Thưởng Tết giáo viên: Nơi có nơi không
Thứ bảy, 12/01/2013 21:11

Một số trường ở TPHCM mức thưởng Tết cho giáo viên có thể lên đến 15-20 triệu đồng. Trong khi đó, giáo viên nhiều tỉnh, hầu như không có khái niệm thưởng tết.

Với nhiều giáo viên vùng sâu, vùng xa ở ĐBSCL, thưởng Tết là chuyện xa vời Ảnh: THỐT NỐT

Với nhiều giáo viên vùng sâu, vùng xa ở ĐBSCL, thưởng Tết là chuyện xa vời Ảnh: THỐT NỐT

Dù TPHCM và UBND các quận, huyện chưa công bố mức hỗ trợ thưởng Tết cho giáo viên (GV) nhưng nhiều trường cho biết năm nay thưởng Tết cho GV giảm không đáng kể.

TPHCM: Có trường thưởng khá cao

Ông Trần Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Tạ Quang Bửu (quận 8), lạc quan: “Năm nay sẽ cố gắng bằng năm ngoái. Làm lãnh đạo chỉ cố gắng sao thưởng Tết cho GV không tăng được nhưng cũng không giảm, giảm thì buồn quá. Năm ngoái, Trường THPT Tạ Quang Bửu mỗi GV được thưởng từ 15-20 triệu đồng”. Để có khoản thưởng này, trường đã tiết kiệm chi tiêu, hơn nữa, GV của trường đa số là GV trẻ có hệ số lương thấp nên quỹ lương chi ít, vì vậy cũng có khoản dư. Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), số tiền thưởng Tết (lương tăng thêm) cộng các khoản phụ cấp thêm giờ cũng vào khoảng 20 triệu đồng/người.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 4 cho biết nhờ được tự chủ tài chính và thêm nguồn kinh phí cho thuê mặt bằng mở trung tâm ngoại ngữ nên cuối năm, mỗi GV được thưởng khoảng 8-10 triệu đồng. Tại quận 5, năm nay mức thưởng Tết cho GV dao động từ 1,5 - 3 triệu đồng, tăng hơn năm ngoái từ 200.000 - 500.000 đồng, nhiều trường mầm non có mức thưởng từ 6 - 15 triệu đồng, tuy số trường thưởng mức 15 triệu đồng không nhiều.

Một số nơi khó khăn nhất của TPHCM, mức thưởng Tết cũng không quá thấp. Tại Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ), ông Đặng Thái Bình, hiệu trưởng, cho biết: “Năm nay ngân sách chi cho các điểm lẻ tăng thêm (từ 20 triệu lên 100 triệu đồng) nên tiền thưởng Tết cho GV cũng tăng đáng kể, vào khoảng 3,5 triệu đồng/người, gấp đôi năm ngoái”.

ĐBSCL: Nhiều trường chưa biết “mùi” thưởng Tết

Theo ông Ngô Triều Mến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau, năm ngoái, GV trong tỉnh được hỗ trợ tiền Tết 300.000 đồng nhưng đây là khoản hỗ trợ cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong tỉnh. Năm nay, đến giờ này vẫn chưa có thông tin gì về khoản hỗ trợ Tết.

Cô Trần Thanh Tâm, một giáo viên đang công tác tại Trường THPT Thanh Bình 1, huyện Thanh Bình - Đồng Tháp, vui vẻ cho biết: “Năm nay GV trường tôi sẽ ăn Tết “lớn” vì mỗi người nhận được khoảng 2 triệu đồng. Tuy không nhiều so với các trường bạn nhưng mọi người ai cũng vui”.

Tại An Giang, UBND tỉnh này vừa chỉ đạo cơ quan chức năng chi trả lương tháng 1 và tháng 2-2013 cho CBCCVC cơ quan hành chính sự nghiệp. Ngoài ra, CBCCVC còn được hỗ trợ 600.000 đồng/người để ăn Tết. Tuy nhiên tại Kiên Giang, GV không có thưởng Tết. Thầy Nguyễn Hoàng Khởi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Danh Coi, huyện An Minh, cho biết nhiều năm qua, GV công tác ở vùng đặc biệt khó khăn này chưa biết đến “mùi” thưởng Tết. Các trường chỉ tặng cho GV một vài chai nước mắm, bịch bột ngọt…

Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định: Không có quy định thưởng Tết

Theo ông Trần Đức Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định, từ trước tới nay chưa bao giờ ngân sách có mục thưởng Tết cho ngành giáo dục, do vậy việc này các trường tự lo. Ông Nguyễn Tấn Thắng, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, cho biết năm nay, GV không có tiền thưởng Tết do ngân sách của tỉnh thâm hụt. Các năm trước, tùy theo tình hình tài chính, UBND tỉnh thưởng cho mỗi GV từ 100.000 - 200.000 đồng.

