Những năm gần đây, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa tổ chức nhiều cuộc hành hương để chia sẻ thông điệp về môi trường.
Đức Pháp Vương nhận được sự tôn kính của người dân địa phương trên đường hành hương |
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, một bậc lãnh tụ tâm linh được tôn vinh là hóa thân chân thật của Đức Phật Quán Âm, đã trực tiếp tham gia những chuyến bộ hành dài hàng trăm ki lô mét cùng với Tăng đoàn và các Phật tử nhặt từng vỏ chai nhựa, túi nylon, vỏ giấy kẹo, để góp phần gìn giữ môi trường xanh bền vững. Là người lãnh đạo tinh thần của Truyền Thừa Drukpa thuộc Phật giáo Kim Cương Thừa, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đã chuyển giáo lý của Phật pháp Tình yêu thương và Trí tuệ thành những hành động thiết thực đem lại hòa bình và hạnh phúc, vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Chuyến bộ hành vì môi trường
Những năm gần đây, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa tổ chức nhiều cuộc hành hương để chia sẻ thông điệp về môi trường. Năm 2011, Ngài đã dẫn đầu một đoàn người hành hương, đi bộ vượt 300km từ bang Tây Bengal đến Sikkim, Ấn Độ. Chuyến “hành hương vì môi trường” này nhằm nâng cao nhận thức về những vấn đề môi trường tại dãy Himalaya. Tham gia hành trình đi bộ có tới hơn 300 Tăng Ni cùng nhiều Phật tử từ khắp thế giới của Truyền Thừa. Trên đường đi, những người tham gia bộ hành cùng nhau nhặt những rác thải không thể phân hủy. Kết thúc hành trình đã thu gom được 980kg phế liệu. Đây là chuyến hành hương vì môi trường thứ hai mà Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa phát động, tiếp nối hành trình dài 400km ở khu vực Ladakh vào năm 2009, với sự tham gia của hơn 700 người, đều là những người tình nguyện với tâm nguyện bảo vệ Trái Đất xanh tươi.
“Những thảm họa tự nhiên thực ra không phải lúc nào cũng do “thiên nhiên” mà do chính con người tạo ra. Tôi từng đọc trong một bài báo nói rằng nếu chúng ta không gìn giữ môi trường của khu vực Himalaya, những thiên tai, bão lũ, dịch bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới 75% dân số thế giới,” Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa chia sẻ “Bởi vậy, thật khẩn thiết và cấp bách phải nâng cao nhận thức và giáo dục người dân về những mối đe dọa của thiên nhiên cũng như phải ý thức và trách nhiệm hơn đối với môi trường. Tâm nguyện duy nhất của tôi là muốn giáo dục cho người dân về tầm quan trọng phải bảo vệ môi trường để vùng Himalaya không bị hủy hoại. Những Phật tử chúng tôi tin vào quy luật “nghiệp quả”, nói nôm na là “hành động nào dẫn đến quả báo đó”. Chúng ta đã và đang không hướng hành động của mình theo một con đường đúng đắn. Chuyến hành hương này là một lời kêu gọi những hành động đúng hướng.”
“Sống để yêu thương”
Các hoạt động vì môi trường chỉ là một phần trong các thiện hạnh của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa. Là bậc lãnh tụ tâm linh đứng đầu Truyền Thừa Drukpa thuộc Phật giáo Đại thừa-Kim Cương thừa, có lịch sử khởi nguồn cách đây gần 1.000 năm, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa hiện đang lãnh đạo hệ thống hàng trăm tự viện tại các quốc gia Nepal, Ấn Độ... cùng hàng chục trung tâm Phật giáo trên toàn thế giới. Đức Pháp Vương thường đi du hóa truyền giảng Phật pháp tại nhiều quốc gia với mong nguyện: mang sự an bình và giải pháp chuyển hóa phiền não, khổ đau đến với mọi người.
Ngài cũng là bậc sáng lập của phong trào từ thiện quốc tế Sống để Yêu thương (“Live to love”), bắt đầu từ năm 2007 đến nay được mở rộng trên phạm vi 16 quốc gia với những dự án thiết thực như giáo dục, cứu trợ y tế, bảo vệ di sản, môi trường. Năm 2010, các nỗ lực và đóng góp vì một thế giới tốt đẹp hơn của Ngài được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế vinh danh qua các giải thưởng tôn quý như giải thưởng “Vì Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ” của Liên Hợp Quốc, cúp “Anh hùng Xanh” của Ấn Độ. Ngài cũng được Thái tử Charles của Vương quốc Anh và Ban tổ chức Giải thưởng Trái đất thỉnh mời tham gia Ủy ban Giám khảo của giải thưởng cao quý này.
Có những chuyến hành hương trên Himalaya, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa cùng các Phật tử đã phải trải qua rất nhiều hiểm nguy vì tuyết lở, bão tuyết, nguồn thực phẩm cạn kiệt, áp suất thay đổi khi vượt qua năm ngọn núi Himalaya ở độ cao lên tới 5.300 mét. Nhưng trên đường đi, đoàn đã thăm các cộng đồng, các trường học để nâng cao nhận thức, động viên người dân bảo vệ môi trường, phân phát sách vở, hướng dẫn về lợi ích và phát túi vải cho dân làng để ngăn chặn sử dụng đồ nhựa. Suốt chuyến đi, đoàn hành hương thu nhặt từng mẩu rác nhỏ mà họ tìm thấy trên núi. “Trong thế giới đầy bất an và bất trắc ngày nay nơi chúng ta đang tìm kiếm hạnh phúc chân chính, mà chúng tôi vẫn may mắn có cơ hội được sống và hòa mình vào thiên nhiên, thì đây quả là một liệu pháp thực sự rất hiệu quả,” Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa từng chia sẻ. Đức Pháp Vương không chỉ là một bậc lãnh tụ tâm linh giác ngộ mà còn thành tựu trên các phương diện đóng góp trí tuệ và hoạt động thiết thực cho xã hội hiện đại. Trên các trang mạng xã hội và trên blog của mình, Ngài luôn thúc giục mọi người hành động để mưu cầu sự an bình và hạnh phúc: “Đây là lúc phải hành động. Chỉ thuần túy ngồi tư duy thiền định sẽ không còn mang lại nhiều lợi ích”.
Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?