Thủ tướng Thái Lan quyết không từ chức
Thứ ba, 10/12/2013 22:39

Quân đội Thái Lan đã chán nản với tình hình bất ổn và lần này họ đóng vai trò trung gian hòa giải.

Thủ tướng Yingluck Shinawatra tuyên bố không từ chức tại cuộc họp báo hôm 10/12

Thủ tướng Yingluck Shinawatra tuyên bố không từ chức tại cuộc họp báo hôm 10/12

Nước mắt rưng rưng, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra hôm 10/12 đã bác bỏ yêu sách đòi bà từ chức trong vòng 24 giờ (tính từ tối 9/12) của thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban.

Biểu tình giảm hẳn

Bà Yingluck tuyên bố sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ thủ tướng lâm thời theo quy định của hiến pháp cho đến khi bầu cử diễn ra ngày 2/2/2014. Phát biểu với các nhà báo, bà nhấn mạnh: “Quốc hội đã bị giải tán, tôi yêu cầu mọi người ngừng chống đối và tất cả các bên cùng hướng đến cuộc bầu cử”.

Theo báo The Bangkok Post, các đường phố ở thủ đô Bangkok yên tĩnh hôm 10/12 và số người biểu tình giảm đáng kể so với con số khoảng 150.000 người một ngày trước. Tuy nhiên, một lượng nhỏ người phản đối vẫn túc trực bên ngoài các tòa nhà chính phủ.

Hơn 1 tháng qua, hàng chục ngàn người đã xuống đường lên án nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan là con rối của anh trai, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Họ cáo buộc Đảng Pheu Thai của bà sử dụng công quỹ để “mua” phiếu bầu, đồng thời muốn thay thế chính phủ của bà bằng “hội đồng của nhân dân” không qua bầu cử. Ông Suthep tuyên bố: “Chúng tôi sẽ chọn ra một vị thủ tướng của nhân dân, thành lập chính phủ và quốc hội của nhân dân”.

Các nhà phân tích nhận định Pheu Thai nhiều khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Với việc được Pheu Thai chọn làm ứng cử viên số 1, bà Yingluck sẽ lại có cơ hội làm thủ tướng. Ủy ban Bầu cử Thái Lan thông báo cho đăng ký ứng viên bầu cử từ ngày 23/12 đến 1/1/2014. Lúc này, Đảng Dân chủ đối lập vẫn chưa xác nhận có tham gia bầu cử hay không. 153 nghị sĩ thuộc đảng này mới rút khỏi quốc hội hôm 8/12 để phản đối chính phủ.

Quân đội “ngán” bất ổn

Cuộc vận động của ông Suthep đang có khả năng đánh bật một lãnh đạo dân cử mà không cần quân đội nhúng tay. Tuy nhiên, theo nhận định của tờ Time, quân đội Thái Lan đã chán nản với tình hình bất ổn dù lực lượng này tổ chức hoặc âm mưu 18 cuộc đảo chính trong vòng 80 năm qua.

Lần này, quân đội tuyên bố không muốn can dự vào khủng hoảng và những gì họ thể hiện cho thấy vai trò của một trung gian hòa giải, phần nào đảm đương vai trò của đức vua đang đau bệnh.

Lần cuối quân đội Thái Lan đảo chính là vào năm 2006, lật đổ ông Thaksin. Tuy nhiên, thời gian họ nắm quyền từ tháng 9/2006 đến tháng 12/2007 không hề êm ả. Đến năm 2010, theo lệnh của chính phủ khi ấy, quân đội đã trấn áp thẳng tay người biểu tình “Áo đỏ” khiến khoảng 90 người thiệt mạng. Công chúng hoảng sợ, còn hình ảnh quân đội hoen ố nặng nề. Phải đến thảm họa lũ lụt hồi tháng 7/2011, quân đội Thái Lan mới giành lại phần nào thiện cảm khi ra sức trợ giúp người dân và tái thiết đất nước.

Ngoài ra, theo tờ Asia Times, đã có một thỏa thuận vào năm 2011 giữa phe ủng hộ ông Thaksin, Hoàng gia Thái và quân đội. Theo đó, quân đội không bị truy cứu trách nhiệm trong vụ trấn áp năm 2010 nhưng đổi lại là không can thiệp vào chính trường. Thêm vào đó, dưới thời bà Yingluck, ngân sách quốc phòng tăng 5%, lên 6,1 tỉ USD trong năm 2013 và dự kiến lên 8,7 tỉ USD vào năm 2018.

Nld.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: Thái Lan , Biểu tình , Đảo chính , Yingluck Shinawatra , Thaksin Shinawatra , Bất ổn chính trị ở Thái Lan