. Bút toán ghi sổ của anh Dương. Với thẩm quyền của mình, anh Dương, Hà đã thực hiện việc sang tên số cổ phiếu này cho Cty cổ phần thép Hòa Phát. Cty TNHH một thành viên thép Hòa Phát đã có công văn gửi Sở KHĐT Hải Dương giảm số lượng sở hữu. Tập đoàn Hòa Phát trong báo cáo tài chính cũng đã khẳng định số cổ phiếu này. Do đó, không có chuyện Thép Hòa Phát chưa nhận được số cổ phiếu.

Sau khi tôi bị bắt, trả lời của Hòa Phát cho rằng, do cổ đông nước ngoài gây áp lực nên đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ. Tôi rất muốn làm việc với anh Long 5 phút để thỏa thuận bằng nguyên tắc dân sự, không cần thiết phải hình sự hóa một hoạt động kinh tế bình thường.

-----------------------------------------------------

Sáng nay (3/12), phiên tòa phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi.

Trong ngày 2/12, HĐXX tập trung thẩm vấn các bị cáo về hành vi trốn thuế, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Đức Kiên, Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến. Bị án Trần Ngọc Thanh vẫn vắng mặt trong phiên xét xử này vì đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Trong phần thẩm vấn bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Tập đoàn Hòa Phát, bị cáo này cho biết, ngày 5/5/2012, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo Yến (Kế toán trưởng Cty ACBI) soạn thảo văn bản số 050512/CV để Trần Ngọc Thanh (Giám đốc) ký gửi Ngân hàng ACB và Cty TNHH Chứng khoán ACB – ACBS) đề nghị cho giải tỏa 20 triệu cổ phần trong tổng số hơn 22 triệu cổ phần Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát đang thế chấp tại ACB cho khoản trái phiếu 800 tỷ đồng do Công ty ACBI phát hành và bổ sung bằng hơn 7 triệu cổ phiếu của Eximbank tương đương mệnh giá 74 tỷ đồng….

Mặc dù chưa được NH ACB và Công ty ACBS chấp thuận cho giải tỏa 20 triệu cổ phần trong tổng số hơn 22 triệu cổ phần Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát; ngày 15/5/2012, Công ty ACBI không tổ chức họp hội đồng quản trị nhưng Nguyễn Đức Kiên vẫn chỉ đạo Nguyễn Thị Hải Yến soạn thảo quyết định của Hội đồng Quản trị để kiên Ký và Biên bản họp Hội đồng quản trị để Kiên cùng Yến, Thanh và ông Huỳnh Vân Sơn – thành viên Hội đồng quản trị ký thể hiện các thành viên trong Hội đồng quản trị đồng ý chuyển nhượng 20 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, giá chuyển nhượng là 13.200 đồng/cổ phần, tổng giá trị chuyển nhượng là 264 tỷ đồng. Sau đó, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo Nguyễn Thị Hải Yến chuyển quyết định và Biên bản họp Hội đồng quản trị cho phía Tập đoàn Hòa Phát và nhận bản dự thảo hợp đồng từ Công ty TNHH một thành viên thép Hòa Phát. Nguyễn Đức Kiên đã kiểm tra nội dung và đồng ý rồi ký nháy vào hợp đồng rồi sau đó giao lại cho Trần Ngọc Thanh ký, đóng dấu để thực hiện.

Tại phiên thẩm vấn chiều 2/12, ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết, Công ty đã nhận lại số tiền 264 tỷ đồng do cơ quan Cảnh sát điều tra chuyển ngày 12/6/2013. Số tiền này Công ty nhận từ tài khoản phong tỏa của cơ quan cảnh sát điều tra.

HĐXX cho rằng: Hậu quả của vụ án đến thời điểm này đã được khắc phục với Hòa Phát nhưng không có nghĩa bị cáo Nguyễn Đức Kiên không có tội.

Vov.vn (Theo Giadinhvietnam.com)

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: bau kien , xet xu bau kien , bau long , nguyen duc kien , tin , bao