Mưu sinh dưới đáy đại dương - Kỳ 2: Vào ra cửa tử thần
Thứ ba, 03/01/2012 08:18

Có vô vàn lý do đưa đến số phận không may của những tay lặn thượng thặng trên vùng biển Tây. Sau bao nhiêu trường hợp nhãn tiền, những đúc kết dường như chỉ là chuyện mơ hồ.


Thợ lặn Nguyễn Hoàng Anh thường một mình ra khơi với mớ đồ nghề trên chiếc xuồng cũ kỹ

“Vùng nước chết”

Những con “mương” uốn lượn dưới lòng đại dương luôn là nơi ẩn chứa nhiều bất ngờ. Ở đó, một thợ lặn có thể tìm được sản vật quý báu đến mức ngạc nhiên và đây cũng chính là nơi hay “níu chân” người xấu số. Tuy nhiên, các thợ lặn gan lì thì qua bao nhiêu tầng nước cũng chưa phải là mối đe dọa. Lâu ngày, họ cũng vượt qua nỗi ám ảnh của cạm bẫy để có thể ung dung trong cuộc mưu sinh. Thợ lặn Nguyễn Hoàng Anh, người có trên 20 năm chinh chiến dưới đáy sâu với những lần vào ra cửa tử thần, bảo "cách duy nhất để một thợ lặn giữ được an toàn là bỏ nghề". Còn không thì dù người có kinh nghiệm mấy cũng chẳng đoán trước điều gì sẽ xảy đến. Như anh, có lần khi từ độ sâu 20 sải nước tại vùng “Cổ Rồng” ngoi lên đã bị “tê” suýt chết, may nhờ hai người bạn mang anh trở lại đáy biển kịp thời. Hoảng vía, Hoàng Anh không dám bén mảng đến vùng biển nguy hiểm đó nữa. Lần sau, chỉ lặn ở độ sâu 4 sải nước, nhưng anh lại bị “quay mô tưa” (người có cảm giác xoay tròn mất thân bằng) tưởng chết, lại được mang trở xuống đáy biển suốt 4 giờ mới trở lại bình thường. Nhắc lại, anh rùng mình: “Tui nghĩ lại mình lớn mạng thiệt, chứ bạn bè tui chết nhiều không dám nhớ, chết không trở tay kịp”.

Hoàng Anh có một người bạn thân tên là Lợi Anh, hai người thường rủ nhau đi cùng một hướng mỗi khi ra khơi. Một lần lặn chung ở “con mương” cạnh vùng biển An Thới, Lợi Anh gặp 2 con ghẹ khổng lồ. Chúng không bỏ chạy mà cứ như muốn đương đầu lại với những người xâm phạm vào lãnh địa bí ẩn của mình. Rất vất vả, anh thợ lặn mới tóm được cặp ghẹ lạ này. Lúc lên ghe anh còn tỉnh rụi, nói là mang cặp ghẹ này về cho con gái. Nhưng rồi bỗng dưng anh ngoẻo ngang chết. Hoàng Anh nói bạn anh không phải bị “tê” bình thường mà còn trúng phải làn nước độc nên không thể cứu chữa.

Nhắc đến chuyện này, thợ lặn Đặng Văn Mộng tặc lưỡi: “Tội nghiệp ông Phương “trời đánh” ở Bãi Thơm, lặn giỏi lắm. Có lần ông lặn trúng bầy đột, chưa đầy một giờ mà đã kiếm trên chục triệu. Nhưng cũng chính lần đó ông gặp nước độc, lên không nổi. Khi người ta mang ông lên ghe thì toàn thân đã bất toại, đến giờ vẫn phải nằm một chỗ. Thỉnh thoảng tôi cũng ghé qua thăm, cho ít tiền”. Hay như trường hợp ghe ông Sáu Tím, đi trên ghe có 4 người, gặp vùng nước độc, 3 người xuống biển rồi không lên được. Chỉ mình ông sống sót. Sau khi lần lượt đưa 3 người bạn về nơi an nghỉ, ông Sáu cũng bán ghe và bỏ luôn nghề lặn.

