Thi sắc đẹp ngay sau án mạng giảng đường: Chua xót vì sự vô cảm
Thứ sáu, 28/12/2012 07:40

Ngành giáo dục Mỹ dừng liên hoan, cả nước để quốc tang vì học sinh thiệt mạng. Còn sau án mạng giảng đường, ĐH Kinh Doanh và Công Nghệ tổ chức thi sắc đẹp.

Tổ chức cuộc thi tôn vinh nét đẹp sinh viên ngay sau khi xảy ra án mạng cướp đi mạng sống của sinh viên tại trường là một sự vô cảm

Tổ chức cuộc thi tôn vinh nét đẹp sinh viên ngay sau khi xảy ra án mạng cướp đi mạng sống của sinh viên tại trường là một sự vô cảm

ĐH Kinh Doanh và Công Nghệ Hà Nội mới tổ chức một cuộc thi sắc đẹp mang tên “Duyên dáng Kinh doanh 2012” nhằm tôn vinh vẻ đẹp ngoại hình, tri thức và tâm hồn của sinh viên. Trao đổi với PV, PGS Văn Như Cương cho rằng "Trường còn vô cảm như thế thì giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên sao đây?”.

Trường còn vô cảm, học sinh còn đánh nhau

Thời gian qua, thực trạng học sinh, sinh viên gây gổ, đánh nhau ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm. Chỉ cần gõ vào thanh công cụ tìm kiếm Google cụm từ “học sinh đánh nhau” đã cho đến 16.100.000 kết quả chỉ trong vòng 0,23 giây.

Kết quả tìm kiếm trên Google chứng tỏ bạo lực học đường ngày càng gia tăng

Mới đây nhất, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ bắt nguồn từ một cái "nhìn đểu", một sinh viên trường Đại học Kinh Doanh và Công nghệ Hà Nội đã ra tay cướp đi mạng sống của bạn mình.

PGS Văn Như Cương khi trao đổi với PV về tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng với những diễn biến phức tạp đã không giấu nổi nỗi buồn của một người thầy giáo.

“Thực trạng học sinh, sinh viên đánh nhau ngày càng đến mức báo động, nó thể hiện sự băng hoại đạo đức của một bộ phận học sinh, sinh viên hiện nay. Thay vì học hành, một số học sinh, sinh viên chỉ lao vào đánh đấm mà quên đi nhiệm vụ trau dồi đạo đức, nghiệp vụ của mình. Đó là một nguy cơ lớn, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục”, PGS Văn Như Cương bày tỏ.

“Tôi rất buồn khi xem những clip đánh nhau mà học sinh tung lên mạng để khoe "chiến tích", trong đó có không ít học sinh nữ. Đặc biệt, khi biết tin sinh viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội bị bạn giết ngay tại giảng đường chỉ vì cái nhìn đểu thì tôi đã phải lên tiếng cho rằng đó là hành động quá nhẫn tâm và phi đạo đức. Cái chết oan uổng của nam sinh viên, tương lại mịt mù của những kẻ gây án, để lại cho không chỉ trong gia đình nạn nhân những nỗi đau mà ngay cả những người làm giáo dục như tôi cũng phải xé lòng. Học bao nhiêu năm ở trường, chỉ học được thói du côn như thế thì quả là đau lòng”, GS Văn Như Cương tâm sự.

“Không chỉ buồn vì thói du côn của sinh viên giết bạn mình, tôi còn buồn và đau đớn trước sự vô cảm của Ban giám hiệu Trường Đại học Kinh Doanh và Công nghệ Hà Nội. Bởi ngay sau khi xảy ra vụ án mạng, cướp đi mạng sống của một sinh viên giỏi đang theo học ở trường, không hiểu nhà trường suy nghĩ gì mà cho phép Đoàn trường và Hội sinh viên trường tổ chức “Duyên dáng kinh doanh 2012” nhằm tôn vinh vẻ đẹp ngoại hình, tri thức và tâm hồn của sinh viên ngay trong đêm 20/12. Đó là một sự vô cảm của nhà trường với cái chết thương tâm của một sinh viên, Đoàn viên”, PGS Văn Như Cương tỏ vẻ bất bình.