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Nam Giang, nói: “Năm nào cũng thế, GV công tác ở miền núi Tết đến hầu như chẳng có gì. Bà con dân bản thương thì cho ít quà thôi”. Còn theo ông Nguyễn Trường Sinh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My, nếu các trường tiết kiệm chi phí thì khoản thưởng cho GV cũng chỉ là vài gói mứt, bánh kẹo chứ làm gì có tiền thưởng Tết.

Ông Trần Ngọc Tựu, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, thông tin toàn tỉnh hiện có 16.000 GV, nếu thưởng 200.000 đồng/GV thì phải mất hơn 3,2 tỉ đồng nên rất khó có để thưởng Tết bởi không thể lo nổi khoản tiền này.

Hà Nội: Trường không có nguồn thu thì đành chịu

Cô Nguyễn Thị Thu Ba, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Thượng A, huyện Ba Vì - Hà Nội, cho hay đến thời điểm này vẫn chưa có kế hoạch gì về thưởng Tết cho GV. Tuy nhiên, cô Thu Ba cũng cho biết sẽ xin hỗ trợ từ các nguồn khác, vài trăm ngàn đồng hoặc món quà gì đó, tùy theo xếp hạng thi đua của mỗi GV.

Năm nay, thưởng Tết cho GV Trường THCS Kim Sơn, huyện Gia Lâm - Hà Nội tiếp tục là một số tiền nhỏ mà GV có thể ứa nước mắt khi ký nhận, như lời hiệu trưởng trường này. Cô hiệu trưởng cho rằng đó không thể gọi là thưởng Tết mà chỉ là quà cuối năm.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Lập, huyện Đan Phượng - Hà Nội, cho biết các trường ở nội thành còn có thêm thu nhập từ các khoản khác, còn trường ở nông thôn thì không có khoản thu nào để đắp đổi cho GV dịp Tết.

UBND tỉnh Phú Yên trích ngân sách hỗ trợ mỗi GV khoảng 200.000 đồng. UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết thông báo sẽ thưởng Tết 1 triệu đồng/người cho CBCCVC.

Nên có lương tháng 13 cho giáo viên?

Thưởng Tết cho giáo viên (GV) đúng là vấn đề “nhạy cảm”. Điều này cũng dễ hiểu vì GV là công chức, hưởng lương hành chính sự nghiệp. Các địa phương nếu có điều kiện cũng chỉ trích ngân sách hỗ trợ chứ không có chuyện thưởng Tết.

Thưởng Tết từ lâu đã là niềm vui, là thu nhập chính đáng của người lao động. Các năm trước, khi kinh tế ấm lên, nhiều doanh nghiệp, đơn vị thưởng rất cao cho người lao động, đặc biệt các ngành như ngân hàng, điện lực, viễn thông… Khi đó nhiều ý kiến so sánh và đề nghị nên có một khoản nào đó để thưởng Tết cho GV để GV đỡ tủi phận nhưng cơ chế không cho phép. Thời điểm này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT là ông Nguyễn Thiện Nhân đã kêu gọi các địa phương, các doanh nghiệp hỗ trợ cho ngành giáo dục để GV có một khoản tiền ăn Tết.

Lãnh đạo một phòng GD-ĐT ở TPHCM cho rằng nên có lương tháng 13 cho GV. Làm thế nào để GV, đặc biệt là GV công tác ở vùng sâu, vùng xa, có tiền thưởng Tết vẫn là điều trăn trở của ngành giáo dục mỗi khi Tết đến. Thực ra, xét về cơ chế, cho đến nay chưa thể thực hiện lương tháng 13 cho GV, vì nếu vậy cũng phải có lương tháng 13 cho các đơn vị hành chính sự nghiệp khác.

Vấn đề căn bản là phải trả lương cho GV tương xứng với sức lao động họ bỏ ra. GS Hoàng Tụy đã từng phát biểu rằng chưa giải quyết vấn đề lương cho GV thì mọi cải cách của ngành giáo dục không thể thực hiện được. Trong một nghiên cứu của mình, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, đã đề nghị nên có khung lương, ngạch lương riêng cho GV để GV có thể sống được bằng lương. Tuy nhiên cho đến nay, điều này chưa thành hiện thực, thậm chí không ít nơi còn nợ lương, nợ tiền phụ cấp thâm niên của GV.

Trong một cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết sẽ từng bước cải tiến lương cho GV trên cơ sở tương quan giữa các ngành nghề khác, cho thấy trước mắt vẫn chưa có đột phá nào trong việc trả lương cho GV.

Giáo dục là quốc sách. Chất lượng của nền giáo dục quốc gia lệ thuộc vào chất lượng GV. Nếu chưa có cơ chế đặc thù về lương cho GV thì các ngành chức năng nên tìm cách trả lương tháng 13 cho GV, coi như một khoản tiền thưởng Tết. Có lẽ xã hội, nhiều ngành nghề khác cũng đồng thuận với đề xuất này vì mục đích cuối cùng là để chăm lo cho đời sống GV, cho ngành giáo dục nước nhà.

NLĐ

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: Thưởng tết , Giáo dục , Giáo viên , Lương thưởng , Giáo viên vùng xa