Tình yêu cổ tích
Thứ ba, 14/02/2012 14:11

Thật khó dùng một từ để nói về mối quan hệ của chị Nguyễn Thị Mai và anh Nguyễn Văn Thiện, tên khai sinh là Nguyễn Văn Ba, hiện đang sống ở 466/3/4 Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú, TP.HCM. Nói vợ chồng cũng không được vì họ chưa một lần trao nhau nhẫn cưới.

Cuộc sống của anh chị luôn rộn tiếng cười. Chị là người chăm gom nhặt những câu chuyện cười để kể cho anh nghe, giúp anh quên mệt mỏi vì bệnh tật

Nói bạn bè càng sai vì có cô bạn nào chịu sống chung và hết lòng chăm sóc cho một người đàn ông bán thân bất toại lại mồ côi cha mẹ. Cứ gọi họ là tình nhân như cách họ muốn và họ yêu nhau đến nay đã 22 năm trong cảnh cơ hàn.

Anh Thiện quê Long An, sau năm 1975 anh theo chị ruột lên Đồng Xoài, Sông Bé (nay là Bình Phước) đi kinh tế mới. Tết năm 1987, anh Thiện theo bạn bè về Sài Gòn chơi và quen chị Mai, đang là công nhân tại Xí nghiệp Dệt 6 (đường Bến Chương Dương, Q.1). Quen thì quen nhưng anh Thiện không dám mơ sẽ cưới con gái Sài Gòn. Năm 1989, anh bị bò đá ngoài rẫy, chấn thương cột sống nặng nên phải chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy. Biết tin, chị Mai vào thăm và chăm sóc đến khi anh ra viện với cơ thể bị liệt. Thương anh nên chị quyết “về với anh”.

Mẹ lo sợ chị rồi sẽ khổ nên không chấp nhận cho chị đưa anh Thiện về nhà sống. Chị Mai thuê nhà để trông nom anh và quyết liệt đến mức mẹ phải xuống nước: “Bây làm bạn thôi, khi nào thằng Thiện khỏe thì con coi mà lấy chồng”. Dần dà rồi bà tặc lưỡi: “Duyên -  nợ -  tình đến rồi, thôi để tụi nó tự tính”. Những ngày bên nhau là những ngày anh nằm liệt giường và chị chăm lo cho anh từ việc lớn đến những sinh hoạt nhỏ không thể thiếu của một con người. Anh tâm sự: “Ngày trẻ Mai có nhiều người theo đuổi nhưng tôi không hiểu tại sao cô ấy lại chịu tôi mà lại chịu trong lúc tôi khốn khó nhất. Mai là đôi tay đôi chân của tôi, sau nhiều năm bên nhau tôi không tưởng tượng được nếu không có sự xuất hiện của Mai thì bây giờ tôi còn được sống không chứ chưa nói là sống vui vẻ”. Từ ngày họ về với nhau đến nay đã  22 năm, chưa một ngày cuộc sống của họ thoát ra khỏi nỗi lo cơm áo gạo tiền, nhưng căn phòng nhỏ luôn rộn tiếng cười.

Đôi tay còn khỏe mạnh, có thể làm vài việc trong nhà nên khi có dịp anh Thiện lại nài nỉ chị Mai: “Để tui giúp”. Căn nhà anh chị đang ở là miếng đất nhỏ, ngày xưa nằm bên một cái ao. Chị mua được bằng tiền dành dụm từ thời làm công nhân ở Xí nghiệp Dệt 6

Nơi nào có vết xe lăn của anh thì nơi đó có dấu chân và những giọt mồ hôi của chị

Để mưu sinh, chị đi làm công nhân nối chỉ cho một số cơ sở dệt ở Q.Tân Bình

Chị hỏi thăm từng chi tiết nhỏ về bệnh tình của anh mỗi khi vào bệnh viện

Cuộc điện thoại từ nơi làm việc về nhà hỏi thăm sức khỏe của anh

Để anh Thiện không có cảm giác mình thừa thãi, chị Mai đưa anh đi chợ hằng tuần và để anh tự tay chọn lựa thức ăn. Anh Tuấn bán thịt heo (bìa phải) gần nhà vẫn hay biếu chút thịt để anh bồi dưỡng

Những lần đi khám ở Bệnh viện Bình Dân (Q.3) là những lần anh Thiện thấy xót cho chị nhất. 4g sáng chị đẩy xe lăn đưa anh đi khám và trưa lại đội nắng đi về

Không có con, việc mà anh chị thích mỗi chiều là được đùa với những đứa bé hàng xóm

Những lúc chị đi làm, những chú chó mèo trở thành người bạn của anh Thiện

“Chuyện tình chị Mai và anh Thiện có lẽ là chuyện của một miền cổ tích nào đó vô tình trôi về đời thực. Chị Mai là người phụ nữ quá dũng cảm, dám yêu và sống trọn vẹn với người mình thương yêu. Chị có đức hi sinh và tấm lòng cao thượng đến lạ lùng” - nhạc sĩ Vũ Hoàng tâm sự như vậy khi kể về lần đến thăm và trò chuyện cùng chị Mai - anh Thiện. Sau lần chuyện trò ấy, anh đã xúc động và viết nhạc phẩm Giọt mưa sa: “Hai người bên nhau quấn quýt dặm trường. Như chuyện cổ tích giữa vô thường”.

 

Tuổi trẻ
Tag: Nhịp điệu trẻ , Câu chuyện tình yêu , Tình yêu , Hôn nhân , Tình yêu cổ tích