PGS Văn Như Cương

PGS Văn Như Cương cũng dẫn chứng một vụ bạo lực ở nước Mỹ mới xảy ra khiến 19 học sinh thiệt mạng. Ngay sau đó, ngành giáo dục nước này đã dừng các hoạt động liên hoan, cả nước để quốc tang. Trong khi đó, trường Đại học Kinh Doanh và công nghệ Hà Nội lại làm những việc khiến những người làm giáo dục thấy bất bình. Nhà trường còn vô cảm như thế thì giáo dục đạo đức cho sinh viên thế nào đây?, PGS Cương cho biết.

“Tôi rất bất ngờ trước việc làm của Đoàn trường và Hội sinh viên trường này. Mặc dù Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, trưởng ban tổ chức cuộc thi có giải thích: Nhà trường mong muốn thông qua cuộc thi này gửi gắm một thông điệp tới tất cả sinh viên đó là hãy xây dựng một môi trường học tập lành mạnh, biết đấu tranh, phản ứng trước cái xấu. Nhưng chính họ phản ứng trước cái xấu bằng việc tổ chức chương trình vui chơi thì thật quá vô cảm, thiếu gì cách để xử sự”, PGS Văn Như Cương cho biết.

Chưa có biện pháp cụ thể để ngăn chặn bạo lực học đường?

Mặc dù thực trạng học sinh, sinh viên đánh nhau ngày càng gia tăng và phức tạp, tuy nhiên, theo PGS Văn Như Cương đến nay chúng ta vẫn chưa có biện pháp gì cụ thể để ngăn chặn.

“Ở nước ta, hầu hết các trường đều có thực trạng này với những mức độ khác nhau: từ cãi vã, gây gổ, đánh nhau, quay clip tung lên mạng, rồi đến giết bạn cùng trường. Tuy nhiên, đến nay ngành giáo dục vẫn chưa có biện pháp gì cụ thể để ngăn chặn thực trạng này một cách hiệu quả. Đó là một điều đáng phải suy nghĩ”, vị PGS tỏ ra băn khoăn.

“Bộ GD-ĐT có ra quy định nào thì cũng phải căn cứ trên cơ sở làm thế nào để giáo dục đạo đức, lối sống tốt đẹp cho thanh niên, học sinh, sinh viên. Cứ để xảy ra vụ việc rồi mới xử lý kỷ luật cũng không phải là giải pháp hay. Bởi nếu đưa học sinh vi phạm lỗi nhỏ ra buổi sinh hoạt dưới cờ để phê bình thì không phù hợp, sẽ tăng thêm bức xúc và mặc cảm cho học sinh đó, phải làm sao giúp các em nhận ra những sai lầm. Từ vụ việc nhỏ, nhiều khi dẫn đến hậu quả lớn. Giải pháp tốt nhất vẫn là giáo dục đạo đức và tư cách, lối sống cho học sinh, sinh viên”, PGS Văn Như Cương bày tỏ.

“Bạo lực học đường ở nước ta có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Đó không chỉ là trách nhiệm của riêng nhà trường, của ngành giáo dục mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Cần có sự kết hợp của chính quyền địa phương, gia đình, các tổ chức đoàn thể và xã hội, cùng nhà trường trong việc giáo dục đạo đức, tuyên truyền pháp luật để các em hiểu và không vi phạm”, PGS Văn Như Cương đưa ra nhận định.

Kiến Thức
Tag: Đại học Kinh doanh và Công Nghệ , Thi sắc đẹp , Phía sau giảng đường , Vô cảm , Sinh viên bị đâm , Giảng đường