Đức Pháp Vương đến Việt Nam mang theo thông điệp: “YÊU THƯƠNG trong HÀNH ĐỘNG” vì một thế giới hòa bình an lạc.
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa |
Theo lời thỉnh cầu của chư Ni chùa Thiên Ân (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) và được sự đồng thuận của Ban Tôn giáo Chính phủ, Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, từ ngày 05/04 đến 06/05/2014, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche và Tăng đoàn Phật giáo Ấn Độ Truyền thừa Drukpa sẽ viếng thăm, cử hành Pháp hội quán đỉnh cộng đồng (nghi lễ cho phép thực hành pháp tu), cầu nguyện quốc thái dân an, cầu siêu độ chư hương linh anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn, nạn nhân thiên tai bão lụt, chia sẻ Phật pháp tại thủ đô Hà Nội cùng các tỉnh thành phố Nam Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, T/p Hồ Chí Minh. Là một Bậc Thầy Phật giáo quốc tế, được kính ngưỡng là hóa thân chân thật của Đức Phật Quán Thế Âm - Đức Pháp Vương đến Việt Nam mang theo thông điệp: “YÊU THƯƠNG trong HÀNH ĐỘNG” vì một thế giới hòa bình an lạc.
Được chọn làm sự kiện mở đầu cho chương trình Pháp hội cung đón Đức Pháp Vương và Tăng đoàn, Triển lãm ảnh nghệ thuật “YÊU THƯƠNG trong HÀNH ĐỘNG” sẽ khai mạc tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội với sự hiện diện gia trì của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, sự tham gia của chư tôn Đại đức Tăng Ni, các nhiếp ảnh gia, cơ quan thông tấn báo chí, Phật tử và bạn yêu nghệ thuật Thủ đô. Đặc biệt, trong chương trình khai mạc triển lãm, Đức Pháp Vương sẽ có buổi tọa đàm về chủ đề “YÊU THƯƠNG trong HÀNH ĐỘNG” cùng Hội Nhà văn Việt Nam.
Khai mạc: 9h00 thứ Bảy ngày 5 tháng 4 năm 2014 (tham dự theo vé mời)
Thời gian triển lãm: từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 4 năm 2014
Địa điểm: Sân Thái Học-Khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội
Triển lãm “YÊU THƯƠNG trong HÀNH ĐỘNG” tuyển chọn và trưng bày 137 tác phẩm ảnh và bộ tranh đá quý về cuộc đời tâm nguyện, các hoạt động thiện hạnh, những thời khắp đẹp và cảm động trên hành trình hoằng dương Phật pháp, triều bái thánh địa, trải rộng tình yêu thương và lòng bi mẫn của Đức Pháp Vương đến với mọi hữu tình trên thế giới.
Tác phẩm trưng bày do các nhiếp ảnh gia quốc tế và Việt Nam thực hiện, họ cũng chính là những người có phúc duyên được đồng hành theo bước Pháp Vương và Tăng đoàn Truyền thừa trong các hoạt động vì lợi ích nhân sinh của Ngài trải dài rộng khắp từ các quốc gia vùng Himalaya như Ấn Độ, Nepal, Bhutan…, qua các châu lục khác nhau tới Việt Nam.
Được tạo nên từ chất liệu cuộc sống, từ chính những khoảnh khắc chân thực đậm nét nhân văn, các tác phẩm trưng bày không chỉ giàu tính nghệ thuật mà hơn thế, ý nghĩa của khuôn hình vượt ra ngoài không gian cuộc triển lãm để lưu dấu vào tâm trí và khơi dậy niềm cảm hứng về giá trị sống tốt đẹp với công chúng thưởng lãm.
