Trong giới thợ lặn ngang dọc trong khắp vùng vịnh Tây Nam, có một người khá nổi tiếng và tên tuổi gắn liền với những biệt danh Thuồng luồng biển, Quái kiệt trên đảo Phú Quốc, Kỳ nhân dưới đáy sâu…
|
“Quái kiệt” đó là Sáu Hà (Nguyễn Văn Hà), ở Bãi Bổn, xã Hàm Ninh, H.Phú Quốc, Kiên Giang. Những biệt danh trên được bạn lặn gán cho ông vì khả năng ở cả ngày và có thể đánh giấc hàng giờ dưới đáy biển. Từ dưới sâu, câu chuyện ấy “bay” lên mặt nước, được các thợ lặn kháo nhau và ông được biết đến nhiều qua những đồn đoán như một giai thoại của đời lặn biển.
“Nghiện" biển
Đến Hàm Ninh, chúng tôi đã thấy được sự nổi tiếng của Sáu Hà khi hỏi nhà ông hầu như ai cũng biết. Có người còn nhiệt tình xách xe dẫn khách đến tận lối ra xóm lặn. Thấy khách lạ đến hỏi, người đàn ông khoảng 50 tuổi có thân hình “phì nhiêu” tỏ vẻ ngạc nhiên: “Tui có quen chú hả?”. Nhưng ngay sau đó, ông trở nên vui vẻ khi biết chúng tôi là nhà báo.
Mua bán sản phẩm tại bến đậu của các thợ lặn ở Phú Quốc - Ảnh: T.T
Câu chuyện bắt đầu khi ông canh cánh rằng vùng biển này bây giờ bị các ghe cào quấy rối dữ quá. Họ “nuốt” trọn từ mặt nước xuống đáy sâu, hủy hoại cả những thứ mà họ không lấy được. Ông nói như thể biển là cánh đồng của nhà mình xanh tốt bỗng có người cho máy vào bừa xới. Biển bị “xử tệ” như thế nên thợ lặn ngày càng khó kiếm sống hơn.
Sau thời gian bị vợ không cho xuống biển vì chứng cao huyết áp, Sáu Hà không cưỡng nổi thôi thúc, tìm cách về với biển. Hôm chúng tôi đến, ông và các thợ lặn trong xóm Bãi Bổn (xã Hàm Ninh, H.Phú Quốc, Kiên Giang) lui cui trét chai cho chiếc ghe mới, chuẩn bị hạ thủy. Ông nói “nhờ” bệnh, bị giảm cân mà ông bây giờ đã “gọn” hơn trước, chỉ còn trên 130 kg. Nhưng bao nhiêu đó cũng đủ để ông giữ chắc kỷ lục là thợ lặn… có trọng lượng nặng nhất xứ đảo. Có lẽ, một điều cơ bản khác hơn giữa ông với nhiều thợ lặn xuống đáy biển kiếm cơm là ông xuống biển gần như là một nhu cầu. Sáu Hà nói ông trở nên “nghiện” đáy biển lúc nào không hay. “Tui ở nhà hoài bứt rứt lắm chú. Nhà không có ghe tui cũng quá giang ghe khác đi biển hà”, ông cười khà.
Chứng "nghiện" biển với ông đã có từ thuở mới 8-9 tuổi, lúc theo cha đi kiếm sống. Thấy con ở trên xuồng không chịu ngồi yên, cha ông đã “quẳng” Sáu Hà xuống biển, buộc dây cho đeo lủng lẳng vào cột chèo. “Lúc đó dưới biển “đồ” nhiều lắm; hải mã, ốc nhảy, đột trắng (hải sâm) còn rất nhiều. Mà người ta cũng đâu có “vùi” dưới biển như bây giờ, đúng là người khôn của khó”, Sáu Hà nói.
Thích ngủ dưới... biển
Mười tuổi, Sáu Hà đã học lặn “hơi tài”, lặn bắt các sản vật ở gần bờ. Đến khi các thợ lặn có thêm sự trợ giúp của bình nén khí thì việc ở lì dưới đáy trở nên phổ biến. Tuy nhiên, trung bình một thợ lặn cũng chỉ có thể lùng sục dưới sâu nhiều nhất 2-3 giờ. Bởi nếu ở lâu dưới đáy, áp suất và nhiệt độ thấp dễ dẫn đến nguy cơ bị “tê”. Song, với Sáu Hà thì khác. Ông nói nếu không đói và đủ dưỡng khí, ông có thể ở dưới đáy biển cả ngày mà không cần ngoi lên. Thời gian ở dưới đáy lâu là vậy, nhưng ông ít khi bắt được nhiều sản vật hơn các thợ lặn khác. Ông thú nhận, khi xuống biển, ông rất thong dong và thường xuyên... đánh giấc mỗi khi buồn ngủ.
