Thẩm mỹ âm nhạc và nguy cơ lệch lạc trong giới trẻ
Chủ nhật, 02/06/2013 10:07

Tâm lý dễ tiếp nhận từ phía công chúng đã mang đến mối nghi ngại về nguy cơ lệch lạc thẩm mỹ âm nhạc trong giới trẻ.

Là thảm họa nhạc Việt nhưng nhóm HKT vẫn được một bộ phận công chúng trẻ tung hô

Là thảm họa nhạc Việt nhưng nhóm HKT vẫn được một bộ phận công chúng trẻ tung hô

Phải thừa nhận rằng, hiện nay chúng ta đang có một nền âm nhạc cởi mở và đa chiều. Số lượng ca khúc mới xuất hiện ngày càng nhiều, kéo theo sự xuất hiện của những gương mặt “nhạc sỹ trẻ”.

Tuy nhiên đây chưa hẳn là một tín hiệu đáng mừng, bởi trên thực tế thì sáng tác đang đi theo hướng “nghiệp dư hóa” và chính sự ồ ạt này đã làm thị trường âm nhạc đang đi thụt lùi!

Mỗi tác phẩm âm nhạc cần chuyển tải thông điệp, ý nghĩa nào đó về tình yêu, cuộc sống... mang giá trị nghệ thuật, thẫm mỹ. Nhưng trái lại thì âm nhạc liên tục xuất hiện những ca khúc sáo rỗng về ca từ, nhảm về giai điệu, nghèo về ý tưởng...

Xét về mặt bằng chung thì những ca khúc mới có “tuổi thọ” rất chóng vánh. Nội dung sáng tác chủ yếu bó hẹp ở đề tài yêu đương nam nữ, ít có sự đổi mới và cảm tưởng. Sự o ép về ca từ, thô trong câu chữ, quằn quại về giai điệu... không là đích đến của âm nhạc.

Lý giải cho những yếu kém này chỉ có thể là sự non yếu của người viết về trình độ, vốn sống. Họ sáng tác chủ yếu dựa vào sự vay mượn vốn sống và kỹ thuật mù mờ. Bởi xét mặt bằng chung thì “cha đẻ” của rất nhiều ca khúc nhạc trẻ trên thị trường hiện nay chưa đủ tầm để được gọi là nhạc sỹ, nên chăng chỉ là những người viết, người sáng tác, vì đại đa số là tay ngang. Họ đến với âm nhạc vì có chút năng khiếu về nhạc lý và vì sở thích nên chưa có sự kiểm chứng nào.

Hơn nữa, việc hời hợt khi nóng lòng lấn sân của những ca sỹ kiêm luôn cả nhạc sỹ cũng không phải là điều tốt. Vậy mà hiện tượng này lại chiếm đại đa số trong nền âm nhạc Việt hiện nay. Tất nhiên, có số ít ghi danh được một vài ca khúc ấn tượng, nhưng để đi dài hơi thì không có. Đó là chưa kể đến, những cá nhân ảo tưởng với chính mình nên cho ra đời những sản phẩm âm nhạc thảm họa.

Với những người đã “có nghề” thì một thực tế đang tồn tại là họ điềm nhiên chạy theo những đơn đặt hàng của các ca sỹ. Nhưng nghệ thuật thì luôn cần sự sáng tạo bay bổng, việc gò ép theo những đơn đặt hàng thì thử hỏi, sẽ có được bao nhiêu tác phẩm hay?

Nguy cơ lệch lạc thẩm mỹ âm nhạc đang tồn tại ở giới trẻ?

Sức ảnh hưởng của âm nhạc đến cảm xúc và đời sống tinh thần là rất lớn. Đã một thời, chúng ta đã có “tiếng hát át tiếng bom” với những ca khúc xây dựng đất nước, những ca khúc ấy vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.

Thế nhưng, ngày nay giới trẻ lại đang chuộng những ca khúc quy tụ đủ các yếu tố từ nhạt đến nhảm. Họ đang chạy đua với các thể loại: Rock, Pop Ballad, Dance... thậm trí là Dance remix. Không mấy người trẻ còn mặn mà với nhạc đỏ, nhạc vàng...

Vẫn biết, tự thân nghệ thuật có sự đào thải, nhưng với số lượng ca khúc mới ồ ạt tấn công vào thị trường âm nhạc trong khi đối tượng tiếp nhận lại là số đông, ở nhiều độ tuổi, không phải ai cũng dễ dàng chọn cho mình một “gout” âm nhạc đúng đắn.

Vậy làm thế nào để trả lại sự trong sáng cho âm nhạc? Hơn ai hết, nhiệm vụ của người sáng tác vẫn là đi đầu. Mỗi người làm nhiệm vụ sáng tạo nghệ thuật nên định hướng và ý thức thẩm mỹ âm nhạc trong tác phẩm mình tạo ra. Vì mỗi tác phẩm là một công trình nghệ thuật ít nhiều ảnh hưởng đến công chúng.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần đánh giá, giám sát chặt chẽ hơn nữa các ca khúc mới. Tiến hành đồng bộ từ khâu sáng tác, hạn chế những tác phẩm thảm họa tung ra thì trường. Còn về đối tượng tiếp nhận, đặc biệt là giới trẻ thay vì chạy theo xu hướng thì nên có trách nhiệm với nền âm nhạc Việt bằng cách lựa chọn những sản phẩm âm nhạc lành mạnh?!

Soha.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: Nhạc Việt , Nền nhạc Việt , Nhóm nhạc HKT , HKT 2013 , Thẩm mỹ âm nhạc , Thảm họa âm nhạc