"Vùng nước độc" là nỗi ám ảnh thường trực của những thợ lặn khi đang ở đáy biển. Nhiều thợ lặn nói đó là vùng nước có màu vàng đục như màu dầu ăn, trôi vô định ở mực nước sâu. Tôm cá khi lọt vào vùng nước này cũng trở nên dại đi. Những thợ lặn không cảnh giác gặp phải thì coi như xấu số. Thợ lặn Phạm Bá Phước nói chúng thường xuất hiện vào mùa gió nam, khi biển “quay gió”, kéo theo những làn nước lạ bị đẩy ra theo các con “mương”. Nhưng cũng có thợ lặn khác giải thích, làn nước nguy hiểm này xuất phát từ những loài sinh vật độc hại dưới đáy biển; lại có người bảo nước độc cũng là do con người thải ra khi đánh bắt và các thợ lặn túc trực dưới đáy sâu là những người lãnh đủ.

Không còn lựa chọn

Nhiều thợ lặn chứng kiến đồng nghiệp gặp rủi ro, vì lo sợ cho số phận của mình đã bỏ nghề. Nhưng rồi cũng vì thắt ngặt mà họ lại tìm xuống đáy sâu. Trần Văn Đông (xã Gành Dầu, H.Phú Quốc) tới giờ vẫn còn xót dạ khi nghĩ đến anh bạn xấu số tên Nhựt. Anh Đông nói bạn anh lặn rất giỏi. Anh này thường đi theo các tàu ra lặn ở vùng biển quốc tế tìm “đồ cao cấp”, mỗi chuyến về kiếm vài chục triệu. Trong một chuyến lặn chứng kiến có người tử nạn, anh Nhựt về tâm sự với bạn: “Tui bể quá không làm nữa”. Nhưng trong lần bay ra Phú Quốc đón vợ con về đất liền, sau khi nhậu chia tay các bạn lặn, anh lại theo tàu “làm một chuyến kỷ niệm” rồi tìm kế khác sinh nhai. Không ngờ chuyến lặn cuối cùng ấy, anh đã vĩnh viễn không trở lên được nữa.

“Dân lặn có nhiều cách chết lắm, không chỉ gặp áp suất hay nước độc mới bị "tê". Nào là lặn bị vướng lưới chết, vuột ống hơi cũng chết, đang lặn tàu chạy qua vướng đường ống “sinh tử” cũng chết… Người bị "tê" nằm một chỗ vài năm sau chết có, chết ở dưới biển mang lên cũng có. Ở xóm này chết hết 10 thợ lặn, còn bị “xịt lụi” thì nhiều…”, thợ lặn Trần Văn Lô kể về cái sự bạc bẽo của nghề bằng một giọng thản nhiên đầy chấp nhận.  Anh nổi tiếng là một thợ lặn lì lợm ở xóm Lò Than (xã Hàm Ninh, H.Phú Quốc). Mấy năm trước, Lô thường theo các tàu đi xa đục dương đen. Đó luôn là những chuyến đi đầy bất trắc. Cây dương đen chỉ mọc ở vùng biển sâu năm, sáu chục sải nước. Để tìm được loại cây quý này, thợ lặn phải đi xa về hướng nam.

Nhiều lần ra vào “cửa tử thần”, nhưng Trần Văn Lô vẫn giữ thái độ bình thản: “Nếu bị "tê" thì giảm áp, nghỉ vài bữa lại lặn tiếp”. Trong một lần Lô bận việc không ra khơi, người bạn thế chỗ anh không ngờ lại là người thế mạng cho anh. Anh này bị trúng nước độc mà chết, xác anh được ướp nước đá chở về đảo. Cùng chuyến đó có hai thợ lặn tên Gió, To cũng ở xóm Lò Than. Rồi hai anh em nhà này cũng bỏ nghề đục dương đen để quay về vùng biền gần kiếm sống.

Những câu chuyện về người xấu số được dân lặn nhắc đến như là chuyện phải đến. Có người vì sợ “tới quận mình” mà bỏ nghề lặn nước sâu, chỉ quanh quẩn các bãi mà lặn sò, lặn ốc. Thế nhưng, số phận nghiệt ngã chưa hẳn đã buông tha cho họ. Gần nhất, hai anh em thợ lặn ở Bãi Bổn (Phú Quốc) trong lúc lặn vẫn chạy máy tiếp hơi. Điều không ai nghĩ đến là một cơn sóng đã đánh mạnh làm máy tự động vào số, chiếc ghe không người lái bất ngờ chạy đi, bỏ lại chủ nhân dưới đáy đại dương. Bị mất hơi giữa chừng, người em xấu số không lên được. Người anh cố gắng ngoi lên mặt nước nhưng cũng bị thương nặng, trở thành người tàn phế.

Thanh niên
Tag: Chuyện nghề nghiệp , Ngư dân , Làng chài , Thợ lặn , Mưu sinh