Thành Manchester tan tành ở Europa League: Một thành lũy đang sụp đổ?
Thứ bảy, 17/03/2012 10:18

Sự tháo chạy đồng loạt của hai đội bóng hành Manchester ở đấu trường hạng hai Europa League là cột mốc đánh dấu rõ ràng một chu kỳ suy thoái của bóng đá Anh, dù đó hiện vẫn là giải đấu bóng bẩy nhất châu Âu.

Nếu không có màn trình diễn đầy quả cảm của Chelsea, Premier League sẽ không còn một đại diện ở tứ kết ở Champions League, điều không xảy ra từ mùa 1995-1996. Nên nhớ, đó là thời điểm mà người Anh vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau thảm họa Heysel vào năm 1985. Bây giờ, giải đấu của họ được coi là hấp dẫn bậc nhất châu Âu, và các CLB Anh đã tạo được nền móng rất vững vàng ở Champions League, mặt trận khắc nghiệt nhất Lục địa già, trong hơn một thập kỷ qua.

Thành Man cùng chia tay Europa League - Ảnh Getty

Trừ trận chung kết 2010 giữa Inter Milan và Bayern, các đội bóng Anh đã có mặt trong 5 trận chung kết Champions League liên tiếp từ 2005 cho đến 2009. Trong cả hai năm 2008 và 2009, Premier League đều có 3 đại diện ở vòng bán kết, và riêng năm 2009, chung kết Champions League là “chuyện riêng” giữa Manchester United và Chelsea. Thời điểm ấy, các đội bóng Anh tạo cảm giác rằng chỉ có họ mới có thể tiêu diệt lẫn nhau.

Năm 1999, ngay cả khi Manchester United vô địch (một cách đầy may mắn), lối đá tốc độ đơn thuần của người Anh vẫn bị coi là quá ngây thơ (M.U khi ấy thậm chí còn được coi là đội có lối chơi “tân tiến” nhất của bóng đá Anh). Nhưng trong nửa thập kỷ trở lại đây, chúng ta nhìn thấy đội bóng mạnh nhất nước Anh trong kỷ nguyên Premier League trở nên già giơ, lọc lõi và rất chú trọng đến hàm lượng kỹ chiến thuật trong lối chơi, chứ không còn dựa vào sức mạnh tinh thần đơn thuần. Chelsea, Liverpool, Arsenal ở giai đoạn đỉnh cao của họ cũng tạo dựng được một lối chơi đầy bản sắc và vượt trội phần còn lại của châu Âu ở một khía cạnh nào đó: Liverpool bùng nổ, Arsenal vô địch về phối hợp nhỏ, còn Chelsea dưới thời Mourinho cũng là một bậc thầy về những toan tính chiến thuật.

Nhưng giờ thì mọi chuyện đã thay đổi. M.U, đội bóng số một nước Anh hiện tại, đã bị loại ngay từ vòng bảng Champions League, dù rơi vào một bảng đấu thuộc loại rất dễ (Benfica, Basel, Otelul Galati), và sau đó, chịu thua một đội Athletic Bilbao đang đứng thứ 7 ở Liga (không nằm trong tốp dự Cúp châu Âu), kém Barcelona 23 điểm và Real Madrid 33 điểm! Manchester City có thể đã rơi vào một bảng đấu rất khắc nghiệt ở Champions League (có Bayern, Napoli và Villarreal), nhưng việc không thể vượt qua được cả Sporting Lisbon, hiện đang xếp thứ 5 ở giải vô địch BĐN và kém đội đầu bảng Porto đến 12 điểm, là điều không thể bào chữa.

Sự suy thoái của bóng đá Anh

Liverpool, từng 5 lần vô địch C1/ Champions League, thậm chí không bén mảng được đến đấu trường danh giá này 2 năm qua. Arsenal có thể tự hào rằng họ đã giành một thắng lợi quả cảm ở trận lượt về trước Milan, nhưng trong 180 phút đối đầu với đội bóng Italia, họ chỉ chơi tốt 45 phút. Chelsea đã tiêu diệt Napoli, nhưng phải thừa nhận rằng đó vốn là đội bóng ít chất Italia (truyền thống) nhất của nước Ý nhiều năm qua, với lối chơi quả cảm đến thơ ngây, có thể tạo ra kỳ tích, nhưng không biết cách bảo vệ nó.

Trong vài mùa bóng vừa qua, theo một thống kê không chính thức, Premier League đã thu hút đến hơn 70% số khán giả theo dõi bóng đá trên toàn thế giới, với khoảng 650 triệu CĐV của 20 đội Premier League. Các trận đấu diễn ra với tốc độ cao, khá đơn giản, trực diện và giàu tính cống hiến, được “tô vẽ” bằng những góc quay rất đẹp và khả năng nắm bắt diễn biến nhạy bén của các đạo diễn hình đã khiến giải đấu này trở nên lung linh hơn. Nhưng chuyên môn và nền tảng phát triển của bóng đá Anh thì đang thụt lùi: Trong 55 cầu thủ của Chelsea và Arsenal được đăng ký vào danh sách thi đấu các trận gặp Milan và Napoli, chỉ có 7 cầu thủ Anh. Trong 9 cầu thủ quốc tịch Anh ra sân từ đầu của hai đội Manchester, thì chỉ Wayne Rooney là tạo được dấu ấn nhờ một phút bừng sáng. Còn lại, tất cả đều chơi đáng thất vọng, đặc biệt là M.U, với 6 cầu thủ Anh trong đội hình, đã hoàn toàn thua kém và thậm chí đôi lúc còn bị giễu cợt bởi một dàn cầu thủ chỉ đến từ xứ Basque.

Sự sụp đổ đồng loạt của hai đội Manchester ở đấu trường hạng hai Europa League, với một đội là biểu tượng mạnh nhất của các giá trị truyền thống của Premier League (M.U) và một đội là biểu tượng của sự trỗi dậy mạnh mẽ nhờ đầu tư (Man City) chính là cột mốc rõ ràng đánh dấu sự suy thoái của bóng đá Anh trên đấu trường châu Âu.

TT&VH
Tag: Europa League , Premier League , Manchester , M.U , Man City , Man United