“Quái kiệt” Nguyễn Văn Hà, thợ lặn được biết đến như người có sở thích... ngủ dưới đáy biển - Ảnh: T.T
Chuyện Sáu Hà ngủ dưới biển, lần đầu được ông nhìn nhận như là một tai nạn hơn là “thi thố” gì. Cách nay gần 10 năm, trong một lần lặn bắt hải mã, bạn lặn thấy ông nằm bất động một chỗ. Anh này hoảng hốt vì nghĩ ông đã bị “tê”. Nhưng khi đến gần khều nhẹ thì ông giật mình tỉnh dậy. Sáu Hà nhớ lại: “Hôm đó tui nhậu nhiều quá, sáng xuống biển cứ thấy buồn ngủ. Biết ngủ dưới này là nguy hiểm, tôi cũng cố gắng đi kiếm “đồ”. Nhưng rồi chẳng bao lâu lại ngủ thiếp đi lúc nào không hay”.
Lúc đầu, khi nghe chuyện Sáu Hà ngủ dưới biển ai cũng nghĩ là... chuyện tiếu lâm, bởi chẳng ai dại đến mức chui xuống biển mà ngủ. Nhưng rồi sau đó, thỉnh thoảng người ta lại thấy ông “đứng hình” dưới đáy biển, bạn lặn phải đánh thức ông dậy. Có người cắc cớ thấy ông ngủ đã đến gần “cúp” ống hơi, không thở được ông lại choàng tỉnh. Lâu dần, khi xuống biển ai cũng lo kiếm “đồ” để bán, chẳng còn quan tâm nhiều chuyện bạn lặn “liều” như thế. Nhiều lúc Sáu Hà phải mất hồn khi đang ngủ trong vô thức đã nhả luôn ống hơi khỏi miệng. Bị vuột ra, chiếc ống không đứng một chỗ mà “nhảy” khắp nơi, làm ông rất khó khăn bắt lại. Có những lần không bắt kịp ống hơi, ông một phen uống đầy nước biển.
Nhiều lần riết rồi thành thói quen, không ai còn lạ gì khi thấy Sáu Hà đánh giấc dưới đáy sâu. Lúc ông xuống biển, người trên tàu thấy bọt khí di chuyển thì biết ông đang làm, còn thấy nó đứng một chỗ thì biết đích thị ông lại ngả lưng vào đâu đó mà đánh giấc. Ông “chia sẻ” cảm giác ngủ dưới đáy biển: “Nó rất dễ chịu, mát hơn ngủ phòng có máy điều hòa và không sợ ai quấy rầy”. Tuy nhiên, trong các thợ lặn ở biển Tây, có lẽ duy nhất ông có cảm giác kỳ lạ và “dễ chịu” như thế.
Khi biết Sáu Hà có thói quen kỳ khôi như thế, người nhà cũng không khỏi lo lắng. Đến khi ông bị chứng cao huyết áp giày vò, vợ và các con ngăn không cho ông đi biển nữa. Nhưng không đi biển thì lại buồn, lại “nóng nực chịu không nổi”, lại thêm bạn nhậu rủ rê, thế là ông lại có cớ nói với bà nhà xuống biển vừa tránh sa vào chè chén, lại kiếm được tiền. Lý do quá hợp lý, khiến vợ ông không còn cách nào để ngăn ông trở lại biển.
Nhìn chiếc ghe mới, Sáu Hà háo hức như đứa trẻ vừa được cho quà. Hôm chúng tôi đến, ông nói vậy là mình sắp được trở lại đáy biển. Lần này, ông sẽ lặn cả ban đêm, là lúc nhiều sinh vật biển ra khỏi nơi ẩn nấp, dễ kiếm tiền hơn. Cũng còn bởi với ông, lặn biển đêm hay ngày chẳng khác nhau là mấy.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%