Ngày 1.12, HĐXX tập trung thẩm vấn làm rõ về hành vi kinh doanh trái phép của bị cáo Nguyễn Đức Kiên qua việc kinh doanh vàng trái phép.
Nguyễn Đức Kiên phủ nhận cáo buộc phạm tội |
Bản án sơ thẩm xác định Nguyễn Đức Kiên đã thông qua các công ty: CP đầu tư thương mại B&B, CP tập đoàn tài chính Á Châu, CP đầu tư ACB Hà Nội, CP đầu tư tài chính Á Châu, TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội và CP phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam để tổ chức kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng với tổng số tiền gần 21.500 tỉ đồng.
Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Đức Kiên nhiều lần nói tòa sơ thẩm đã mắc nhiều sai lầm và bị cáo đã có lá đơn dài 118 trang để khiếu nại. Dù không được HĐXX chấp nhận đọc nguyên văn và bị nhắc nhở “bị cáo nói ngắn tập trung vào câu hỏi”, song Nguyễn Đức Kiên đề nghị: “Bản án 30 năm đối với một người không phạm tội rất dài nên đề nghị HĐXX cho tôi được trình bày cho đầy đủ”. Trong quá trình trả lời thẩm vấn, bị cáo Kiên nhiều lần biểu lộ trạng thái xúc động, nhầm lẫn giữa tòa sơ thẩm và phúc thẩm nên được HĐXX khuyến cáo không nên “cố quá”, đồng thời cho phép bị cáo này ngồi để trả lời thẩm vấn.
Bị cáo Kiên nói rằng tòa sơ thẩm đã mô tả không đầy đủ việc đầu tư mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp (DN) của 5 công ty mà bị cáo là chủ tịch HĐQT hoặc chủ tịch HĐTV, thiếu những nội dung cơ bản sau: 5 DN đều được thành lập theo đúng quy định của pháp luật, được Sở KH-ĐT nhiều tỉnh thành cấp phép; quyết định mua cổ phần, cổ phiếu không phải của cá nhân bị cáo mà là quyết định của cả HĐQT...
Bị cáo cho rằng tòa sơ thẩm đưa ra khái niệm “kinh doanh dịch vụ tài chính núp dưới hình thức đầu tư mua cổ phần cổ phiếu” không có trong luật và 5 DN do bị cáo đứng đầu hoạt động đúng luật, không có bất cứ hoạt động đầu tư chéo nào gây bất ổn xã hội như cấp sơ thẩm quy kết.
“Vàng là hàng hóa nên được phép kinh doanh”
Đối với cáo buộc hành vi kinh doanh vàng trái phép xảy ra tại Công ty CP phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam (Công ty Thiên Nam), bị cáo Kiên cũng nói: “Công ty Thiên Nam có giấy phép mua bán hàng hóa, vàng là hàng hóa nên được phép kinh doanh. Không phải bất cứ việc kinh doanh vàng nào cũng có điều kiện”.
Bị cáo Kiên cũng khai, căn cứ vào điều lệ của Thiên Nam, việc kinh doanh thuộc thẩm quyền của tổng giám đốc thời kỳ đó là ông Lê Quang Trung (đã mất) chứ không phải thẩm quyền của HĐQT, việc ký hợp đồng thay thế Ngân hàng VietBank thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư kinh doanh vàng tài khoản với Ngân hàng ACB cũng do ông Trung thực hiện. Khi HĐXX “truy” việc đặt lệnh giao dịch vàng trạng thái thể hiện là do bị cáo thực hiện thì Kiên nói chỉ thực hiện theo lệnh của ông Trung. “Có gì chứng minh có lệnh của ông Trung xong bị cáo mới đọc lệnh cho ACB không?”, HĐXX hỏi và bị cáo Kiên trả lời: “Tất cả tài liệu này lưu ở công ty, tôi không lưu giữ gì cả”.
Trước đó, trả lời HĐXX, đại diện Sở KH-ĐT Hà Nội và TP.HCM cho biết 5 DN do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT không đăng ký kinh doanh tài chính. Để làm rõ hành vi kinh doanh trái phép, HĐXX đã đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổng cục Thống kê cho biết các công ty của Nguyễn Đức Kiên có đăng ký phát hành trái phiếu và trong đăng ký mã ngành có bao gồm kinh doanh trạng thái vàng hay không. Tuy nhiên, các cơ quan này không trả lời trực tiếp mà cho biết sẽ có văn bản vào hôm nay (2.12).
Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?