Đúng như thông điệp “YÊU THƯƠNG trong HÀNH ĐỘNG”, nhiều tác phẩm trưng bày tại triển lãm đã khắc họa hình ảnh Đức Pháp Vương dẫn đầu đoàn hành hương tới viếng thăm các thánh địa Phật tích linh thiêng. Đó là Bồ Đề Đạo tràng (nơi Đức Phật thành đạo), Lâm Tì Ni (nơi Đức Phật đản sinh), Câu Thi Na (nơi Đức Phật nhập Niết bàn)…, những thánh tích này đang dần bị mai một, hủy hoại bởi dòng chảy thời gian và tác động của con người, nhất là sau hàng loạt vụ đánh bom khủng bố tại Bồ Đề Đạo tràng (7/2013) đã thôi thúc Đức Pháp Vương đến thăm và cử hành các khóa lễ ban phúc gia trì, cầu nguyện quốc thái dân an, qua đó nhắn gửi thông điệp hòa bình và hòa hợp nhân loại, khuyến khích mọi người cùng chung tay bảo vệ di sản. Đây cũng là cách Ngài khai triển tình yêu thương và ứng dụng Phật pháp trong hành động cụ thể của đời sống.
Bên cạnh đó, có không ít "khoảnh khắc" đã được các nhà nhiếp ảnh "nắm bắt" và gây ấn tượng mạnh về góc máy, bố cục như cảnh Đức Pháp Vương dẫn đầu Tăng đoàn hành hương vì môi trường xuyên qua vùng núi tuyết hùng vĩ tại Ladakh (2009), Sikkim (2010) (Ấn Độ), các thánh địa Phật giáo thiêng liêng tại Nam Ấn (2012), Srilanka (2013); Đức Pháp Vương với qua các thiện hạnh “Live to Love”: trồng cây, chữa trị y tế, cứu trợ nhân đạo; Đức Pháp Vương trong đại lễ cúng dàng đèn cầu nguyện quốc thái dân an tại Chùa Vĩnh Nghiêm (Việt Nam)… Dù dưới góc độ nào, những ống kính trung thực cũng toát lên ánh sáng tình yêu thương bi mẫn và trí tuệ giác ngộ từ bậc hiện thân Đức Phật Quan Âm ban trải tới hết thảy chúng sinh trong cõi đời này.
* Sau khi kết thúc 05 ngày trưng bày tại Hà Nội, vào trung tuần tháng 4 Triển lãm ảnh nghệ thuật “YÊU THƯƠNG trong HÀNH ĐỘNG” sẽ tiếp tục được giới thiệu tại Trụ sở Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Tp Hồ Chí Minh (- số 81 Trần Quốc Thảo, từ ngày 16 đến 20/4).
THÔNG TIN THAM KHẢO
- Các nhà làm phim quốc tế (Pháp, Mỹ), các hãng thông tấn uy tín như BBC, Router, CNN, Paris Match… đã truyền thông ngợi ca những chuyến hành hương triều bái thánh địa bảo vệ môi trường “Pad Yatra” do Đức Pháp Vương khởi xướng và thực hiện là một "chủ trương nhân sinh". Bộ phim tài liệu “Pad Yatra - A Green Odyssey” (tạm dịch “Hành trình Xanh Pad Yatra”), được thực hiện bởi Wendy Lee và Michelle Yeoh, với sự tham gia lồng tiếng của nữ diễn viên điện ảnh Dương Tử Quỳnh, đã gây tiếng vang lớn khi công chiếu tại rạp Grand Rex, một trong số những “ngôi đền” của điện ảnh châu Âu tại thủ đô Paris, Pháp và tại Trụ sở Liên Hợp Quốc (Mỹ).
Chuyến đi thông điệp tình yêu của Đức Pháp Vương
- Đất nước và người dân Việt Nam đã có dịp hạnh ngộ Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa qua các mùa pháp hội (2007, 2008, 2010, 2011). Tháng 3/2012, Ngài phát tâm nguyện kiến thiết, và chọn ngày cát tường cho sự kiện động thổ ngôi Đại Bảo tháp Phật giáo Kim Cương Thừa (lớn nhất Đông Nam Á) tại khu danh thắng Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc).
- Tháng 9 năm 2013, Đức Pháp Vương dự kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và tham gia vào chuỗi sự kiện quan trọng do Liên Hợp Quốc tổ chức xoay quanh các chủ đề về bình đẳng giới, bảo tồn môi trường, tại sự kiện này, Ngài được vinh danh là “Bậc Bảo hộ của vùng Hiamalaya” và nhận Giải thưởng “South - South Awards” cho những nỗ lực nhân đạo và bảo tồn môi trường.
