Olympic London 2012 có thể coi là một kỳ Olympic thất bại với đoàn Nga. Họ bị Mỹ và Trung Quốc bỏ lại khá xa. Thậm chí còn để cả đoàn Vương quốc Anh qua mặt.
Yelena Isinbayeva là hình ảnh tiêu biểu cho sự thất bại của thể thao Nga tại Olympic London 2012 |
Khi nữ hoàng nhảy xà Yelena Isinbayeva buồn rầu bước lên bục nhận tấm HCĐ, chấm dứt những năm tháng làm mưa làm gió ở làng nhảy xà nữ, nhiều người đã cảm thấy rất buồn. Và chắc chắn, họ sẽ càng buồn hơn nếu biết rằng, nụ cười đượm buồn của Isinbayeva cũng chính là hình ảnh tiêu biểu cho đoàn Nga tại Olympic London 2012. Hết rồi cái thời Nga cạnh tranh quyết liệt với Mỹ và Trung Quốc cho một vị trí trong tốp 3.
Vào hôm nay, Olympic London 2012 sẽ chính thức khép lại sau 17 ngày khởi tranh và tính cho tới thời điểm này, Nga mới chỉ có 18 HCV, kém đoàn Vương Quốc Anh tới 10 HCV và đang bị đoàn Hàn Quốc (13 HCV) bám sát. Không còn cơ hội để đoàn Nga có thể vượt mặt chủ nhà nhằm chen chân vào tốp 3 vì họ không còn nhiều môn có thể tranh đoạt HCV. Một thực tế buồn nhưng là điều đã được dự báo từ trước.
Tổng thống Putin là một người rất hâm mộ môn Judo
4 năm trước, tại Olympic Bắc Kinh, Nga chỉ đoạt 23 HCV, xếp sau Mỹ (32 HCV) và chủ nhà Trung Quốc (51 HCV), và nhiều người Nga cho rằng đó là dấu hiệu tụt dốc của nền thể thao nước này. Tới Thế vận hội mùa đông ở Vancouver 2010, cả đoàn Nga chỉ đoạt 3 HCV và kết thúc ở vị trí thứ 11, vị trí thấp nhất trong lịch sử. Còn trước ngay sang Anh, các VĐV Nga cũng không giành được thành tích gì nổi bật ở những giải mang tính khởi động.
Không phải người Nga không còn coi trọng thể thao. Bằng chứng là Tổng thống Vladimir Putin rất hâm mộ môn Judo và sang cả London để xem các VĐV của mình thi đấu. Rồi mức thưởng cho 1 chiếc HCV cũng rất “khủng”, lên tới nửa triệu USD. Đó là chưa kể đến các khoản thưởng bằng hiện vật như: căn hộ, xe hơi… Thêm vào đó, lực lượng tham dự Olympic lên tới 436 VĐV, với 228 nữ và 208 nam cũng cho thấy đoàn Nga quyết tâm tìm lại mình như thế nào.
Bộ trưởng thể thao Vitaliy Mutko là người phải chịu trách nhiệm?
Tuy nhiên, mọi thứ không còn nằm trong tầm kiểm soát của người Nga. Ở những môn thế mạnh như điền kinh, bắn súng, đấu kiếm, bơi lội, nhảy cầu, thể dục dụng cụ hay thể dục nghệ thuật... các VĐV Nga đều thi đấu tương đối thất vọng và giành được số huy chương khiêm tốn. Chỉ có điền kinh, đấu vật và Judo là còn giữ được vị thế của mình, với tổng cộng 15 HCV.
Giới truyền thông và người hâm mộ thể thao Nga đang rất tức giận, và tất nhiên, mọi tội lỗi được đổ lên đầu Bộ trưởng Thể thao Vitaliy Mutko, người bị coi là nói nhiều hơn làm. Người Nga chỉ trích Mutko không đề ra được sách lược nào đúng đắn để vực dậy thể thao Nga, tố cao ông hoang phí, bòn rút tiền công và không có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho Olympic London 2012...
Thể thao Nga coi như đã thất bại tại Olympic London 2012 và rất có thể, trong thời gian tới đây, một cuộc cách mạng về nhân sự ở tầm vĩ mô sẽ xảy ra. Điều này cũng giống như việc hàng loạt quan chức LĐBĐ Nga bị sa thải sau khi ĐTQG nước này không thể vượt qua vòng loại Euro 2012. Đơn giản bởi, trong từ điển của các nhà tài phiệt Nga, những người có tác động trực tiếp tới thể thao xứ “Bạch dương”, không có từ “kiên nhẫn”.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?