Thẩm mỹ: Nghề hái ra tiền!
Thứ hai, 28/10/2013 10:27

Nghề giải phẫu thẩm mỹ đang hái ra tiền nên nhiều bác sĩ ngoại khoa đua nhau học phẫu thuật thẩm mỹ nhưng tiền và rủi ro đi liền kề…

Một ca phẫu thuật nâng ngực tại bệnh viện

Một ca phẫu thuật nâng ngực tại bệnh viện

Nắm được nhu cầu làm đẹp ngày càng nhiều của phụ nữ nên các thẩm mỹ viện, cơ sở làm đẹp ngày càng nở rộ, cũng từ đó những cơ sở thẩm mỹ hành nghề “chui” như Cát Tường không phải là hiếm.

Bác sĩ lao vào nghề thẩm mỹ!

Theo tìm hiểu của phóng viên, các dịch thẩm mỹ, làm đẹp ngày càng phổ biến. Không chỉ dừng lại ở làm đẹp đơn giản như trẻ hóa da, xóa nhăn, trị nám và tàn nhang, trứng cá, điều trị sẹo, nâng cơ và làm săn da, tẩy nốt ruồi, triệt lông, xăm môi…, các dịch vụ làm đẹp phải đụng đến dao kéo cũng phát triển mạnh mẽ với công nghệ phẫu thuật mũi, mí mắt, độn cằm, tạo má lúm đồng tiền, nâng ngực, nâng mông, hút mỡ bụng. Cùng một dịch vụ nhưng giá để nhan sắc tỏa sáng mỗi nơi mỗi khác. Đơn cử như phẫu thuật nâng mũi bọc sụn có cơ sở niêm yết giá 13-15 triệu đồng/lần phẫu thuật nhưng có nơi lên đến 20-25 triệu đồng/lần hay với phẫu thuật nâng ngực đặt túi, cùng một loại túi ngực nhưng có cơ sở quảng cáo dịch vụ này 50 triệu đồng, có nơi giá tới 70 triệu đồng.

Một bác sĩ trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ ở Hà Nội tiết lộ nhiều khi giá không nằm ở chất lượng túi ngực mà nằm ở tay nghề và thâm niên kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật. Trước nhu cầu làm đẹp không chỉ của chị em mà cả đấng mày râu, những năm gần đây, chuyên ngành thẩm mỹ cũng trở thành một ngành “hot” với ngay cả trong giới bác sĩ.

Một bác sĩ cho biết nhiều đồng nghiệp ở các chuyên ngành ngoại khoa, tai mũi họng, răng hàm mặt, da liễu, thậm chí sản khoa, đã học thêm các khóa học về phẫu thuật thẩm mỹ và với chứng chỉ về ngành này, họ mở các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp. Cũng theo bác sĩ này, với nhu cầu làm đẹp như hiện nay, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đang được coi là nghề “hái ra tiền”. Tuy nhiên, theo nhiều bác sĩ, trong phẫu thuật ngoại khoa nói chung chứ không riêng phẫu thuật thẩm mỹ, đều có thể xảy ra những rủi ro, sơ suất, thậm chí gây chết người. Do vậy, nghề thẩm mỹ dù được rất nhiều tiền nhưng cũng đối diện với nhiều rủi ro.

PGS-TS Nguyễn Huy Thọ, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ Hà Nội, cho biết nguy hiểm nhất vẫn là quá trình gây mê. Trong quá trình gây mê, khi sử dụng thuốc mê, người bệnh sẽ không đau nhưng có thể ảnh hưởng đến cơ hô hấp, bệnh nhân không biết gì dễ dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, ngay cả đối với quá trình gây tê, bệnh nhân cũng có thể gây sốc phản vệ. Dù hiếm gặp nhưng nếu trong tình huống đó, bệnh nhân không được hồi sức cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong sẽ cao bởi sốc phản vệ do cơ địa dị ứng sẽ dẫn đến trụy tim mạch nên rất nguy hiểm. Vì thế, phẫu thuật có gây mê nên thực hiện ở những cơ sở y tế có chuyên khoa và đầy đủ phương tiện cấp cứu.

Bác sĩ Thọ cũng lưu ý nguy cơ sốc phản vệ có thể gặp ở bệnh nhân có sẵn những bệnh lý tim mạch, huyết áp cao.

Nhiều rủi ro

Trong số các phẫu thuật làm đẹp thì nâng ngực được nhiều chị em quan tâm hơn cả. Chính vì thế khi nghe những lời quảng cáo “có cánh” về phẫu thuật hút mỡ thừa ở bụng bằng “phương pháp không cần phẫu thuật, nhẹ nhàng, an toàn; khách hàng sau khi nâng ngực có thể nhanh chóng trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường” với giá 50- 60 triệu đồng, không ít chị em đã quyết tâm đi làm đẹp.

Nếu như tại nhiều trang web về thẩm mỹ, phương pháp bơm ngực bằng mỡ tự thân được “thổi” lên như là một trào lưu mới thì với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này, đây là một phương pháp đã rất cũ. “Hiện các bệnh viện lớn không sử dụng kỹ thuật này để nâng ngực vì gây ra những nguy hiểm nhất định lại không đạt hiệu quả về thẩm mỹ” - một bác sĩ cảnh báo.

Theo một số bác sĩ, nhiều chị em nghe quảng cáo hút mỡ bụng bơm vào ngực thì nghĩ rằng “tiện đôi đường” vì vừa thu nhỏ vòng eo, vùng đùi lại vừa làm tăng kích cỡ vùng ngực lại dùng mỡ của chính mình nên an toàn. Thế nhưng, phương pháp này không đem lại “hiệu quả tuyệt vời” như nhiều cơ sở thẩm mỹ quảng cáo. Mỡ hút ra gồm các tế bào mỡ còn nguyên vẹn và các tế bào mỡ đã vỡ nếu bơm cả vào ngực - nơi có những mạch máu lớn - có thể gây tắc mạch, nhiễm trùng, thậm chí gây suy hô hấp…

Bơm ngực bằng mỡ tự thân: Nguy hiểm

PGS Nguyễn Huy Thọ lưu ý: Phương pháp hút mỡ chỗ này bơm vào làm đầy chỗ khác trên thế giới thực hiện từ lâu, được du nhập từ Hàn Quốc. Đây là phẫu thuật không đơn giản như nhiều người tưởng. Những người có chống chỉ định với hút mỡ là bệnh nhân có bệnh mạn tính như tiểu đường, có vấn đề về huyết áp, tim mạch, người có chức năng gan kém, bị bệnh lao, giang mai... Ngoài ra, người có rối loạn đông máu cũng không nên áp dụng phương áp này do trong quá trình hút mỡ có biến chứng tắc mạch do cục máu đông bị hút vào lòng mạch, gây tắc mạch dễ dẫn đến tử vong.

 

Nld.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: Bác sỹ thẩm mỹ , Phẫu thuật thẩm mỹ , Nghề nghiệp , Bộ Y tế , Thu nhập cao , Tuyển dụng