- Tháng 11 năm 2013, Đức Pháp Vương đã dẫn đầu một đoàn hành hương gồm hơn 1.000 Chư Tăng, Ni, Phật tử từ khắp nơi trên thế giới (trong đó có Việt Nam) triều bái các thánh địa Phật tích trải dọc lãnh thổ Ấn Độ, Nepal. Chuyến hành hương có tên gọi “Hành trình của Ân phúc Gia trì”.
Chuyến đi xuyên rặng Tuyết Sơn
GIỚI THIỆU VỀ ĐỨC PHÁP VƯƠNG GYALWANG DRUKPA
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa là bậc sáng lập Truyền thừa Drukpa khởi nguồn cách đây 1.000 năm từ Ấn Độ. Ngài được chúng dân nhiều quốc gia trên dãy Himalaya như Ấn độ, Nepal, Ladakh, Bhutan kính ngưỡng là hiện thân của Đức Phật Quan Âm và hóa thân chuyển thế của nhiều Đại Thành Tựu Giả trứ danh như Đức Naropa, Đức Gampopa,… liên tục quay trở lại nhân gian để phổ độ chúng sinh.
Truyền thừa giác ngộ của Ngài bắt nguồn từ Đức Phật Kim Cương Tổng Trì, được tiếp nối qua các Đại Thành Tựu Giả là các Ngài Tilopa, Naropa, Marpa, Milarepa, Gampopa, Rechungpa, Phagmo Drupa và Lingchen Repa. Dòng Truyền thừa của Tâm Đại Từ Bi nổi tiếng với sự thanh tịnh, đức chân tu khổ hạnh cùng những pháp tu trì thâm diệu thành tựu Phật quả ngay trong một đời như “Sáu Yoga của Naropa”, giáo pháp khẩu truyền tâm yếu “Đại Thủ Ấn”, những pháp thiền định đặc biệt “Sáu Pháp Vị Bình Đẳng”, “Bảy Pháp Duyên Khởi”... Đây là truyền thống Phật giáo Đại thừa - Kim cương thừa với di sản lịch sử và tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngày nay với hệ thống hàng ngàn tự viện tại các quốc gia vùng Himalaya cùng hàng chục trung tâm Phật pháp trên toàn thế giới.
Ngạn ngữ dân gian vùng núi tuyết còn lưu truyền câu kệ sau:
“Một nửa người dân là đệ tử Truyền thừa Drukpa,
Một nửa đệ tử Truyền thừa Drukpa là hành giả Yogi,
Một nửa hành giả Yogi là Đại Thành Tựu Giả”
Trong hiện đời, với tâm nguyện đem tình yêu thương trong hành động vì một thế giới hòa bình, hòa hợp và an lạc, Đức Pháp Vương thường du hóa chia sẻ thông điệp Từ bi Trí tuệ của Đức Phật và khuyến khích thực hành thiện hạnh tại nhiều nơi. Những nỗ lực không mệt mỏi vì hạnh phúc an sinh và bảo vệ môi trường của Đức Pháp Vương đã được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế vinh danh qua các giải thưởng cao quý như “Vì Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ”, danh hiệu “Bậc Bảo Hộ của vùng Himalaya”, giải thưởng “South - South Awards” của Liên Hiệp Quốc, cúp “Anh Hùng Xanh” của Tổng thống Ấn độ…
Kể từ năm 2007, khi đất nước Việt Nam lần đầu tiên được phúc đức thắng duyên tiếp đón Đức Pháp Vương, Ngài đã năm lần từ bi quang lâm để cử hành Đại Pháp hội quán đỉnh cộng đồng cầu nguyện quốc thái dân an, cầu siêu độ chư hương linh anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn, nạn nhân thiên tai bão lụt, chia sẻ thông điệp hòa bình tiến bộ, từ bi trí tuệ của đức Phật, khơi nguồn cảm hứng giác ngộ vì lợi ích vô số người dân và hữu tình tại Việt Nam.
Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%